Vàng SJC đang bị làm giá?

Giá vàng trong nước tuần vừa qua đã có lúc đạt mức chênh lệch kỷ lục so với vàng thế giới tới hơn 7 triệu đồng/lượng. Nhiều ý kiến cho rằng, Ngân hàng Nhà nước thiếu nhất quán trong việc quản lý thị trường vàng.

Bất bình thường trên thị trường vàng

Trong tuần vừa qua, thị trường vàng tiếp tục được chứng kiến đợt lao dốc kỷ lục nhất trong 30 năm. Ở phiên New York, Mỹ đầu tuần, giá vàng giao ngay đã giảm tới 9% xuống mức thấp 1.336,04 USD/ounce. Tính trong hai phiên (thứ Sáu ngày 12/4 và thứ Hai ngày 15/4), giá vàng thế giới đã để mất tới 13%, mức giảm tồi tệ nhất kể từ cuối tháng 2 năm 1983.

Cũng trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã liên tiếp tổ chức các phiên đấu thầu vàng, trong ba phiên (ngày 16, 17,18/4) đã có khoảng 106.000 lượng vàng được bán ra. Tổng cộng trong 9 phiên, NHNN đã bán được khoảng 263.400 lượng vàng trên tổng số 302.000 lượng vàng chào thầu.

Những tưởng giá vàng thế giới lao dốc, cộng với lực cung vàng của NHNN tăng sẽ giúp cho giá vàng trong nước giảm dần theo sát giá thế giới. Thực tế lại cho thấy điều ngược lại, ở phiên đầu tuần khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới ở khoảng 6 triệu đồng/lượng và càng về các phiên sau đó mức chênh lệch càng cao, tới 7,2 triệu đồng/lượng.

Chốt ở phiên cuối tuần vừa qua, vàng SJC có giá khoảng 41,5 – 42 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), vẫn đắt đỏ hơn so với thế giới khoảng 6,7 triệu đồng/lượng.

Mặc dù hai giá vàng đang có mức chênh lệch cao kỷ lục nhưng tuần qua một lần nữa thị trường lại chứng kiến cảnh người dân đổ xô đi mua vàng. Lực mua tăng cao tới mức đã có doanh nghiệp rơi vào tình trạng hết vàng miếng để bán cho dân.

Tỷ giá USD trên thị trường tự do trong tuần qua cũng tiếp tục tăng nóng trên 21.000 đồng/USD. Ở phiên cuối tuần qua, USD "chợ đen" giao dịch ở mức 21.250 -21.500 đồng/USD. Nhiều ý kiến phỏng đoán, do nhu cầu gom USD tăng đã gây áp lực lên tỷ giá.

Vàng SJC đang bị làm giá? - 1

Cảnh người dân xếp hàng mua vàng trong tuần qua.

Những câu hỏi chờ NHNN giải đáp

Nhận định về tình hình thị trường vàng trong nước, nhiều ý kiến cho rằng, NHNN đang không nhất quán với cách điều hành, cùng với đó, sự tham gia trực tiếp vào thị trường khiến có phần gây mâu thuẫn giữa lợi ích kinh doanh và quản lý hành chính.

Còn nhớ, trả lời trước Quốc hội (phiên ngày 31/10/2012) Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã từng nói, mục tiêu quan trọng thứ nhất của Đề án chống vàng hóa bước đầu đã đạt được kết quả, do việc người dân không đổ xô đi mua vàng nữa. Tuy nhiên, hiện tượng vàng trong nước chênh cao, người dân vẫn đổ xô đi mua vàng trong tuần qua khiến nhiều người quan ngại cho mục tiêu trên.

Trong năm 2011, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng cho rằng nếu giá trong nước cao hơn giá thế giới trên 400 nghìn đồng/lượng là không ổn, có biểu hiện đầu cơ làm giá; Nếu bình ổn giá vàng theo sát giá thế giới, tránh đầu cơ, cần giữ giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới không quá 400 nghìn đồng/lượng.

NHNN đã từng khẳng định, NHNN sẽ thực hiện các biện pháp theo quy định của pháp luật để thực hiện đúng Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ để đưa giá vàng trong nước bám sát theo giá thế giới. Trong khi đó, mới đây, ông Vũ Quang Huy Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối NHNN cho rằng, mục tiêu NHNN đấu thầu vàng miếng là tăng cung vàng miếng trên thị trường để can thiệp bình ổn thị trường vàng, không nhằm mục tiêu bình ổn giá vàng và đặc biệt không bù lỗ cho bất cứ đối tượng nào trên thị trường.

Nhận định về cách điều hành của NHNN, theo ông Đinh Nho Bảng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam, quan điểm của NHNN là thông qua các phiên đấu thầu vàng sẽ từng bước ổn định thị trường vàng chứ không bình ổn giá vàng. Việc đưa giá vàng trong nước về sát giá thế giới phải có lộ trình. Nhưng mức giá vàng trong nước vẫn chênh khá cao so giá thế giới là chưa tương xứng.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định, NHNN đã không nhất quán khi thì nói sẽ kéo giá vàng sát giá thế giới, sau đó lại nói không bình ổn giá mà chỉ bình ổn thị trường. Nếu bình ổn thị trường mà để giá chênh lệnh tới 6 triệu đồng/lượng sẽ khuyến khích buôn lậu. Từng trả lời báo giới khi còn là Phó Thống đốc, ông Nguyễn Văn Bình cũng thừa nhận mỗi năm có tới 40 tấn vàng lậu, tốn rất nhiều ngoại tệ.

Cũng đã có những câu hỏi đáng suy nghĩ, giá xăng dầu trong nước thấp hơn giá một số nước trong khu vực, do đó dẫn đến tình trạng xuất lậu gia tăng, khó quản lý. Giá vàng chênh cao tới 6 triệu đồng, nếu nhập lậu thì quả là siêu lợi nhuận, vậy "quản" bằng cách nào?.

Nhiều doanh nghiệp cũng không hài lòng với cách đấu thầu vàng của NHNN, bởi điều kiện tham gia đấu thầu càng ngày càng cao hơn, với mức giao dịch tối thiểu lên tới hàng chục tỉ đồng.

Theo TS Lê Đăng Doanh, NHNN đấu thầu vàng nhưng điều kiện quá khắt khe, chỉ có vài "đại gia" và ngân hàng đủ lực tham gia. Phần lớn trong số 10 tấn vàng đã bán ra đều chủ yếu rơi vào tay các ngân hàng thương mại (NHTM). Lý do là bởi các ngân hàng này phải tất toán vàng với NHNN vào hạn chốt 30/6 tới. Ngay chính thống kê của NHNN cũng cho thấy người mua vàng phần lớn là các ngân hàng thương mại và một số doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Như vậy, có lợi ích nào ở đây để NHNN lấy vàng dự trữ quốc gia ra giúp các NHTM vượt qua khó khăn hay không?, TS Lê Đăng Doanh đặt câu hỏi.

Việc NHNN theo đuổi đấu thầu vàng nghĩa là NHNN đã xa rời chức năng quản lý hành chính nhà nước mà sa đà vào một nghiệp vụ thị trường khá tốn kém mà mục tiêu và kết quả có quá nhiều tranh cãi. Theo TS Lê Đăng Doanh, nếu NHNN đi đấu thầu vàng thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có đấu thầu gạo hay phân bón, Bộ Xây dựng có đấu thầu đất v.v. hay không và như vậy các Bộ có làm đúng chức năng quản lý nhà nước không?.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khổng Nhung (Vnmedia)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN