Vàng rớt giá thảm sau mỗi giờ: Nhà đầu tư nhỏ lẻ đua nhau mua nhưng không biết điều này dễ ôm thua lỗ
Sau nhịp giảm sốc vào phiên giao dịch chiều qua, sáng nay 19/7, có thời điểm các hệ thống kinh doanh vàng miếng niêm yết giá mua vào 60 triệu đồng, giảm 3,5 triệu so với tối qua, biên độ dao động từ 500 - 1,15 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, so với giá vàng thế giới giảm rất mạnh từ đầu tháng 7 tới nay, thì vàng trong nước vẫn còn khoảng cách khá xa.
Mở cửa giao dịch lúc 8h30, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn giữ nguyên giá mua vào 63,5 triệu đồng và nâng mỗi lượng bán ra 50.000 đồng, lên 65 triệu đồng.
Chưa đầy một tiếng sau đó, doanh nghiệp dẫn đầu thị phần vàng miếng trong nước đã điều chỉnh giá vàng giảm mạnh. Lúc 9h20, SJC mua vào 60 triệu đồng, giảm 3,5 triệu đồng so với tối qua để xác lập mức đáy tám tháng. Giá bán ra giảm ít hơn nhưng cũng đến 2 triệu đồng, xuống 62,5 triệu đồng một lượng.
Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, giá vàng SJC mua vào 63.300 đồng và 65.320 ở chiều bán ra (thấp hơn 1.200 đồng/lượng so với phiên hôm qua (18/7).
Giá vàng giảm sốc, vàng trong nước điều chỉnh giảm mạnh theo từng giờ
Có thể nói, đây là mốc giảm giá mạnh nhất trong gần hai năm qua. Lần gần nhất giá vàng điều chỉnh hơn 2,2 triệu đồng là ngày 11/8/2020, khi đó mỗi lượng rơi từ 58,3 triệu đồng xuống 55,5 triệu đồng.
Ngày hôm qua (18/7), thị trường vàng đã chứng kiến một phiên lao dốc cực mạnh của vàng SJC khi mất gần 5 triệu đồng/lượng chỉ trong vài tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giá vàng SJC hiện vẫn rất cao so với vàng thế giới.
Sau phiên giảm sốc của giá vàng miếng SJC, chênh lệch giữa hai thị trường được thu hẹp về 15,5 triệu đồng một lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank (chưa thuế, phí).
Có thể thấy, thị trường vàng trong nước đã diễn biến không đồng pha với vàng thế giới trong thời gian qua. Giá vàng thế giới tăng giá, vàng trong nước cũng tăng. Nhưng khi giá vàng thế giới giảm thì giá vàng nội đi ngang, thậm chí là vẫn tăng chứ không giảm. Điều này đã khiến cho khoảng cách chênh lệch giữa vàng nội và vàng ngoại ngày càng lớn, thậm chí có lúc lên tới 19-20 triệu đồng/lượng.
Theo một chuyên gia tài chính (giấu tên), những động thái tăng giá lên xuống không theo quy luật thị trường cho thấy tính độc quyền của SJC.
Thực tế, giá vàng thế giới đã duy trì mức giảm rất mạnh từ đầu tháng 7. Giá vàng thế giới lao dốc vì đồng USD và lãi suất mạnh lên, cũng như giới đầu tư lao vào trữ USD bán tháo vàng.
Nhưng vàng SJC vẫn rất "kiên định" bán trên mức 68 triệu đồng/lượng.
"Vàng SJC ban đầu neo giá cao vì kỳ vọng rằng người tiêu dùng vẫn sẽ mua vào nhiều để trú ẩn tài sản vì các bất ổn kinh tế toàn cầu đang diễn ra bất chấp giá vàng thế giới giảm mạnh.
Tuy nhiên, có khả năng do người tiêu dùng bán ra mạnh vì thấy rằng giá vàng thế giới lao dốc, cũng như lo ngại Ngân hàng Nhà nước thay đổi chính sách trên thị trường vàng để kéo giá vàng thế giới và trong nước sát hơn.
Ngoài ra, người tiêu dùng gặp khó khăn nên bán vàng để chi tiêu cuộc sống. Khi lượng xả hàng tăng mạnh thì bắt buộc vàng SJC phải giảm giá.
Nói thêm về việc này, chuyên gia Trần Duy Phương, cho rằng, chính chênh lệch quá lớn trên đã kích thích người dân chuyển hướng sang mua vàng nhẫn trong những ngày gần đây. Nhất là sau khi có nhiều ý kiến đặt vấn đề vì sao tồn tại chênh lệch quá lớn giữa vàng miếng SJC và giá vàng thế giới quy đổi trong suốt thời gian dài.
"Một số người chuyển sang mua vàng nhẫn vì hai lý do, một là tranh thủ tích trữ trong lúc giá vàng ở mức thấp, hai là lo mua vàng miếng SJC lúc này rủi ro quá cao nếu có sự thay đổi về chính sách khiến giá vàng miếng "sập" về ngang giá vàng nhẫn", ông Phương nói.
Với giá trồi sụt tại thời điểm này, cùng mức chênh lệch khá cao giữa giá vàng trong nước so với giá vàng thế giới, các chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư cần cân nhắc khi mua vàng vào thời điểm này.
Chia sẻ trên các diễn đàn về đầu tư, một số nhà đầu tư cá nhân khi chứng kiến giá vàng trong nước điều chỉnh giảm mạnh, đã cho rằng: “Giá vàng thế giới rớt thảm hại cả tháng rồi mà không hiểu sao giá trong nước cao vậy nhỉ? Hiện tại chênh lệch với thế giới vẫn ở ngưỡng quá lớn. Nay mới điều chỉnh giảm có 5triệu/ lượng cũng vẫn còn quá xa”; “vàng trong nước rớt giá mạnh là đúng rồi, cao hơn giá thế giới gần hai mươi triệu một cây vàng thì quá bất hơp lý”; “Thị trường đang trả lại đúng 1 phần giá trị thật”...
Nguồn: [Link nguồn]
10 doanh nghiệp thép lớn nhất trên sàn đã mất 98.000 tỷ đồng vốn hóa từ đầu năm trong đó riêng “anh cả” Hòa Phát (mã HPG) đã đánh rơi hơn 72.600 tỷ đồng.