Giá vàng ngày vía Thần Tài thế nào 10 năm qua
Thông thường vàng tăng từ trước Tết rồi giảm mạnh ngay sáng mùng 9, nhưng năm nay giá giữ khá tốt, neo cao quanh 90 triệu đồng và nguồn cung khan hiếm.
Thống kê của VnExpress cho thấy giá vàng thường diễn biến theo một kịch bản khá tương đồng trong những dịp vía Thần Tài (trước, trong và sau) trong 10 năm qua (2015-2024). Theo đó, giá có xu hướng nhích lên từ trước Tết và lập đỉnh ngắn hạn khi thị trường trở lại giao dịch đầu năm.
Năm nay, vàng miếng và nhẫn đều có nhịp tích lũy kéo dài từ quanh 84 triệu đồng mỗi lượng lên mốc mới trên 90 triệu những ngày gần đây. Ở phiên giao dịch cuối cùng trước Tết (29 tháng Chạp), giá hai loại này ở chiều bán ra lần lượt là 88 triệu và 88,8 triệu đồng. Sau kỳ nghỉ, vàng nhẫn tăng thêm 700.000 đồng, còn vàng miếng cũng nhích 500.000 đồng.Đà tăng của giá vàng thường dứt vào sáng mùng 9 Tết. Theo thống kê trong 10 năm gần nhất, kịch bản này tái diễn 7 lần với mức giảm (tính theo giá đóng cửa giữa hai phiên) dao động vài chục nghìn đến nửa triệu đồng mỗi lượng.
Tuy nhiên diễn biến năm nay khá lệch pha. Sáng mùng 9 Tết Ất Tỵ (ngày 6/2), giá vàng nhẫn tiếp tục ghi nhận kỷ lục mới 90,6 triệu đồng, tức tăng gần 6 triệu so với hồi đầu năm. Vàng miếng cũng nhảy lên 91,2 triệu đồng mỗi lượng, cao hơn khoảng 7 triệu đồng.
Giá cao được giữ xuyên suốt buổi sáng đến đầu giờ chiều khi lực cầu tăng lên so với những ngày trước. Đến nửa cuối buổi chiều, giá mới quay đầu giảm về 89,6 triệu với vàng miếng và nhẫn là 89,4 triệu.
Mở cửa phiên ngày vía Thần Tài (mùng 10 âm lịch), giá nhích nhẹ 100.000 đồng mỗi lượng hai chiều mua và bán tại các doanh nghiệp kinh doanh vàng. Chiều bán ra vàng miếng trở lại mốc 90 triệu đồng một lượng. Lúc 7h30, SJC, Bảo Tín Minh Châu niêm yết loại vàng này ở mức 86,5 - 90 triệu đồng một lượng.
Tương tự, vàng nhẫn cũng được các nhà vàng tăng 100.000 đồng, lên 86,5 - 89,5 triệu đồng mỗi lượng.
Hiện tượng trên được cho là nhờ diễn biến của thị trường quốc tế. Chốt phiên giao dịch 5/2, vàng thế giới giao ngay tăng 23 USD lên 2.866 USD một ounce. Trong phiên, giá có thời điểm lập đỉnh mới tại 2.882 USD. Thị trường đi lên theo nhu cầu trú ẩn của nhà đầu tư lo ngại lạm phát kéo tụt tăng trưởng kinh tế vì những quyết sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan đến thuế suất.
Ngoài ra, đại diện một doanh nghiệp kim hoàn lớn cho biết thêm năm nay họ ghi nhận hiện tượng đổ xô mua vàng làm "của để dành" của nhiều người lao động trong độ tuổi từ trung niên trở lên.
"Nhóm này ít tiếp xúc các kênh đầu tư, tâm lý trước giờ vẫn thích 'ăn chắc mặc bền', chuộng mua vàng để phòng ngừa rủi ro. Giờ họ chọn đổ vào vàng cho an tâm", người này cho biết.
Thông thường, vàng ép vỉ có hình Thần Tài và nhẫn trơn sẽ cháy hàng vào sáng mùng 10 âm lịch. Tuy nhiên năm nay, nhiều người cho biết khó để mua các loại kể trên từ vài ngày trước. Ghi nhận của VnExpress tại các thương hiệu lớn cho thấy các mặt hàng vàng 9999 như nhẫn trơn, miếng, Thần Tài trong dịp này khá khan hiếm. Một số đơn vị thậm chí giới hạn số lượng mua dù chưa phải là ngày giao dịch cao điểm nhất.
Điều này diễn ra trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp chật vật xoay xở nguồn nguyên liệu thời gian qua. Hiện doanh nghiệp không được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu theo đường chính ngạch, đồng thời kênh nhập trái phép cũng bị cơ quan quản lý siết mạnh. Ở nhiều thời điểm, các đơn vị kim hoàn phải trông chờ vào người dân mang vàng tới bán để có thêm nguồn cung bán lại cho người có nhu cầu mua.
Mua bán vàng tại một cửa hàng ở quận 1 (TP HCM), sáng 6/2. Ảnh: Thanh Tùng
Với diễn biến vàng sau ngày vía Thần Tài, thống kê gần chục năm qua cho thấy có đến 6 năm giá giảm mạnh. Mức giảm theo giá đóng cửa giữa hai phiên khoảng 100.000-300.000 đồng, có năm biến động hơn triệu đồng. Không chỉ một ngày mà nhiều ngày sau đó, giá vàng có xu hướng hạ nhiệt đáng kể so với ngày vía Thần Tài.
Năm 2024 là trường hợp ngoại lệ, khi giá kim loại quý vẫn tăng bền bỉ suốt thời gian dài. Từ vùng dưới 79 triệu đồng mỗi lượng, vàng SJC dần vượt nhiều mốc kháng cự quan trọng và lập đỉnh 92,4 triệu đồng vào giữa tháng 5/2024. Có ngày, vàng miếng thương hiệu nhảy lên mức giá mới chỉ tính bằng giờ và tăng tới vài triệu đồng trong một ngày, khiến người dân vây kín các điểm giao dịch. Thị trường bắt đầu truyền tai nhau về việc chuyển tiền từ các kênh đầu tư khác sang mua vàng.
Sau đó, Ngân hàng Nhà nước triển khai nhiều biện pháp can thiệp. SJC mất nhiệt cũng là lúc vàng nhẫn 24K lên ngôi, cùng nhịp với thị trường thế giới. Từ mức dưới 63 triệu đồng mỗi lượng hồi đầu năm, giá tăng lên sát 90 triệu đồng vào cuối tháng 10, tức tích lũy gần 43%. Khoảng cách với vàng thương hiệu cũng được rút ngắn từ hơn chục triệu về còn vài trăm nghìn đồng, có thời điểm cao hơn cả triệu đồng.
Năm nay, trong bối cảnh tình hình địa chính trị và kinh tế toàn cầu phức tạp, vàng vẫn giữ vững vị thế là một tài sản quan trọng. Xu hướng tăng giá được nhiều bên kỳ vọng duy trì.
Tuy nhiên theo nhóm chuyên gia của Công ty Tư vấn tài chính và Quản lý tài sản FIDT, trong đa số trường hợp, nhà đầu tư chỉ nên phân bổ 5-10% tổng tài sản vào vàng để phân tán rủi ro. Cần giảm tỷ trọng về 5% trong trường hợp quan sát và dự đoán thấy tình hình địa chính trị bớt căng thẳng. Ngược lại, nhà đầu tư có thể tăng tỷ trọng lên 10% trong trường hợp quan sát thấy các rủi ro địa chính trị leo thang.
Không có điều kiện mua 1-2 chỉ vàng ngày vía Thần Tài cầu may, hội những người có hầu bao khiêm tốn chuyển hướng mua vật phẩm mèo vàng, thỏi vàng giá...
Nguồn: [Link nguồn]
-07/02/2025 07:40 AM (GMT+7)