Giá vàng ngày vía Thần Tài tăng hay giảm?
Trong các năm gần đây, giá vàng trước, trong và sau ngày vía Thần Tài ghi nhận biến động mạnh.
Giá vàng ngày Thần Tài từ năm 2020 đến năm 2024
Vào ngày vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng hàng năm), người dân khắp nơi trên cả nước lại đổ xô đi mua vàng với mong muốn cầu vận may tài lộc. Hình ảnh hàng dài người mua vàng xếp hàng chờ đợi từ 3 - 4h sáng để trở thành người đầu tiên mua được vàng trong ngày này đã trở nên quen thuộc.
Thống kê trong 5 năm gần đây, giá vàng SJC tại Công ty TNHH MTV Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn – SJC trong ngày Thần Tài năm sau cao hơn năm trước. Từ mức 44,52 triệu đồng/lượng (bán ra) vào ngày Thần Tài năm 2020, giá vàng miếng SJC đạt ngưỡng 78 triệu đồng/lượng tại ngày Thần Tài năm 2024.
Đối với vàng nhẫn trơn, đây là mặt hàng được ưa chuộng nhất trên thị trường trong ngày vía Thần Tài mỗi năm. Thông thường giá vàng nhẫn vào ngày vía Thần Tài năm sau cao hơn năm trước.
Vào ngày vía Thần Tài năm 2020 (3/2), vàng nhẫn tại SJC đã vọt lên ngưỡng 44,45 triệu đồng/lượng, tăng mạnh 7,2 triệu đồng/lượng chỉ sau một năm.
Năm 2021, ngày vía Thần Tài (21/2), giá vàng nhẫn tiếp tục tăng mạnh thêm 10,45 triệu đồng/lượng, lên mức 54,9 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Song, giá mặt hàng này bất ngờ giảm 700.000 đồng/lượng còn 54,2 triệu đồng/lượng vào ngày vía Thần Tài 2022 (10/2).
Năm 2023, trong ngày vía Thần Tài (31/1) giá nhẫn trơn quay lại đà tăng nhẹ, lên mức 55,5 triệu đồng/lượng.
Sau đó, nhẫn tròn trơn vào đà tăng giá dữ dội, ghi nhận mức 64,7 triệu đồng/lượng vào ngày vía Thần Tài 2024 (19/2).
Diễn biến giá vàng trước, trong và sau ngày vía Thần Tài
Về diễn biến thị trường vàng, thống kê từ năm 2020-2024 cho thấy, ngay khi thị trường giao dịch trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, giá vàng thường tăng và giữ đà tăng ngắn hạn. Trong 5 năm qua, kịch bản này tái diễn 3 lần, ngoại trừ năm 2021 và 2024.
Diễn biến giá vàng SJC trước, trong và sau ngày vía Thần Tài năm 2020 đến 2024.
Theo đó, ngày đầu tiên đi làm trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024 Giáp Thìn, mỗi lượng vàng miếng SJC cắm đầu giảm 1,2 triệu đồng so với phiên giao dịch cuối cùng trước nghỉ Tết, về 75,4 - 77,7 triệu đồng. Giá vàng thế giới cũng trượt khỏi mốc 2.000 USD/ounce. Tương tự, giá vàng trong nước trong ngày đầu sau Tết Nguyên đán 2021 cũng lao dốc do thị trường thế giới “thất thủ”.
Ngược lại, trong ngày giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2020, giá vàng tăng mạnh tới gần 1 triệu đồng và chạm mốc 45 triệu đồng mỗi lượng.
Cụ thể, trưa ngày 30/1/2020, giá vàng SJC tại thị trường TP.HCM đóng cửa ở mức 44,15-44,55 triệu đồng/lượng, tăng 850 nghìn đồng chiều mua vào và tăng 750 nghìn đồng chiều bán ra so với mức giá trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Giá vàng Doji tại thị trường Hà Nội niêm yết 44,15-44,55 triệu đồng/lượng, tăng 700 nghìn đồng chiều mua vào và bán ra so với trước Tết. Giá vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu lên 44,36-44,96 triệu đồng/lượng, tăng 690 nghìn đồng chiều mua vào và 740 nghìn đồng chiều bán ra.
Kịch bản lặp lại trong năm 2022 khi giá vàng đầu giờ sáng ngày mùng 7 Tết tăng 550 nghìn đồng/lượng so với trước ngày nghỉ Tết, đứng ở mức 53,94 – 54,74 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Ngày 27/1/2023 (mùng 7 Tết Quý Mão), giá mua bán vàng miếng ở 67,5 - 68,5 triệu đồng, tăng hơn nửa triệu một lượng so với phiên giao dịch cuối cùng trước Tết Nguyên đán.
Sau khi đi lên vào những ngày giao dịch đầu tiên của năm âm lịch, giá vàng thường giảm vào ngày mùng 9 Tết - một ngày trước ngày vía Thần Tài. Trong năm 2023, giá vàng SJC bán ra ngày mùng 9 Tết niêm yết 67,4 triệu đồng, thấp hơn so với mức giá 68,2 triệu đồng một ngày trước đó.
Trong 5 năm qua, giá vàng miếng sau ngày vía Thần Tài thường theo xu hướng giảm, một phần do lực mua trong nước lắng xuống khiến giá hạ nhiệt, ngoại trừ năm 2022 và 2024, giá vàng vẫn tăng đều đặn.
Nhìn chung giá vàng ngày vía Thần Tài đều có kịch bản quen thuộc là bị đẩy lên cao vào sát ngày, chính ngày và sẽ hạ nhiệt vào cuối ngày, thậm chí giảm sâu vào những ngày sau đó.
Năm 2025, kịch bản giá vàng tăng sau Tết lặp lại. Lúc 17h ngày 3/2, giá vàng miếng SJC được Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC niêm yết ở ngưỡng 87,8-89,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); tăng 1 triệu đồng/lượng cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên giao dịch trước. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/2 (mùng 7 Tết), vàng miếng SJC và vàng nhẫn 9999 trong nước neo quanh vùng 90 triệu đồng/lượng.
Nhu cầu mua vàng vào dịp đầu năm và ngày vía Thần tài đang góp phần đẩy giá vàng trong nước đi lên. Trong 2 ngày giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, tại Hà Nội, nhiều người đã có mặt từ sớm tại các cửa hàng để mua vàng cầu may.
Giá vàng diễn biến kỳ lạ trong dịp vía Thần Tài năm 2024
Diễn biến giá vàng trước, trong và sau ngày vía Thần Tài đáng chú ý nhất trong 5 năm qua phải kể đến dịp vía Thần Tài năm 2024. trong ngày 16/2 (mùng 7 Tết), giá vàng giảm mạnh hơn 1 triệu đồng/lượng so với thời điểm trước Tết, giá mua vào - bán ra quanh mức 75,4 triệu đồng/lượng và 77,7 triệu đồng/lượng.
Ngày 17/2 (mùng 8 Tết), giá vàng miếng SJC lại đảo chiều, tăng mạnh lên mức 78,6 triệu đồng/lượng bán ra, trong khi mua vào với mức giá 76,1 triệu đồng/lượng.
Ngày 18/2, trước ngày vía Thần Tài, giá vàng hạ nhiệt, dao động quanh ngưỡng tại 75,8-78,42 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), mức chênh lệch 2 chiều mua - bán tới gần 3 triệu đồng.
Đến đầu giờ chiều ngày vía Thần Tài (19/2), vàng SJC tại Hà Nội và Đà Nẵng mua vào ở mức 74,8 triệu đồng/lượng, giảm 1 triệu đồng/lượng; bán ra 77,82 triệu đồng/lượng, giảm 600.000 đồng/lượng so với ngày trước đó.
Sau khi giảm sâu vào ngày vía Thần Tài, giá vàng ghi nhận sự hồi phục mạnh mẽ. Sáng 1/3, giá vàng SJC đang được mua vào - bán ra ở mức 77.6 triệu đồng - 79.6 triệu đồng/lượng. Nếu so với ngày vía Thần tài (19/2), giá vàng SJC tăng 1,6 triệu đồng - 2,6 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra - mua vào.
Giá vàng hôm nay chưa dừng đà tăng, tiếp tục lập kỷ lục mới sau khi Trung Quốc phản ứng mức thuế quan của Mỹ
Nguồn: [Link nguồn]
-05/02/2025 17:51 PM (GMT+7)