Giá vàng hôm nay 9/3: Tăng "miệt mài", liên tiếp lập đỉnh mới
Giá vàng SJC chính thức vượt 82 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn cán mốc 70 triệu đồng/lượng.
Thời điểm 8h30 sáng nay ngày 9/3 theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới đứng ở mức 2.179 USD/ounce, tăng mạnh 21 USD/ounce so với cùng giờ sáng qua. Đêm qua, đã có lúc giá vàng tăng vọt lên tới 2.195 USD rồi quay đầu giảm về vùng giá sáng nay.
Tại thị trường trong nước, giá vàng cũng tiếp tục tăng cao, giá vàng SJC chính thức vượt 82 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn cán mốc 70 triệu đồng/lượng.
Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào bán ra ở mức 79,7 - 82,22 triệu đồng/lượng, giảm 200.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 300.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên hôm trước.
Vàng Doji HN niêm yết giá vàng ở mức 79,85 - 81,85 triệu đồng/lượng, giữ nguyên so với chốt phiên hôm qua. Vàng nhẫn Doji 9999 tại thị trường Hà Nội đứng ở mức 68,8 – 70,05 triệu đồng/lượng, tăng 400.000 đồng/lượng cả hai chiều so với chốt phiên trước đó.
Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 79,9 - 81,9 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn niêm yết ở mức 67,9 - 69,1 triệu đồng/lượng.
Phú Quý SJC đang niêm yết vàng miếng SJC với giá 79,9 - 82,1 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng chiều mua vào và 400.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên liền trước.
Giá vàng nhẫn tròn trơn vàng rồng Thăng long tại Công ty Bảo Tín Minh Châu đứng ở mức 68,58 – 69,78 triệu đồng/lượng (mua – bán), chưa đổi so với chốt phiên trước đó.
Giá vàng tiếp tục tăng nóng
Theo Giám đốc giao dịch kim loại David Meger của High Ridge Futures, các yếu tố tiền đề thúc đẩy đà tăng giá của vàng là kỳ vọng Fed vẫn sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay và sự suy yếu của đồng USD.
Hôm qua, giá vàng đạt mức cao nhất mọi thời đại 2.195 USD/ounce sau khi báo cáo việc làm mới nhất cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ gia tăng và mức lương tăng vừa phải mặc dù tốc độ tăng trưởng việc làm tăng tốc trong tháng 2.
Bên cạnh đó, xung đột địa chính trị leo thang cũng khiến vàng tăng giá. Mọi biến động về địa chính trị đều tác động lớn đến vàng. Vàng cũng chứng kiến một đợt tăng giá khác kể từ khi xung đột tại Trung Đông bùng nổ. Kể từ tháng 10/2023, giá vàng đã tăng hơn 8%.
Các ngân hàng trung ương ở khu vực Nam Bán cầu, Đông Âu và Trung Đông đã tích cực theo đuổi chính sách tăng tỷ lệ sở hữu vàng trong dự trữ ngoại hối kể từ cuối năm 2022. Theo báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), các ngân hàng đã mua 800 tấn vàng trong 9 tháng của năm 2023, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước đó. Nhu cầu dư thừa từ các ngân hàng trung ương đã đẩy giá vàng tăng 10% trong năm 2023.
Chuyên gia Kar Yong Ang, chuyên gia phân tích thị trường tài chính tại công ty môi giới ngoại hối Octa, cho biết: “Việc các ngân hàng trung ương đẩy mạnh mua vàng sẽ là động lực tăng trưởng chính (của vàng) vào năm 2024”.
Cũng theo chuyên gia này, nếu xu hướng này tiếp tục và tỷ lệ vàng trong dự trữ ngoại hối tiến tới mức trung bình 40%, thì giá trị vàng dự trữ sẽ tăng thêm 3.200 tỷ USD - mức tăng tương đương 25% vào năm 2025, tương ứng với mức giá 2.500 USD/ounce.
Nguồn: [Link nguồn]
Giá vàng thế giới tăng liên tục, hoạt động mua vào nằm ngoài tầm dự đoán của hầu hết các chuyên gia.