Giá vàng hôm nay 25/4: Vàng SJC "cắm đầu" giảm mạnh trước phiên đấu thầu thứ hai
Giá vàng miếng SJC bất ngờ giảm mạnh sau khi tăng vọt vào hôm qua. Sáng nay sẽ diễn ra phiên đấu thầu vàng miếng lần thứ 2.
Thời điểm 8h30 sáng nay ngày 25/4 theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới đứng ở mức 2.318 USD/ounce, giảm nhẹ 3 USD/ounce so với cùng giờ sáng qua.
Tại thị trường trong nước, sáng nay, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đấu thầu vàng miếng.
Mở cửa phiên giao dịch hôm nay, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào bán ra ở mức 81,5 - 83,8 triệu đồng/lượng, giảm mạnh 1 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 700.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên hôm trước.
Vàng Doji HN niêm yết giá vàng ở mức 81,5 - 83,7 triệu đồng/lượng, giảm 500.000 đồng/lượng chiều mua vào và 300.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên gần nhất. Vàng nhẫn Doji Hưng Thịnh Vượng 9999 đứng ở mức 73,85 – 75,5 triệu đồng/lượng, giảm 150.000 đồng/lượng cả hai chiều so với chốt phiên liền trước.
Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 82,3 - 84,3 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn niêm yết ở mức 73 - 74,8 triệu đồng/lượng.
Phú Quý SJC đang niêm yết vàng miếng SJC với giá 81,9 - 84,3 triệu đồng/lượng, giảm 400.000 đồng/lượng chiều mua vào so với chốt phiên hôm qua.
Giá vàng nhẫn tròn trơn vàng rồng Thăng Long tại Công ty Bảo Tín Minh Châu đứng ở mức 73,78 – 75,48 triệu đồng/lượng (mua – bán), chưa đổi so với chốt phiên trước đó.
Giá vàng lao dốc
Giá vàng thế giới giảm mạnh, lùi về sát ngưỡng 2.300 USD/ounce. Hiện thị trường đang chờ đợi các dữ liệu kinh tế quan trọng để biết thêm về hướng chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Dữ liệu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và báo cáo chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ sẽ lần lượt được công bố vào thứ Năm và thứ Sáu. Hiện các nhà giao dịch đang kỳ vọng đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed sẽ diễn ra vào tháng 9.
Chuyên gia phân tích cấp cao Matt Simpson của City Index cho rằng, giá vàng có thể sẽ giảm mạnh nếu các báo cáo cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn kiên cường. Bất cứ dấu hiệu tăng bất ngờ nào cũng sẽ làm gia tăng khả năng duy trì chính sách tiền tệ tích cực trong thời gian lâu hơn nữa của Fed, điều đó sẽ đẩy đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ lên cao.
Mặc dù vậy, về dài hạn, hầu hết các chuyên gia đều lạc quan về đà tăng giá của vàng. Nhà kinh tế kỳ cựu David Rosenberg, Chủ tịch hãng nghiên cứu Rosenberg Research đã đưa ra lý do tại sao ông dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục đà tăng kỷ lục, lên khoảng 3.000 USD/ounce, tương đương với mức tăng tiềm năng 29% so với mức hiện tại.
Ông Rosenberg cho biết, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đang có xu hướng mua vàng rất mạnh. PBoC đã mua dự trữ vàng trong 17 tháng liên tiếp. Chỉ riêng trong năm qua, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã mua khoảng 181 tấn vàng và hiện là nước nắm giữ dự trữ vàng lớn thứ sáu thế giới, nâng tỷ trọng dự trữ vàng của nước này lên 4,3% vào tháng 3/2024.
Nhưng tỷ trọng dự trữ vàng của Trung Quốc vẫn còn rất nhỏ so với các ngân hàng trung ương khác, với mức trung bình toàn cầu là 13%. Điều đó cho thấy, nước này còn nhiều dư địa để tiếp tục tích lũy vàng vào dự trữ ngoại hối. Nếu Trung Quốc chỉ cần tăng thêm 1% tỷ trọng vàng trong dự trữ ngoại hối, thì điều đó sẽ tương đương với 420 tấn vàng, chiếm tới 11% sản lượng vàng mới trên thế giới.
Ngoài việc PBoC tiếp tục mua vào, ông Rosenberg cho biết, các yếu tố khác có thể giúp đẩy giá vàng bao gồm nhu cầu tăng từ các nhà đầu tư thông qua các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) bằng vàng do căng thẳng địa chính trị vẫn gia tăng và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ.
Đấu thầu vàng miếng chỉ giải quyết được tạm thời vấn đề cung cầu vàng trên thị trường. Còn về dài hạn, cần sửa đổi nghị định 24 và lập sàn giao dịch vàng quốc gia.
Nguồn: [Link nguồn]