Bình ổn thị trường vàng từ "Big 4” ngân hàng: “Nên mua - bán qua lại 2 chiều”

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Đánh giá cao động thái của Chính phủ trong việc đưa giải pháp bình ổn thị trường vàng, tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng, việc mua bán vàng nên là giao dịch 2 chiều, có mua - có bán, không nên chỉ thực hiện bán ra mà không mua vào.

Nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu bình ổn thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện bán vàng cho 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank) để các ngân hàng này bán vàng trực tiếp tới người dân. Từ 14h30 chiều ngày 3/6/2024, giá bán vàng miếng SJC của Ngân hàng Nhà nước được bán ra là 78,98 triệu đồng/lượng.

Điều đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước lưu ý, các ngân hàng thương mại nhà nước chỉ thực hiện bán vàng miếng SJC cho khách hàng cá nhân và không thực hiện mua vàng miếng SJC từ khách hàng. Công ty SJC thực hiện tất cả các giao dịch mua - bán vàng miếng SJC. 

Từ 14h30 chiều ngày 3/6/2024, giá bán vàng miếng SJC của Ngân hàng Nhà nước được bán ra là 78,98 triệu đồng/lượng

Từ 14h30 chiều ngày 3/6/2024, giá bán vàng miếng SJC của Ngân hàng Nhà nước được bán ra là 78,98 triệu đồng/lượng

Trong vòng một tuần qua, giá vàng miếng SJC cũng đã giảm nhanh gần 10 triệu một lượng, qua đó thu hẹp chênh lệch với thế giới từ 18 triệu xuống còn 9,5 triệu đồng.

Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình thu hẹp chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC và thế giới.

Nguyên quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia Trương Văn Phước nhìn nhận, đây là "liều thuốc hạ sốt" hiệu quả để kéo giá vàng miếng về sát với thế giới. Việc bán vàng miếng "bình ổn" với các bước giá giảm dần, theo ông sẽ khiến giá vàng miếng tiếp tục đi xuống trong thời gian tới.

Cũng theo ông Phước, điểm cốt yếu nhất trong phương án can thiệp mới này chính là cơ chế giá. Phương án này cần xác định cách tiếp cận rõ ràng là: NHTM nhận uỷ thác vàng từ NHNN và bán ra thị trường theo giá NHNN quy định. Không đặt ra yêu cầu để các NHTM kiếm lời trong nghiệp vụ uỷ thác này.

Trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đánh giá rất cao tính cầu thị của Chính phủ và đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước trong việc đưa giải pháp bình ổn thị trường vàng. Đây là tín hiệu rất mừng, để làm ổn định thị trường vàng, góp phần giúp thị trường vàng không “nhảy múa”, sáng giá này, chiều giá khác, thậm chí vài tiếng giá đã khác nhau rồi.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp)

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp)

“Tôi rất hy vọng giá vàng trong nước sẽ được bình ổn, tiệm cận với giá vàng thế giới”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.

Tuy nhiên, ông Hòa cho hay, cá nhân ông thấy lo âu khi 4 ngân hàng của Nhà nước sẽ duy trì được việc này bao lâu, thường xuyên, lâu dài hay chỉ trong một giai đoạn nhất định.

“Ngân hàng chỉ bán ra mà không mua vào thì làm sao tái tạo, đủ để cung cấp thường xuyên cho người dân được? Do đó, việc chỉ bán mà không mua là một vấn đề đặt ra. Chính bản thân tôi cũng đang đặt câu hỏi về việc này”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.

Đại biểu Hòa đồng thời cho hay, liệu tới một thời điểm nào đó, ngân hàng sẽ không còn bán vàng nữa hay không? Khi người dân có nhu cầu mua nhưng ngân hàng lại không bán thì sẽ buộc phải mua ở ngoài. Mà mua ở ngoài nhiều có thể dẫn đến khả năng lại kích thích giá vàng lên cao.

 “Tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước phải quan tâm tới vấn đề này. Có bán thì phải có mua. Người dân có nhu cầu mua thì ngân hàng bán, người dân có nhu cầu bán thì ngân hàng cũng phải mua lại để mình có nhu cầu tái tạo, lưu chuyển nguồn hàng”, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.

Phân tích rõ hơn về việc này, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ví dụ: “Chẳng hạn, ngân hàng có 1.000 lượng vàng, sau khi đã bán ra hết rồi thì liệu có vàng để bán nữa hay không, nếu không mua vào?” Vì thế, theo đại biểu, Ngân hàng Nhà nước cần phải xem xét, tính toán cho hợp lý và nhấn mạnh việc mua bán qua lại 2 chiều sẽ hợp lý hơn, bảo đảm được hoạt động thường xuyên, liên tục, giống như tại các cửa hàng vàng đang thực hiện ngoài thị trường hiện nay.

Một điều nữa, theo đại biểu là, hiện nay, giữa giá bán và mua vào đã có sự chênh lệch, giá bán ra cao hơn giá mua vào, cho nên, ngân hàng cũng không bị thiệt. “Vì thế, nên duy trì việc mua - bán hai chiều, chứ không chỉ bán mà không mua”, đại biểu nhấn mạnh.

Thị trường vàng trong nước ghi nhận sự sụt giảm mạnh mẽ trong tuần qua, khi giá vàng miếng "bốc hơi" 10 triệu đồng/lượng. Đặc biệt, mở cửa phiên giao dịch đầu tuần (3/6), giá vàng SJC tiếp tục lao dốc, giảm còn 81 triệu đồng/lượng bán ra.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuấn Kiệt ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN