Vì sao giá gạo xuất khẩu lao dốc, giá bán lẻ trong nước vẫn cao?
Trong khi giá gạo Việt xuất khẩu giảm “thủng đáy”, thì ở thị trường trong nước, giá bán lẻ chưa hạ nhiệt, vẫn neo ở mức cao.
Gạo Việt xuất khẩu rớt giá mạnh
Theo cập nhật của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ngày 18/2, giá gạo 5% tấm của Việt Nam xuất khẩu tiếp tục giảm 1 USD/tấn, xuống 394 USD/tấn. Cùng giảm giá nhưng gạo cùng loại của Thái Lan bán giá 414 USD/tấn, Ấn Độ 408 USD/tấn, Pakistan 397 USD/tấn.
Tương tự, gạo 25% và 100% tấm của Việt Nam giảm chỉ còn lần lượt là 369 và 310 USD/tấn, đều thấp hơn gạo của Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan.
Từ đầu tháng 10/2024 đến nay, giá gạo 5% tấm liên tục giảm từ khoảng 560 USD/tấn xuống còn 394 USD/tấn - thấp nhất từ năm 2021.
Với giá 394 USD/tấn, quy đổi ra tiền Việt, mỗi tấn gạo khoảng 10 triệu đồng, tức 10.000 đồng/kg.
Giá gạo xuất khẩu lao dốc, giá bán lẻ trong nước vẫn cao
Ông Nguyễn Vĩnh Trọng - Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang) cho biết giá gạo xuất khẩu giảm sâu là do đang gặp áp lực đầu ra, khi nhiều doanh nghiệp còn tồn kho và năm nay vụ chính thu hoạch sớm, được mùa.
Hai thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam là Philippines và Indonesia cũng còn tồn kho năm cũ nên chưa mua vội. Họ biết Việt Nam vào vụ mới, nguồn cung dồi dào nên chờ để có giá tốt hơn nữa.
Giá gạo trong nước duy trì mức cao
Trong khi giá gạo xuất khẩu và giá lúa giảm thì giá gạo trong nước vẫn duy trì ở mức cao.
Theo Trung Tâm Thông Tin Công nghiệp và Thương Mại - Bộ Công Thương (VITIC), tại các chợ lẻ, hiện gạo thường dao động ở mốc 14.000 - 16.000 đồng/kg, gạo thơm Jasmine 18.000 - 20.000 đồng/kg, gạo thơm thái hạt dài dao động ở mức 20.000 - 22.000 đồng/kg, gạo Hương Lài 22.000 đồng/kg, gạo Nàng Nhen có giá niêm yết cao nhất 28.000 đồng/kg.
Gạo thơm Jasmine giảm 2.000 đồng/kg dao động ở mức 18.000 - 20.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng ở mốc 17.000 đồng/kg; gạo Nàng hoa ở mốc 22.000 đồng/kg; gạo thơm Đài Loan 21.000 đồng/kg; gạo Sóc thường dao động ở mốc 18.000 đồng/kg; gạo Sóc Thái giá 21.000 đồng/kg; gạo Nhật giá 22.000 đồng/kg.
Lý giải việc giá xuất khẩu rớt mạnh nhưng giá gạo trong nước chưa giảm, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, giá gạo trong nước chưa giảm là do khâu trung gian khống chế giá. Giá gạo nội địa thường mất 2-3 tháng mới điều chỉnh theo xu hướng giá xuất khẩu.
Trong khi đó, theo một doanh nghiệp sản xuất lúa gạo, có 7 nguyên nhân cơ bản để gạo đến tay người tiêu dùng ở thành phố lớn khó giảm giá.
Thứ nhất, chính sách xuất khẩu có thể điều chỉnh giá để giữ thị phần quốc tế, thậm chí chấp nhận bán giá thấp nhằm đảm bảo hợp đồng dài hạn. Doanh nghiệp xuất khẩu chấp nhận giá thấp để cạnh tranh quốc tế, trong khi bán nội địa ít bị áp lực này.
Thứ hai, gạo tiêu thụ trong nước chủ yếu gạo thơm, gạo ngon, gạo chất lượng cao, trong khi gạo xuất khẩu có cả phân khúc trung bình hoặc giá rẻ.
Thứ ba, gạo nội địa chịu nhiều khoản thuế, phí vận chuyển, lưu kho và chi phí phân phối, trong khi gạo xuất khẩu số lượng lớn được hưởng ưu đãi.
Thứ tư, chuỗi cung ứng nội địa có nhiều trung gian như thương lái, đại lý, siêu thị, khiến giá đội lên, còn xuất khẩu thường giao trực tiếp từ doanh nghiệp đến khách hàng.
Thứ năm, chi phí logistics nội địa cao hơn do phân phối nhỏ lẻ, trong khi xuất khẩu số lượng lớn giúp tối ưu chi phí vận chuyển.
Thứ sáu, nhu cầu nội địa có thể tăng mạnh vào các dịp cao điểm như Tết, làm giá tăng do đầu cơ.
Thứ bảy, gạo xuất khẩu tính theo USD, khi quy đổi sang VNĐ có thể thấp hơn do chênh lệch tỷ giá.
Gần Tết nhưng giá gạo xuất khẩu giảm xuống thấp kỷ lục, giao dịch lúa gạo trong nước cũng ảm đạm dù đang chính vụ thu hoạch.
Nguồn: [Link nguồn]
-20/02/2025 03:51 AM (GMT+7)