Từ chợ truyền thống đến siêu thị ở Hà Nội: Hàng hóa chất đầy quầy, kệ
Hàng hóa vẫn được lấp đầy quầy, kệ của các tiểu thương ở chợ truyền thống, đến các siêu thị đang làm, để phục vụ người dân, đồng hành cùng Chính phủ và ngành Y tế trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Tiểu thương chợ Hòe Nhai vẫn buôn bán bình thường. Ảnh: Bảo Loan
Chợ họp bình thường
Các tiểu thương và người tiêu dùng vẫn mua bán như mọi ngày... Đó là hình ảnh PV Báo Gia đình & Xã hội vừa ghi nhận tại chợ Hòe Nhai (thuộc phường Trung Trực, quận Ba Đình) - nơi cách con ngõ Trúc Bạch đang bị phong tỏa khoảng 1km. Mọi hoạt động của người dân đi chợ và tiểu thương diễn ra hoàn toàn bình thường. Bà Nguyễn Thị Xuân (50 tuổi, tiểu thương chợ Hòe Nhai) cho biết: "Nhà tôi ở ngay đầu phố Hòe Nhai, cách khu phong tỏa chỉ một đoạn ngắn. Khi nhận được thông tin chính thức về các ca bệnh, cả nhà tôi cũng lo, nhưng tôi tin tưởng các cơ quan chức năng đã vào cuộc kịp thời nên yên tâm".
Trước tình hình dịch có nhiều diễn biến mới, bà Phạm Thị Tư (74 tuổi, tiểu thương chợ Hòe Nhai) cho biết: "Dù nhiều người khuyên tôi không nên ra chợ, nhưng tôi tin tưởng vào công tác phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam. Chúng tôi là người bán hàng, trong lúc dịch có nhiều diễn biến mới, chúng tôi luôn đồng hành với Chính phủ và người dân bằng cách luôn đảm bảo nguồn hàng hóa phục vụ khách hàng. Đây cũng chính là cách làm của chúng tôi để người dân yên tâm về hàng hóa mỗi khi ra chợ".
Hàng hóa lấp đầy kệ, quầy
Hàng hóa được lấp đầy các kệ, quầy ở siêu thị. Ảnh: Bảo Loan
Có mặt tại siêu thị BigC để mua đồ, bà Trần Thị Vân (52 tuổi, ở Cầu Giấy) cho biết, thỉnh thoảng gia đình bà lại đến siêu thị lớn mua hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Bà Vân cho hay: "Chúng tôi luôn theo sát thông tin về dịch bệnh nên cũng có chút lo lắng về tiêu dùng. Tuy nhiên ngày cuối tuần vừa rồi, đến siêu thị vẫn thấy hàng hóa đầy ắp, giá không đổi nên những lo lắng tan biến".
Ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội, các kệ, quầy hàng tại các điểm bán lẻ lớn như siêu thị BigC Thăng Long, hệ thống siêu thị Vinmart… đều được lấp đầy bởi hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ tiêu dùng. Không những vậy, các siêu thị cũng dùng loa nhắc nhở khách hàng bình tĩnh trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đặc biệt là không thu mua hàng hóa để tích trữ, tránh gây hoang mang, tạo nên sự phức tạp cho đời sống.
Chị Dung, nhân viên bán hàng tại BigC cho biết: "Ngay từ khi nhận được thông tin dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đơn vị đã đề ra các phương án và làm việc với các nhà cung cấp để tăng cường sản lượng hàng hóa. Trong đó, tập trung các loại thực phẩm tươi sống và thiết yếu để phục vụ người dân".
Chị Thương, nhân viên siêu thị tại Vinmart Thăng Long (Cầu Giấy) cho biết: "Hiện đơn vị đã chuẩn bị "kịch bản" tăng lượng hàng nhập vào để đáp ứng nhu cầu của người dân. Giá cả hàng hóa không có biến động, thậm chí, một số nhãn hàng còn áp dụng chương trình khuyến mại để vừa kích cầu vừa hỗ trợ khách hàng trong mùa dịch".
Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Giám đốc vận hành miền Bắc hệ thống siêu thị Vinmart cũng cho biết, đơn vị đã dự trữ khoảng 7 mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân Thủ đô, có giá trị lên tới 15.000 tỷ đồng. Ngoài ra, việc lưu chuyển, điều tiết hàng hóa của các đơn vị phân phối cũng được bảo đảm liên tục.
Hàng hóa không chỉ được lấp đầy trong các siêu thị, mà ở các chợ truyền thống như chợ Ngã Tư Sở (Đống Đa), chợ Hà Đông (quận Hà Đông), chợ Chính Kinh (Thanh Xuân)… thậm chí cả chợ dân sinh, chợ tạm cũng đều dồi dào thực phẩm. Vì vậy, trong bối cảnh dịch COVID-19 có nhiều diễn biến mới, là nhân viên của "ông lớn" bán lẻ BigC, chị Dung nhắn nhủ khách hàng nên yên tâm về hàng hóa ở siêu thị, bởi đơn vị bán lẻ đã chuẩn bị các "kịch bản" và sẵn sàng tăng nguồn hàng đáp ứng người dân.
Là tiểu thương tại chợ Hòe Nhai (Ba Đình), bà Phạm Thị Tư cũng nhắn nhủ mọi người hãy tin tưởng vào Chính phủ và Bộ Y tế đã và đang làm rất tốt công tác phòng, chống và kiểm soát dịch COVID-19 hiện nay.
Theo bà Trần Thị Lan Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, không cần thiết phải mua hàng hóa tích trữ ở thời điểm dịch COVID-19 vì ngành Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp trong hệ thống phân phối chủ động nguồn cung hàng hóa để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu cao trong mùa dịch bệnh như lương thực, thực phẩm, giấy vệ sinh, nước uống đóng chai…
Đồng thời, Sở Công thương cũng đã có công văn yêu cầu Cục QLTT Hà Nội chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra trên tất cả các địa bàn trong toàn thành phố, bảo đảm bình ổn thị trường. "Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo, người dân không nên mua đồ dự trữ vì các hệ thống phân phối của Hà Nội trong bất kỳ trường hợp nào cũng bảo đảm đủ nguồn cung phục vụ nhu cầu của người dân", bà Phương Lan nhấn mạnh.
Nguồn: [Link nguồn]
Mức giá này được xem là rẻ hơn so với nhiều nơi khác và được áp dụng từ sáng 9/3/2020.