Tôm hùm giảm “kịch sàn” với giá rẻ chưa từng có vẫn khó bán: Đâu là nguyên nhân?
Giá tôm tùm mặc dù đã giảm “kịch sàn” với giá rẻ chưa từng có, nhưng để giải cứu 1kg tôm hùm thì người mua mất cả tháng nhịn chợ đối với người có thu nhập trung bình.
Anh Nguyễn Huy Tùng, chủ cửa hàng chuyên bán hải sản tại Kim Giang (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, vào cuối tháng 2, phong trào “giải cứu” tôm hùm được đông đảo người dân Hà Nội tham gia vì đa số họ chưa từng thưởng thức tôm hùm nên háo hức “ăn cho biết”.
Tôm hùm được coi là món ăn cao cấp, xa xỉ với giá thành cao chuyên phục vụ xuất khẩu và nhà hàng nay được bán tràn lan trên khắp các chợ.
“Đợt đó, cứ 2 ngày cửa hàng tôi nhập khoảng 1,5 tấn tôm hùm xanh, hàng ra đến đâu hết đến đó, không đủ cung cấp cho các mối buôn. Giá bán lẻ ra thị trường với size 3-4 con/kg ở mức 750.000 đồng/kg còn không có mà mua. Thế nhưng, hiện tại, giá tôm giảm thêm 100.000 đồng/kg mà khách không mấy mặn mà, lượng khách giảm đến 80% nên cửa hàng tôi mỗi ngày chỉ bán được khoảng 1 tạ”, anh Tùng nói.
Theo anh Tùng, lượng mua giảm vì trước đây, tôm hùm chỉ nuôi để phục vụ xuất khẩu và cung cấp cho nhà hàng phục vụ khách du lịch, những cửa hàng bán hải sản nhỏ lẻ muốn bán cũng không có. Vì vậy, khi có thông tin “giải cứu”, tôm hùm được đăng bán tràn ngập mạng xã hội và các cửa hàng bán hải sản khắp Hà Nội thì người dân đổ xô đi mua về ăn cho biết. Khi biết rồi thì dù ngon cũng sẽ không thể ăn mãi được vì dù giá rẻ đến 50% đi nữa thì tôm hùm vẫn là món ăn “thượng lưu”, giá thành cao.
Theo anh Tùng, giá tôm hùm hiện tại rẻ hơn cả thời điểm “giải cứu” nhưng người tiêu dùng cũng không được mặn mà.
“Chỉ được thời gian đầu, mọi người tò mò mua về ăn thử 1-2 lần cùng với ý nghĩa giải cứu nên mặt hàng tôm hùm luôn trong trạng thái cháy hàng. Giờ thì nhà hàng, quán ăn không được phép mở cửa, xe cộ hạn chế đi lại nên lượng tiêu thụ giảm đáng kể. Trước đây, mỗi ngày có khoảng 20 đơn hàng đi tỉnh, giờ mỗi ngày được khoảng 2 đơn vì không gửi xe được, chỉ giao các đơn đặt hàng online xung quanh Hà Nội”, anh Tùng phân tích.
Kinh doanh hải sản hơn 4 năm, anh Tùng cho biết, đây là năm khó khăn nhất, không chỉ lượng tiêu thụ tôm hùm xanh bị ảnh hưởng mà các loại hải sản khác tại cửa hàng như tôm hùm bông, tôm hùm Alaska, cua hoàng đế (Kinh Carb) cũng giảm giá mà lượng tiêu thụ giảm đi rõ rệt.
Giá tôm hùm xanh tại thị trường giao động từ 600-800.000 đồng/kg tùy size.
Theo quan sát, tại Hệ thống hải sản và thực phẩm sạch Sói Biển, giá tôm hùm size 3-4 con/kg đang được bán với giá 759.000 đồng/kg, giảm 140.000 đồng/kg so với tháng trước
Để tiêu thụ tôm hùm, nhà hàng lẩu Đức Trọc (Trương Định, Hà Nội) cũng đã nhận chế biến hải sản tươi và ship tận nhà bằng chính đội ngũ nhân viên của nhà hàng với giá 659.000 đồng/kg tôm hùm tươi sống
Theo chị Phạm Giang (trú tại Hoàng Mai, Hà Nội), với mức giá "giải cứu" này dù rẻ hơn trước rất nhiêu nhưng vẫn khá cao so với thu nhập và chi tiêu thường nhật của nhiều người. “Như gia đình tôi có 4 người, thu nhập của hai vợ chồng khoảng 20 triệu/ tháng thì chi phí mỗi bữa ăn chính khoảng 100.000 đồng, ăn sáng khoảng 50.000 đồng. Mỗi tháng, riêng tiền ăn là 8 triệu đồng, chưa kể các chi phí khác. Để ăn 1kg tôm hùm với giá 650.000 đồng/kg thì đồng nghĩa với việc “nhịn” trong khoảng 3 ngày”.
Thậm chí giá tôm hùm được đăng bán với giá 35.000 đồng/con, size 10-14 con/kg, 450.000 đồng/kg với size 3 con/kg.
“Dù giá rẻ nhưng đối với những người thu nhập thấp thì ăn một bữa tôm hùm vẫn là xa vời đối với họ. Với mỗi suất ăn chỉ khoảng 20.000 đồng thì 1kg tôm hùm bằng gần một tháng “đi chợ”. Trong khi đó, tôm hùm chỉ ăn chơi, không thể ăn với cơm thay thức ăn như thịt, cá, trứng… nên nhà tôi chỉ dám ăn một lần cho biết thôi, giờ có giảm nữa cũng chịu”, chị Giang phân tích.
Người tiêu dùng khi nghe cụm từ "giải cứu" thường nghĩ giá rẻ, nhưng thực tế giá tôm hùm chỉ giảm một mức nhất định ở sản phẩm tôm hùm xanh. Tại vùng nuôi thị xã Sông Cầu (Phú Yên), tôm hùm xanh cũng rớt giá xuống còn khoảng 500 nghìn/kg, thấp hơn 200-300 nghìn đồng so với trước đây. Tuy nhiên, khi đến tay người tiêu dùng thì giá tôm hùm vẫn ở mức cao, chênh lệch từ 150-200.000 đồng/kg do khâu khai thác, vận chuyển, bảo quản tốn quá nhiều chi phí.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người nuôi tôm hùm chấp nhận bán lỗ để lấy tiền mua thức ăn cho tôm.
Nguồn: [Link nguồn]