Thực phẩm, quán ăn đội giá
Dù người dân đã bắt đầu quay trở lại công sở, cơ quan để làm việc trở lại từ mùng 6 tết, nhưng không ít tiểu thương, hàng quán vẫn còn nghỉ Tết, khiến giá cả không ít hàng hóa, dịch vụ tăng cao “đội giá” sau Tết.
Giá rau xanh, trái cây tươi tại nhiều chợ tăng giá
Chợ lẻ “đỏng đảnh”
Mồng 6 tết, nhiều chợ truyền thống tại TPHCM như Bến Thành, Nguyễn Văn Trỗi, Tân Định, Bình Triệu… đã nhộn nhịp trở lại nhưng đa số tập trung ở những ngành hàng tươi sống như rau củ quả, thủy hải sản… Dẫu vậy, hàng hóa ở chợ giá vẫn ngất ngưởng, trong khi tiểu thương khá “đỏng đảnh” khi khách mua số lượng ít.
“Nhà vẫn còn rau dự trữ trong tết nên tôi tính mua vài ngàn đồng hành lá, giá hẹ, ít cà chua về nêm nếm thức ăn nhưng người bán hàng đều khoát tay không bán. Họ bảo rau về chợ ít, giá cao nên mua tối thiểu nửa ký mới bán chứ không xé lẻ. Chưa hết, hỏi giá mà không mua cũng bị mắng”, chị Hà (ngụ Q.Tân Bình) ngao ngán.
Đa số giá cả nhiều mặt hàng tại chợ đều cao hơn trong Tết từ 30-50%, như cà chua 35.000-40.000 đồng/kg (tăng từ 15.000-20.000 đồng/kg), xà lách 60.000 đồng/kg (tăng 20.000 đồng), nấm rơm 160.000 đồng/kg; bưởi da xanh 80.000 đồng/kg (tăng 30.000 đồng/kg), vú sữa, mãng cầu, cam sành từ 45.000 đồng/kg… Giá nghêu ngày thường chỉ 40.000 đồng/kg, nay tăng lên 70.000-90.000 đồng/kg, mực ống có giá tới 400.000-500.000 đồng/kg, cá nục cũng hơn 100.000 đồng/kg.
Ngược lại, giá cả hàng hóa trong siêu thị lại rẻ hơn bên ngoài khá nhiều, tuy nhiên rau củ lại chưa nhiều trên các quầy kệ như bắp cải, cà chua, rau ăn lá…, quầy hải sản nhiều kệ còn trống. “Do trước Tết, nhà vườn đã thu hoạch hết để cung ứng cho nhu cầu tăng cao của khách hàng, nên đến giờ nhiều nhà vườn vẫn chưa đủ hàng để cung ứng lại. Thông thường sau rằm tháng Giêng, thực phẩm mới đầy đủ tại các siêu thị”, nữ nhân viên tại một siêu thị ở Q.1 nói.
Lý giải nguyên nhân các mặt hàng sau Tết tăng giá hoặc giá không giảm so với ngày thường, nhiều tiểu thương cho rằng do chi phí vận chuyển tăng cao, người sản xuất cung cấp chưa nhiều, kết hợp với nhiều mặt hàng ăn uống, dịch vụ tăng giá nên họ buộc phải tăng giá bán.
Giá còn tăng đến rằm
Trong ngày đầu đi làm trở lại sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán 2020, dân công sở Sài Gòn chật vật tìm quán ăn trưa. Anh Trọng Thịnh (làm việc tại Q.3) đi bộ gần cả cây số vẫn không tìm được quán ăn. Anh nói: “Tất cả hàng quán gần cơ quan đều thông báo nghỉ Tết đến mồng 10, một số quán cóc vỉa hè tranh thủ tăng giá, tô phở bò bình thường chỉ 35.000 đồng, nay đã tăng thêm 10.000 đồng nhưng cũng không còn một chỗ trống”.
Ông Lê Văn Tiễn (nhà vườn H.Hóc Môn) cho rằng, các mặt hàng thực phẩm, hoa trái sẽ còn đội giá cao đến qua rằm tháng Giêng mới ổn định. Lý do là với 2 ngày cúng lớn là Thần Tài và rằm tháng Giêng sắp tới, nông dân đang tích cực chăm sóc hoa quả, vật nuôi để đưa hàng đúng thời điểm nên lượng rau củ về thành phố sẽ không nhiều như trước. Do đó, giá cả sẽ còn tăng cao.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, nhận định, hàng hóa phục vụ Tết 2020 dồi dào, giá cả tương đối ổn định; nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá góp phần nâng sức mua. Đối với thịt heo, giá bán chung trên thị trường vẫn ổn định do nguồn heo từ các trang trại lớn đảm bảo theo đúng cam kết về sản lượng, bên cạnh đó, lượng thịt heo đông lạnh nhập khẩu cũng được các doanh nghiệp kịp thời tung ra thị trường.
Nguồn: [Link nguồn]
Mưa đá, rét đậm khiến rau xanh chết sạch, cộng tâm lý Tết đẩy giá tăng vùn vụt. Tiểu thương lo giá rau bước vào “bão...