Thịt lợn nhập khẩu ồ ạt đổ bộ Việt Nam, chợ dân sinh giá có “hạ nhiệt”?

Sự kiện: Kinh Doanh

Mặc dù gần 1.500 tấn thịt lợn nhập khẩu đã cập cảng Việt Nam, nhưng giá thịt lợn tại các chợ dân sinh vẫn duy trì ở mức cao.

Theo thông tin mới nhất từ Bộ NN-PTNT, 15 doanh nghiệp Việt Nam đã ký hợp đồng nhập khẩu gần 3.500 tấn thịt lợn từ Tập đoàn Miratorg của Nga. Tính đến nay có gần 1.500 tấn thịt lợn đã cập cảng Cát Lái, cảng Hải Phòng và cảng Phước Long; khoảng gần 2.000 tấn thịt lợn cũng đang trên đường về Việt Nam.

Tuy nhiên, sáng 27/3, khảo sát tại một số chợ truyền thống giá thịt lợn được ghi nhận vẫn duy trì ở mức khá cao, trong khoảng 150.000 - 170.000 đồng/kg.

Tại một số chợ truyền thống, giá thịt lợn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt" 

Tại một số chợ truyền thống, giá thịt lợn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt" 

Cụ thể, tại chợ Trung Hòa, thịt nạc vai bán lẻ 170.000 đồng/kg. Thịt ba chỉ rút sườn vẫn ở mức cao 180.000 đồng/kg, thịt mông sấn 150.000 đồng/kg.

Trong khi đó, tại hệ thống VinMart giá thịt lợn phổ biến trong khoảng 154.900-222.900 đồng/kg. Sườn non heo đắt nhất, ở mức 222.900 đồng/kg.

Theo những tiểu thương tại chợ dân sinh, sở dĩ giá thịt còn cao là do giá đầu vào vẫn cao. “Sáng nay, giá thịt lợn móc hàm tôi lấy buôn đã 120.000 đồng/kg. Nếu bán hàng không có kinh nghiệm thì nguy cơ bị âm vốn”, chị Huệ, một tiểu thương tại chợ Trung Hòa, vừa nói vừa mở quyển sổ nhập hàng đưa cho PV xem để minh chứng.

Sáng 27/3t, thị trường giá lợn hơi tại miền Bắc không ghi nhận thay đổi nhiều so với phiên trước đó. Giá lợn hơi tại miền Bắc tiếp tục đứng yên, giá gần như đi ngang và vẫn giữ ở mức trên 80.000 đồng/kg. Các thương lái đang trả giá tại chuồng nằm trong khoảng từ 81.000-85.000 đồng/kg.

Cụ thể, tại Bắc Giang, Yên Bái và Lào Cai, heo hơi vẫn trên đỉnh giá cao nhất đã thiết lập nhiều ngày nay là 85.000 đồng/kg.

Các tỉnh còn lại, giá lợn hơi duy trì trên ngưỡng 80.000 đồng/kg, đạt từ 82.000-83.000 đồng/kg.

Theo các tiểu thương, giá lợn hơi chưa có tín hiệu giảm rõ ràng nên giá thịt tại các điểm bán lẻ cũng giảm rất hạn chế.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, do nhu cầu mua hàng từ các thương lái tăng, một số cơ sở chăn nuôi có hiện tượng hạn chế lượng bán ra để chờ giá tăng với lý do lợn thịt chưa đủ trọng lượng xuất chuồng.

Đa phần các lò giết mổ thịt lợn có quy mô nhỏ, không ký hợp đồng mua trực tiếp số lượng lợn lớn từ các công ty chăn nuôi lớn để giết mổ tập trung nên phải mua qua các đơn vị mua buôn (các đơn vị này có hợp đồng mua khối lượng lớn từ các công ty chăn nuôi), sau đó giết mổ và phân phối đến chợ bán buôn và bán lẻ. Bên cạnh đó, do tập quán ưa thích tiêu dùng thịt lợn nóng của người dân nên đã tồn tại thực trạng có nhiều cấp trung gian thu mua và giết mổ lợn nằm rải rác tại các địa phương để thuận tiện trong hoạt động kinh doanh, giao bán hàng.

Ngoài ra, dịch bệnh COVID-19 làm người dân lo ngại nên đã chuyển sang tiêu dùng thịt lợn hoặc xu hướng mua tích trữ thực phẩm khiến giá các sản phẩm lợn tăng.

Ngày 25/3, theo thông tin từ Bộ NN-PTNT, có 15 công ty của Việt Nam đã ký kết hợp đồng mua thịt lợn từ Tập đoàn Miratorg của Nga.

Hiện Tập đoàn Miratorg đã chuyển số lượng gần 3.500 tấn thịt lợn xuống tàu để xuất sang Việt Nam theo hợp đồng ký kết trước đó. Đến nay, có gần 1.500 tấn đã cập cảng Cát Lái, cảng Hải Phòng và cảng Phước Long; khoảng gần 2.000 tấn thịt lợn cũng đang trên đường về Việt Nam.

Thịt lợn nhập khẩu chưa tiếp cận với người tiêu dùng, chủ yếu cung cấp cho các đơn hàng đặt trước

Thịt lợn nhập khẩu chưa tiếp cận với người tiêu dùng, chủ yếu cung cấp cho các đơn hàng đặt trước

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Long – Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) - cho biết do số lượng thịt lợn nhập khẩu còn ít nên hầu như không bán trong siêu thị, chưa tiếp cận rộng rãi với người tiêu dùng mà chủ yếu cung cấp cho các đơn hàng đặt trước (thường ký kết từ 3-4 tháng), hoặc các khu công nghiệp, nhà hàng đã ký hợp đồng.

Trước đó, trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, đại diện tập đoàn này khẳng định có thể đáp ứng nhu cầu thịt lợn mà Việt Nam đang cần với chất lượng và giá cả cạnh tranh.

Bộ NN-PTNT cho biết, ngoài thúc đẩy tái đàn, việc đẩy mạnh nhập khẩu mặt hàng thịt lợn được xem là giải pháp để giảm áp lực nguồn cung trong nước, đồng thời giúp mặt hàng này dần hạ nhiệt khi đã neo giá cao trong một thời gian quá dài.

Do đó, Bộ NN-PTNT đề nghị các bộ ngành liên quan chỉ đạo cơ quan trực thuộc khẩn trương hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm các nguồn hàng hợp lý tại các nước xuất khẩu, đồng thời xem xét chính sách giảm thuế nhập khẩu mặt hàng thịt lợn.

Với những động thái chỉ đạo sát sao từ các bộ, ngành kỳ vọng trong thời gian tới, giá thịt lợn sẽ giảm sâu.

Giá thịt lợn chợ dân sinh giảm nhẹ sau chỉ đạo của Thủ tướng

Sau ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về tình hình giá thịt lợn trong ngày 12/3 vừa qua, giá thịt...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Chi (Dân Việt)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN