Thịt lợn nhập khẩu Nga được rao bán trên chợ mạng với giá “trên trời”
Thịt lợn nhập khẩu Nga được rao bán trên chợ mạng với giá "chát" khiến người tiêu dùng không mấy mặn mà.
Những ngày gần đây, thông tin 1.500 tấn thịt lợn nhập khẩu từ Nga đã về Việt Nam khiến người tiêu dùng trong nước “thấp thỏm” mong chờ được ăn thịt lợn với giá rẻ. Tuy nhiên, giá thịt lợn nhập khẩu từ Nga hiện chưa xuất hiện tại các siêu thị lớn mà chỉ được rao bán trên chợ online, nếu thêm phí ship tận nhà thì giá còn cao hơn cả thịt lợn tươi sống ngoài chợ.
Theo quan sát, thịt lợn nhập khẩu Nga được rao bán trên chợ mạng mấy ngày gần đây với giá giao động từ 130 – 165.000 đồng/kg nhưng hầu như người tiêu dùng không mấy mặn mà vì giá cao hơn so với mong đợi.
Tài khoản Facebook Mi Nguyễn có địa chỉ tại Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội) đăng một loạt bài bán thịt lợn nhập khẩu từ Nga với lời mời chào hấp dẫn “đảm bảo thịt lợn của Nga siêu thơm, thơm hơn thịt lợn của mình nhiều, giá thì siêu tốt chỉ 165.000 đồng/kg với thịt ba chỉ, 150.000 đồng/kg sườn và 110.000 đồng/kg chân giò. Bài viết thu hút hàng trăm lượt bình luận nhưng hầu như không có ai đặt hàng vì “quá đắt”.
Những ngày gần đây, trên chợ mạng bắt đầu xuất hiện các bài bán thịt lợn nhập khẩu Nga với giá “không hề rẻ” như mong đợi của người tiêu dùng.
Thêm một người bán thịt lợn nhập khẩu Nga trên chợ mạng với nick Facebook Nga Hà cho biết là giá thịt lợn tại siêu thị bên Nga là 80-90.000 đồng/kg, chỗ ngon nhất là sườn thì giá khoảng 100.000 đồng/kg. Khi mang về Việt Nam, giá thịt sẽ vào khoảng 130.000 đồng/kg. Do không có máy cắt, chị Hà chỉ rao bán nguyên tảng. “Thịt ngon khỏi phải nói, nếu ba chỉ thì toàn nạc, mỡ rất mỏng; sườn cũng siêu thịt. Tảng nặng bao nhiêu em sẽ ship đi bấy nhiêu, các bác không ăn hết thì cắt bỏ lại ngăn đá để ăn dần”. Tuy nhiên, người mua không mấy mặn mà.
Chị Phạm Thị Cúc (trú tại Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết tâm lý chung của mọi người là sắp được mua thịt lợn với giá rẻ hơn sau khi thịt lợn nhập khẩu từ Nga về Việt Nam, nhưng khi xem giá bán tại chợ online thì chị chỉ biết thở dài. “Tôi cứ tưởng thịt lợn đông lạnh sẽ được bán với giá khoảng dưới 100.000 đồng/kg thôi, ai ngờ mấy ngày nay, nhiều người rao bán thịt lợn đông lạnh nhập khẩu từ Nga với giá rất cao.
Nếu thêm giá ship tận nhà thì tôi sẽ phải mua thịt lợn với giá 200.000 đồng/kg, đắt hơn cả thịt tươi sống ngoài chợ mới giết mổ”, chị Cúc bức xúc.
Nếu thêm chi phí ship hàng tận nhà thì giá thịt đông lạnh Nga cao hơn cả thịt lợn tươi sống tại chợ truyền thống.
Chị Ngô Hồng Nhung cũng băn khoăn về chuyện mua cả tảng thịt về rồi lại phải rã đông và chia thành từng phần thịt tương ứng với mỗi bữa, xong lại cất đông như vậy sẽ không được tốt. Chưa kể các sản phẩm thịt lợn nhập khẩu từ Canada và Ba Lan được rao bán rầm rộ trên mạng đều rất rẻ, chưa đến 100.000 đồng/kg.
“Với giá 130.000 đồng/kg đối với thịt đông lạnh thì cũng không rẻ. Nếu lợn tươi sống lẫn nhập khẩu đều đắt như thế này thì ăn thịt gà cho lành”, chị Nhung nói.
Liên hệ với một cửa hàng chuyên cung cấp thực phẩm đông lạnh trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, chủ cửa hàng cho biết, giá thịt lợn nhập khẩu Nga được cửa hàng giao buôn với giá 102.000 đồng/kg thịt ba chỉ và 83.000 đồng/kg với sản phẩm sườn đông lạnh nếu mua 1 thùng trở lên.
Như vậy, chưa biết giá thịt lợn nhập khẩu Nga chính thức là bao nhiêu, khi nào được bán tại các siêu thị lớn, nhưng với các bài bán hàng đăng trên chợ mạng, để đến tay người tiêu dùng giá đã đội lên gần gấp đôi. Cũng như với sản phẩm thịt lợn tươi sống được bán tại các chợ truyền thống của Việt Nam, giá thịt lợn hơi tại trang trại là 70.000 đồng/kg, nhưng từ đó phải qua rất nhiều khâu trung gian. Từ thương lái rồi đến lò mổ, qua tiểu thương rồi đến tay người tiêu dùng nên giá thịt lợn bán lẻ vẫn ở mức rất cao.
Để thịt lợn đến tay người tiêu dùng phải qua quá nhiều các khâu trung gian, dẫn đến giá luôn ở mức cao.
Chị Lan, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Long Biên (Hà Nội), cho biết giá thịt lợn móc hàm lấy tại lò mổ vẫn ở mức 115.000 đồng/kg. “Chúng tôi lấy cả con lợn với giá 115.000 đồng/kg, về lọc thịt ra bán có loại thì bán đắt hơn, loại thì bán rẻ hơn cả giá nhập. Ví dụ như, ba chỉ được bán lẻ với giá 150.000 đồng/kg, mông sấn 130.000 đồng/kg, thịt thăn và sườn non 140.000 đồng/kg nhưng xương cục, xương ống, thịt má, thịt thủ, mỡ lại bán lỗ với giá 90.000 đồng/kg. Ai cũng nghĩ chúng tôi bán giá cắt cổ nhằm lấy lãi cao, nhưng thật sự, mỗi buổi chợ chúng tôi chỉ lấy công một vài trăm, có buổi thịt ế phải đi bán rong khắp cũng mệt lắm”.
Theo chị Lan, tâm lý của người Việt Nam thích mua và chế biến đồ tươi sống, không thích ăn thịt đông lạnh nên nếu thịt đắt, họ sẽ mua ít để phù hợp với chi tiêu gia đình, đổi sang ăn thịt gà, ngan, vịt.
Theo số liệu từ Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), tính đến giữa tháng 3, Việt Nam đã nhập khẩu gần 25.300 tấn thịt heo và sản phẩm thịt heo, tăng 205% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nguồn nhập khẩu từ Canada 29,35%, Đức 19,43%, Ba Lan 11,83%, Brazil 9,98%, Mỹ 5,53%...
Đặc biệt, trong tháng 3, sau khi Việt Nam mở cửa cho nhập khẩu thịt heo từ Nga với thuế suất nhập khẩu 0%, theo thông tin từ Cục Thú y, riêng nhập khẩu thịt heo từ thị trường Nga qua Tập đoàn Miratorg, đã có 1.500 tấn thịt heo cập cảng Cát Lái, Cái Mép (TP.HCM) và cảng Hải Phòng.
Dự kiến trong tháng 4 và tháng 5 tới, sẽ có khoảng 2.000 tấn thịt heo đông lạnh từ Nga cập cảng Việt Nam để góp phần giải bài toán nguồn cung thịt heo trên thị trường.
Nguồn: [Link nguồn]
Tất cả những loại rau này đều “made in Vietnam” chứ không phải là hàng ngoại nhập.