Thị trường vật liệu xây dựng ế ẩm do bất động sản “ngủ đông”
Thời gian qua các doanh nghiệp bất động sản bị rơi vào trạng thái “ngủ đông”. Nhiều dự án được cắt giảm, còn người dân cũng tiết giảm nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà cửa, kéo theo ngành sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng quy mô lớn, đến các cửa hàng nhỏ lẻ ngày một ế ẩm.
Thị trường bất động sản “đóng băng” đã kéo thị trường vật liệu xây dựng với hàng trăm loại sản phẩm liên quan như: sắt thép, xi măng, thiết bị vệ sinh... rơi vào cảnh vắng bóng khách hàng, sức tiêu thụ giảm mạnh, thậm chí, cả tháng không bán được hàng.
Theo ghi nhận của chúng tôi tại một số "chợ" vật liệu xây dựng ở TP.HCM, có rất nhiều đại lý kinh doanh vật liệu xây dựng luôn trong cảnh vắng khách trong thời gian gần đây, doanh thu không đủ trang trải chi phí, khách mua đã ít trong khi khách mua nợ tăng, nhiều đại lý thậm chí phải giảm đến trên 50% giá bán nhằm đẩy hàng tồn kho nhưng vẫn không có người mua.
Tại khu vực đường Tô Hiến Thành (quận 10 – TP.HCM) nơi tập trung nhiều cửa hàng, các công ty vật liệu xây dựng, rất nhiều cửa hàng trưng bày vật liệu xây dựng luôn ở trong tình trạng vắng khách, thậm chí cả ngày có cửa hàng không một bóng khách vào ra. Những người bán hàng nơi đây đều cho rằng thị trường này đang rơi vào giai đoạn trầm lắng dù đây là thời điểm vào mùa xây dựng.
Tương tự, ghi nhận tại một số cửa hàng vật liệu xây dựng khu vực quận 12, nhiều cửa hàng sắt, thép, xi măng, gạch ốp lát, thiết bị sứ vệ sinh… cũng thưa vắng khách, không nhiều xe cộ ra vào như trước. Chị Nguyễn Thị Liên, chủ một cửa hàng thiết bị ngành xây dựng khu vực này, cho hay chưa năm nào giá sản phẩm giảm sâu nhưng ế ẩm như thời điểm này.
“Từ đầu tháng 8 đến nay, mặt hàng sắt thép đã giảm giá bán trên chục lần nhưng sản lượng bán ra vẫn rất chậm. Các tỉnh miền Trung bước vào cao điểm mùa mưa nên ít có các công trình xây dựng nhưng tại TP.HCM cũng không khá hơn. Tôi thường xuyên bỏ hàng cho dự án ở TP.HCM, do các dự án không giải ngân được vì ngân hàng siết tín dụng”, chị Liên nói.
Thời gian vừa qua, giá thép giảm cũng là tin vui đối với ngành xây dựng, vì thép chiếm khoảng 20 - 30% chi phí công trình nhưng khác với mọi năm, các cửa hàng nhỏ lẻ hay đại lý lớn vật liệu xây dựng không dám "ôm" hàng nữa.
Theo anh Linh, chủ một cơ sở chuyên phân phối thiết bị vệ sinh cao cấp (quận 11), sức tiêu thụ hiện chỉ bằng chưa đầy 10% so với cùng thời điểm này mọi năm dù giá cũng đã giảm sâu, đã phải tung ra nhiều chương trình khuyến mãi nhưng vẫn không có khách.
“Nhiều công trình xây dựng ở TP.HCM bị chậm tiến độ, thậm chí dừng thi công do thiếu vốn nên tôi không dám nhập hàng nhiều”, anh Linh nói.
Anh Linh cho biết, thời gian này của những năm trước, hàng không đủ mà bán, nhưng năm nay do thị trường gặp nhiều biến động, lĩnh vực bất động sản trầm lắng, các đại lý hầu như không tiêu thụ được hàng dẫn đến hoạt động kinh doanh thiết bị vệ sinh ế ẩm, nhân viên “ngồi chơi xơi nước”.
Ghi nhận thị trường cho thấy, nhiều đại lý thiết bị vệ sinh đã triển khai các chương trình khuyến mại từ giữa tháng 10/2022 với hàng loạt ưu đãi như giảm giá sâu, chiết khấu cao, bán theo bộ... với mức trung bình chỉ từ 6 triệu đồng là khách hàng có đầy đủ từ lavabo, chậu rửa mặt, vòi hoa sen nhưng vẫn không thể thoát được hàng.
Trong thời gian qua, giá vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng, cát đá…đều tăng. Điều này không chỉ khiến các cửa hàng bán vật liệu xây dựng thô giảm doanh thu, mà cũng đang làm khó cho các cửa hàng kinh doanh nội thất.
Theo các cửa hàng vật liệu xây dựng và trang trí nội thất, hiện sức mua đang tiếp đà giảm mạnh, doanh thu hàng tháng đã giảm đến gần 20% so với trước tết Nguyên đán. Ngoài giá nguyên liệu cao, thị trường trên cả nước đang tiếp tục tăng cường quản lý về xây dựng, siết chặt các hành vi xây dựng trái phép…cũng là nguyên nhân khiến thị trường vật liệu xây dựng ảm đạm hơn.
Các nhà kinh doanh vật liệu xây dựng cho rằng, giá các loại nguyên liệu mới phục vụ xây dựng và trang trí nội thất chưa hề suy giảm. Thị trường vẫn rất khó lường, nên rất khó để khẳng định chắc chắn thị trường sẽ phục hồi vào giai đoạn tới đây.
Nguồn: [Link nguồn]
Cây sanh quý hiếm này từng được một đại gia ở Hà Nội muốn đổi 8 lô đất nhưng chủ nhân không bán.