Giải cứu hàng tấn ngan vịt giá rẻ mùa dịch Covid-19
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá gia cầm xuống thấp chưa từng có khiến cho nhiều hộ nông dân điêu đứng vì không có nơi tiêu thụ. Nhiều bạn trẻ đã tận dụng thời gian nghỉ dịch kéo dài để thành “dân buôn bất đắc dĩ” giải cứu hàng nghìn con gà, vịt giúp bố mẹ.
Từng là vận động viên môn Wushu đối khách của đội tuyển quốc gia, từ ra Tết, bạn Tạ Thị Thu Thảo (quê ở xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội) đã xin nghỉ do chấn thương lưng và chân không thể thi đấu tiếp.
“Em sinh năm 2001, từng là thành viên đội tuyển trẻ quốc gia được gần 4 năm nay, sau 8 năm tập luyện và thi đấu em cũng mang về cho mình khá nhiều thành tích. Hơn một năm nay do bị chấn thương ở chân và lưng, không thi đấu được nên đầu năm nay em xin nghỉ để đi theo nghề khác”, Thảo chia sẻ.
Nghỉ vào đúng đợt dịch bệnh nên kế hoạch đi học nghề của Thảo bị tạm hoãn. “Không có việc gì làm nên em nghỉ ở nhà, đúng lúc đó đàn vịt hơn 1.000 con của nhà em đến tuổi được bán nhưng không có người mua. Thương lái họ chỉ mua số lượng ít với giá 18.000 đồng/kg, trong khi đó em thấy ngoài chợ họ vẫn bán 55.000 đồng/kg vịt lông, 70.000 đồng/kg vịt đã thịt”, Thảo nói.
Hàng nghìn con vịt không có thương lái thu mua chạy trắng đồng.
Tiếc của và tiếc công của bố mẹ lại đang “buồn tay buồn chân” nên Thảo nghĩ ra cách đăng bài bán trên chợ mạng với giá 80.000 đồng/con vịt từ 2-2,2kg, hỗ trợ thịt sạch sẽ, trả đủ lòng mề. “Với giá đó, bố mẹ em cũng được lãi chút ít mà người mua được ăn vịt ngon với giá rẻ, em lại có việc để làm”, Thảo chia sẻ.
Vịt thả đồng thơm ngon lại bán với giá rẻ hơn ở chợ nên bài viết của Thảo được bạn bè, người quen chia sẻ, đơn đặt hàng rất nhiều. Để trả hàng cho khách đặt, bố mẹ Thảo nhờ cả anh em họ mổ vịt, mổ xong Thảo và chị gái lại chia nhau tự đi ship.
“Cám công nghiệp đắt, giá vịt lại rẻ nên bố mẹ em chỉ vịt cho ăn ngô, vì thế thịt rất thơm và ngon. Giá thịt lợn cao, tiền mua 1kg thịt lợn bằng tiền mua 2 con vịt nên khách mua ngày một đông. Có chị khách đặt vịt nhà em ăn thử, thấy ngon nên đăng gom đơn giúp em cả trăm con không lấy tiền công. Chỉ trong 4-5 ngày, em bán hết 1.000 con, sau khi trừ hết các chi phí như xăng xe, điện thoại, công mổ thì bố mẹ em thu về được khoảng 70 triệu đồng. Tính ra cũng không lãi được nhiều nhưng ai cũng vui vì có việc làm lại bán được giá gấp đôi so với giá thương lái thu mua”, Thảo vui vẻ nói.
Lượng tiêu thụ gia cầm trên chợ mạng rất lớn do giá bán rẻ hơn rất nhiều so với giá chợ.
Hơn một tháng qua, chị Lê Thị Đào trú tại Văn Trì (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cùng với em trai của mình cũng đã tìm mọi cách để bán giúp đàn ngan hơn 2.000 con cho bố mẹ. “Bố mẹ tôi ở quê nuôi khoảng 2.000 con vừa vịt vừa ngan nối đàn, mọi khi chăn nuôi thuận lợi không sao nhưng từ khi có dịch, giá vịt ngan xuống thấp, gần đây không có người mua. Tôi và vợ chồng đứa em trai thì ở Hà Nội mở quán cơm bình dân phục sinh viên. Từ ra Tết, sinh viên nghỉ hết, quán cơm đóng cửa, mấy chị em không có việc làm nên tôi với em trai bàn nhau bán gà vịt giúp bố mẹ”, chị Đào chia sẻ.
Theo chị Đào, năm ngoái nhà chị nuôi lợn, lợn chết nên chuyển sang nuôi ngan vịt. “Thấy bố mẹ vất vả quá, làm xong lại không có công phải bù lỗ nên hai chị em lấy xe tải chuyển gà vịt ra Hà Nội tiêu thụ. Mới đầu không biết làm sao nên tôi mang vịt ra chợ Minh Khai, em trai mang ra chợ Nhổn đứng bán, người mua rất đông. Vì ngan vịt của nhà nuôi, không phải mua qua thương lái nên chị em tôi bán rẻ hơn mấy hàng khác, giá vịt chỉ 35.000 đồng/kg, ngan chỉ 50.000 đồng/kg trong khi họ bán 55.000 đồng/kg vịt, 65.000 đồng/kg ngan, thế là chị em tôi bị đánh”, chị Đào thở dài nói.
Nhiều bạn trẻ tìm cách đăng bài lên chợ online với giá “giải cứu” rồi tự thịt và ship đến khách hàng nhằm thu về tối đa lợi nhuận giúp bố mẹ.
“Em trai tôi bị mấy người lạ mặt chạy lại chửi và cầm chùm chìa khóa đấm tới tấp vào mặt, phải khâu 4 mũi, chi phí thuốc thang hơn 700 nghìn. Hai chị em sợ bị đánh nên mang ngan vịt về nhà trọ tìm cách đăng bài bán online với giá 50.000 đồng/kg ngan lông, nhận thịt giúp với giá 15.000 đồng/ con và miễn phí ship. Cứ vài ngày hai chị em lại lấy xe tải về quê chở một chuyến ra Hà Nội. Vì vịt kêu cả ngày đêm sợ hàng xóm khó chịu nên tôi chỉ bán ngan”, chị Đào cho biết.
Để đăng bài bán hàng trên chợ mạng, chị Đào phải trả phí 300.000 đồng/tháng, hai chị em thay nhau đăng bài, chốt đơn, mổ ngan và đi ship. “Tôi chỉ bán với giá rẻ để mong bố mẹ hòa vốn nên mọi người mua ủng hộ đông lắm. Tiền ngan bán được chị em tôi đưa cho bố mẹ, chỉ lấy tiền công thịt của khách để trả tiền điện nước, xăng xe điện thoại thôi”, chị Đào nói.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều nhà hàng, bếp ăn tập thể phải đóng cửa, nhu cầu tiêu dùng thịt gia cầm giảm nên các trang trại khó tiêu thụ. Mặt khác, ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi trước đó nên nhiều hộ dân đã chuyển sang nuôi gà, vịt khiến nguồn cung tăng mạnh... Vừa gồng mình phòng, chống dịch bệnh, vừa phải bán sản phẩm với giá rẻ, người chăn nuôi gia cầm trên địa bàn Thủ đô đang rơi vào cảnh khó khăn phải đổi mới cách bán hàng trên chợ mạng, chợ điện tử... nhằm tăng lượng tiêu thụ.
Trên các chợ online hiện nay đang tràn ngập lời kêu gọi “giải cứu” gà, vịt. Giá gà, vịt được bán khá rẻ, như gà...
Nguồn: [Link nguồn]