Trong năm 2019, giá lợn hơi càng về cuối năm càng tăng mạnh. Với mức giá lợn hơi hơn 90.000 đồng/kg vào tháng 12, nhiều tiểu thương lâu năm nhận định đây là mức giá cao chưa từng có, cao nhất trong lịch sử. Trước đây, mốc cao nhất là năm 2009 nhưng chỉ dừng ở mức 75.000 đồng/kg.
So với cùng thời điểm này năm 2018, giá lợn hơi năm 2019 cao gần gấp đôi. Cụ thể, vào tháng 12/2018, giá lợn hơi dao động quanh mức 45.000 – 52.000 đồng/kg.
Tại các chợ dân sinh, thịt lợn bán lẻ cũng ở mức giá cao ngất ngưởng, phổ biến từ 150.000-180.000 đồng/kg, có nơi bán sườn non 280.000 đồng/kg. Còn giá nội tạng lợn như tim, cật cũng đạt ngưỡng 280.000-300.000 đồng/kg, lòng non 100.000 đồng/kg...
Kéo theo đó, nhiều mặt hàng chế biến từ thịt lợn như chả lụa, chà bông (ruốc), lạp xưởng… đều tăng 20.000 – 40.000 đồng/kg trong thời gian gần đây. Cụ thể, giá chả lụa tùy chất lượng dao động từ 170.000 – 220.000 đồng/kg, lạp xưởng có giá 160.000 đồng/kg, chà bông có giá từ 180.000 – 240.000 đồng/kg…
Không chỉ giá thịt lợn tăng cao, các mặt hàng thực phẩm khác như thịt vịt, thịt gà, tôm, cá... cũng tăng giá từ 10.000 – 20.000 đồng/kg, tùy từng loại.
Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân khiến giá lợn tăng là do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Từ lúc xuất hiện đầu tháng 2/2019 đến nay, dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 8.223 xã thuộc 659 huyện của 63 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn tiêu hủy gần 6 triệu con, với tổng trọng lượng là gần 325.000 tấn, chiếm khoảng 8,3% tổng trọng lượng lợn của cả nước (số liệu thống kê của của Cục Thú y, Bộ NN&PTNT).
Trong khi đó, người dân lại không thể tái đàn ở các vùng dịch trong những tháng tiếp theo do dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam chưa được khống chế, chưa có vaccine chống dịch đã tác động lớn đến nguồn cung thịt lợn cho thị trường trong nước (đặc biệt trong giai đoạn từ cuối tháng 9 đến nay).
Nguyên nhân khác đến từ nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm tăng khiến cho thịt lợn ngày càng trở nên khan hiếm hơn.
Mặt khác, ông Nguyễn Xuân Dương, cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) lại cho rằng giá lợn tăng cao là do thông tin chưa đầy đủ, phần lớn thông tin giá cao được lấy ở một số địa phương trong khi cơ sở thu mua giết mổ nhỏ lẻ không tiếp cận được nguồn thịt của doanh nghiệp chăn nuôi lớn nên giá nào cũng chấp nhận.
"Có thương lái, hộ chăn nuôi lợi dụng thời cơ để “găm” hàng và cùng nhau đẩy giá. Giá lợn trong nước không phụ thuộc bất kỳ nước nào mà do người chăn nuôi và người buôn bán trong nước tự xác định", ông Dương cho hay.
Phần khác là do các thương lái xuất khẩu lợn “chui” sang Trung Quốc cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc giảm nguồn cung, tăng giá thịt lợn trong thời gian gần đây. Dù có lệnh cấm của Bộ NN-PTNT, các thương lái vẫn ồ ạt đưa lợn sống, thịt lợn vượt biên sang Trung Quốc để lấy lợi nhuận. Vì Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, nguồn cung thiếu hụt trầm trọng, giá cả cao hơn nhiều so với nước ta.
Thêm vào đó, trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng, nguồn cung giống giảm nên việc chăn nuôi lợn đòi hỏi chi phí rất cao cho cả giống, các biện pháp phòng dịch cho chuồng trại, chi phí kiểm dịch thú y... Tất cả yếu tố này cũng làm gia tăng chi phí sản xuất, kinh doanh thịt lợn.
Cuối năm 2019, giá thịt lợn tăng vọt khiến người tiêu dùng dần “quay lưng” với loại thực phẩm này. Nhiều gia đình đã tìm cách thay đổi bữa ăn bằng các sản phẩm thịt khác như: thịt gà, thịt vịt, trứng, cá...
“Thịt lợn giá quá cao, chắc chỉ nhà giàu mới mua về ăn hàng ngày. Gia đình tôi thu nhập ở mức trung bình nên thi thoảng mới mua vài lạng thịt lợn để cải thiện bữa ăn, còn lại là sử dụng thịt gà, thịt vịt và cá... để chế biến các món ăn hàng ngày”, chị Ngọc Lan – một nhân viên văn phòng ở Hà Nội chia sẻ.
Việc tìm đến các nguồn thực phẩm khác thay thế cho thịt lợn trong bữa ăn đã tác động không nhỏ đến kinh doanh thịt. Nhiều tiểu thương than ế ẩm, muốn bỏ nghề vì không bán được, lỗ vốn.
“Hai mươi năm bán thịt lợn, chưa bao giờ thấy giá lợn cao như bây giờ và cũng chưa khi nào bán thịt lợn lại khó như những ngày này. Những ngày áp Tết, dân họ phải thắt chặt chi tiêu là chuyện dễ thấy, cộng thêm thịt đắt đỏ, bày ra không có người mua nên chúng tôi phải giảm bớt lượng thịt đi gần một nửa, nhưng vẫn ế”, bà Nguyễn Thị Ngọc Minh, một tiểu thương ở chợ Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ.
Khó khăn không chỉ “bủa vây” những người bán thịt lợn, hàng loạt sản phẩm sử dụng nguyên liệu từ thịt lợn cũng đồng loạt tăng giá khiến các hàng, quán kinh doanh trở nên ế ẩm, như hàng giò chả, bánh chưng, các quán cơm văn phòng...
Theo Tổ chức Sức khỏe Động vật Thế giới (OIE), dịch tả lợn châu Phi đã giết chết 25% tổng số lợn trên phạm vi toàn cầu. Trong đó, khoảng 50% số lợn ở Trung Quốc (440 triệu con hồi năm 2018, chiếm một nửa tổng số lợn toàn cầu) đã chết hoặc bị tiêu hủy.
Dịch tả lợn xuất hiện ở Trung Quốc từ tháng 8/2018 và đến nay đã có mặt ở mọi tỉnh thành nước này. Dịch bệnh lây lan nhanh khiến giá thịt lợn tăng vọt trên toàn khu vực châu Á.
Giá thịt lợn tại Trung Quốc liên tục tăng từ tháng 3/2019 cho tới nay, hiện giá thịt lợn tại đây cao hơn khoảng 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá bán lẻ thịt lợn ở Trung Quốc trung tuần tháng 10/2019 vào khoảng 4,5 USD/kg (khoảng 104.000 đồng/kg), có nơi lên tới 8,45 USD/kg (khoảng 196.000 đồng/kg).
Tại Châu Âu, dịch ASF cũng bùng phát ở nhiều nước như Bỉ, Hungary, Ba Lan… khiến giá thịt lợn tăng lên mức cao nhất 6 năm, kéo giá các sản phẩm thịt lợn cũng tăng theo.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho rằng sản lượng thịt lợn toàn cầu năm 2020 sẽ giảm tiếp 10% do dịch ASF ảnh hưởng tới số lợn nuôi ở những nước sản xuất chủ chốt. Dự báo sản lượng ở Trung Quốc sẽ giảm 25%, Philippines giảm 16%, Việt Nam giảm 6%… Tuy nhiên, sản lượng cũng sẽ tăng ở một số khu vực sản xuất lớn như ở Mỹ dự báo tăng 4%, Brazil tăng 5%…
Dự báo thị trường thịt lợn sẽ còn nóng và người tiêu dùng buộc phải thay thế phần thịt lợn còn thiếu bằng những loại thực phẩm khác như thịt gà, thịt bò, cá tôm…
Bộ Công Thương dự báo nhu cầu tiêu thụ thịt lợn sẽ có xu hướng tăng trong dịp Tết Nguyên đán (tăng mạnh nhất trong tháng 1/2020). Dự báo nhu cầu cho tháng 12/2019 và tháng 1/2020 khoảng 600.000 tấn.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), dự báo từ giờ đến cuối năm 2019, nguồn cung thịt heo trong nước sẽ thiếu khoảng 200.000 tấn.
Theo đó, Bộ Công Thương đang phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT đánh giá đầy đủ, thực chất mức độ thiếu hụt nguồn cung mặt hàng thịt heo và có kế hoạch, đề xuất số lượng nhập khẩu cụ thể từ các đối tác thương mại có quan hệ hai chiều với nước ta. Việc nhập khẩu thịt lợn sẽ minh bạch thông tin, bảo đảm hài hòa lợi ích của người chăn nuôi, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), cho biết thịt lợn là mặt hàng nhập khẩu tự do, doanh nghiệp tính toán có lợi thì sẽ nhập: "Nhưng đứng trên góc độ ngành chăn nuôi thì không ai muốn, nếu thiếu nguồn thì việc nhập khẩu là quy luật tự nhiên theo kinh tế thị trường”.
"Trước mắt nhập khẩu cần kiểm soát tốt cả về chất lượng, xuất xứ hàng hóa, hạn sử dụng. Hiện nay, giá thành sản phẩm thịt lợn trên thế giới đang cao lên, khu vực ăn thịt lợn nhiều nhất là châu Á, điển hình là Trung Quốc, nguồn cung thế giới cũng có thể thiếu theo. Nếu hàng nhập khẩu được kiểm dịch tốt, xuất xứ tốt, hạn sử dụng tốt thì giá có về cũng không phải là giá thấp", ông Dương nói.
Cũng theo ông, Bộ NN-PTNT xác định tăng sản xuất các loại vật nuôi an toàn là gia cầm, gia súc ăn cỏ, thủy sản... Lựa chọn này là khoa học, phải tái cơ cấu cả sản xuất ngành chăn nuôi, tái cơ cấu cả bữa ăn hàng ngày, không quá lệ thuộc vào một mặt hàng thực phẩm.
Một trong những giải pháp quan trọng khác là tái đàn, không tái đàn ồ ạt, tránh tái dịch. "Thịt lợn không chỉ thiếu từ nay đến Tết mà còn thời gian dài nữa. Không tái đàn thì không thể đủ, tái đàn nhưng không để tái dịch", ông Dương nói.
Theo phân tích của các chuyên gia thị trường, dịch tả lợn châu Phi đã giảm dần, một số nơi đã bắt đầu tái đàn nên phần nào bù đắp được thiếu hụt nguồn cung thịt lợn trong thời gian tới. Bên cạnh đó, do giá thịt lợn trong nước đang ở mức cao, các doanh nghiệp chế biến thực phẩm sẽ nhập khẩu thịt lợn an toàn để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh làm giảm áp lực cho nguồn cung trong nước.
Vì vậy, giá thịt lợn trong thời gian tới có thể tăng nhưng không đột biến bất thường nếu công việc tái đàn tốt và dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả. Trước tình hình thị trường thịt lợn “nóng” lên từng ngày, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kịch bản, giải pháp ổn định giá cả, cung cầu thịt lợn trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.