Tăng giá trần vé máy bay nội địa, ảnh hưởng thế nào đến ngành du lịch?

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang có dự kiến sắp tới sẽ điều chỉnh trần giá vé máy bay nội địa, trong đó chặng bay từ 1.280 km trở lên tăng cao nhất ở mức 6,67%. Vậy việc tăng giá trần mức vé máy bay sẽ ảnh hưởng thế nào đến ngành du lịch?

Mới nhất, Bộ GTVT đã công bố dự kiến tăng khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không (trần giá vé máy bay) nội địa trung bình 3,75% so với mức hiện hành. Trong đó, đường bay từ 1.280 km trở lên sẽ có mức giá hạng phổ thông cao nhất là 4 triệu đồng/lượt, tăng 6,67% so với hiện tại.

Tăng mức giá trần là hợp lý

Trong đó, Bộ GTVT cho biết, trần giá vé máy bay đối với các đường bay từ 500 km trở lên dự kiến tăng 2,27%-6,67%. Cụ thể, đường bay từ 500 km đến dưới 850 km có trần giá vé tăng từ mức 2,2 triệu đồng lên 2,25 triệu đồng/lượt; đường bay từ 1.280 km trở lên có mức tăng cao nhất, từ 3,75 triệu đồng lên 4 triệu đồng/lượt... Với mức điều chỉnh này, đường bay nhộn nhịp với tần suất khai thác cao nhất là TP HCM - Hà Nội sẽ có mức trần 8 triệu đồng/lượt khứ hồi, chưa gồm thuế, phí.

Cục Hàng không Việt Nam cho biết, tỉ trọng chi phí nhiên liệu chiếm 39,5% tổng chi phí. Tính đến tháng 12-2022, chi phí nhiên liệu của các hãng hàng không đã tăng 62,3% so với cùng kỳ năm 2014 và tăng tới 80,9% so với tháng 9-2015. Trên cơ sở tác động của chi phí nhiên liệu và tỉ giá, Bộ GTVT dự kiến điều chỉnh trần giá vé máy bay nội địa trong quý II và III/2023. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, việc điều chỉnh trần giá vé máy bay nội địa góp phần tăng CPI thêm khoảng 0,07 điểm %.

Bình luận về vấn đề này, TS. Bùi Doãn Nề, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam, cho biết với 6 hãng hàng không nội địa đang hoạt động, thị trường trong nước hiện phủ sóng ít nhất 2 hãng khai thác mỗi chặng. Như vậy, thị trường hàng không hiện nay có sức cạnh tranh cao, không còn độc quyền.

Theo ông Nề, trần giá vé máy bay "đóng khung" 8 năm qua là bất hợp lý bởi mọi chi phí đầu vào như giá nhiên liệu bay, tỉ giá, lãi suất... gần đây đều tăng mạnh. Việc nâng giá trần các đường bay nội địa là chủ trương đúng, là giải pháp ngắn hạn giúp doanh nghiệp vận tải hàng không tháo gỡ khó khăn, bù đắp chi phí, kinh doanh có hiệu quả. Việc này không những không ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn giúp đa dạng chính sách giá và các hãng hàng không có điều kiện nâng cao chất lượng dịch vụ.

Lãnh đạo một hãng hàng không kiến nghị nhà nước cần xem xét giải pháp quản lý giá phù hợp với tình hình thực tế, có tính toán đến quyền lợi lâu dài của khách hàng và sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp; tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, làm suy giảm năng lực cạnh tranh của các hãng hàng không trong nước.

Tăng giá trần vé máy bay nội địa, ảnh hưởng thế nào đến ngành du lịch? - 1

Ảnh minh họa

Ngành du lịch đã khó càng thêm khó

Nhiều ý kiến đặt vấn đề giá trần vé máy bay dự kiến tăng trong quý II và III/2023 liệu có đẩy giá vé máy bay dịp lễ 30-4 và dịp hè lên cao, từ đó tác động tới giá tour du lịch?

Theo phản ánh của một số hành khách, giá vé máy bay hiện nay đã khá cao, dù chưa phải mùa cao điểm hè hoặc lễ, Tết. Anh Nguyễn Hùng Anh (huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) cho biết đang tìm hiểu giá vé máy bay chặng Nha Trang - TP HCM cho nhóm hơn 10 người, bay trong 2 tuần tới. Tham khảo giá vé của các hãng, anh vẫn chưa chốt được vì nếu chọn giờ bay từ chiều đến tối thì giá vẫn khá cao.

Theo anh này, mức giá thấp nhất nếu bay vào buổi tối là khoảng 1,1 triệu đồng/lượt. Trong đó, giá vé hiển thị trên hệ thống chỉ 400.000-500.000 đồng/lượt nhưng thuế, phí lên đến hơn 700.000 đồng nên đẩy giá lên cao. Anh đang tính phương án có thể đi tàu hoặc xe khách.

Hiện các doanh nghiệp ngành du lịch cũng lo lắng giá vé máy bay nội địa có thể tăng cao vào dịp lễ 30-4 và mùa hè tới sẽ khiến nhiều người đổ đi du lịch nước ngoài vì ngày càng có nhiều tour nước ngoài giá rẻ hơn.

Trong khi đó, đại diện một hãng hàng không cho rằng dù trần giá vé máy bay trong nước có thể tăng nhưng các hãng đều có dải giá vé đa dạng. Nếu khách mua sớm sẽ có giá tốt hơn với nhiều cơ hội lựa chọn hơn vì mỗi chuyến bay thường có lượng vé giá rẻ không nhiều. Tuy nhiên, theo quy luật thị trường, giá vé dịp lễ, Tết sẽ cao do cầu luôn vượt cung.

"Với thị trường nước ngoài, có nhiều hãng hàng không cạnh tranh, các hãng tăng tần suất bay nên nguồn cung giúp mặt bằng giá thấp. Những điểm đến hấp dẫn ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan... đang đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến, có chính sách hỗ trợ DN du lịch, chính sách visa thông thoáng" - đại diện hãng hàng không nêu trên so sánh.

Ông Phạm Quý Huy, Giám đốc Công ty Kiwi Travel, cho biết công ty đã đặt series booking (đặt trước số lượng lớn vé máy bay với các hãng) từ trước nhưng vừa nhận được thông báo giá vé sẽ tăng trong mùa hè tới.

Ồng Quý cho rằng, việc Bộ GTVT dự kiến tăng trần giá vé máy bay trong quý II, III/2023 thì liệu giá vé có tiếp tục tăng? Nếu giá vé máy bay tăng, công ty có thể buộc phải tính phương án thương lượng với những đoàn khách đã ký hợp đồng trước đó vì không thể "gồng" được nữa.

Theo ông này, biên lợi nhuận của các công ty lữ hành vốn đã rất thấp. Mức điều chỉnh giá trần vé máy bay nội địa 2,27%-6,67% là gần tương đương mức lãi của doanh nghiêp lữ hành. Do đó, nếu không tăng giá tour, doanh nghiệp du lịch sẽ khó cầm cự.

"Chúng tôi đã chấp nhận mức lợi nhuận rất thấp và bù đắp bằng việc phục vụ nhiều đoàn khách hơn để vừa kích cầu vừa giữ chân du khách. Nếu tăng trần giá vé máy bay theo thị trường là việc bắt buộc phải làm thì doanh nghiệp mong muốn có lộ trình, công bố trước 6 tháng đến 1 năm để doanh nghiệp xoay sở, tránh bị động" ông này nói.

Đang mùa hoa loa kèn nhưng thiên nga mắt ngọc bất ngờ ‘soán ngôi’

Những ngày này trên khắp chợ mạng, hoa thiên nga mắt ngọc đang được các tiểu thương rao bán rầm rộ với giá từ khoảng 160.000 – 180.000 đồng/10 cành. Loại hoa này dễ dàng gây...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhân Hà Phan ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN