Tài xế taxi được dịp “làm giá”, bí quyết để tránh bị “chặt chém” ngày Tết
Nhiều người phải chi số tiền gấp 10 lần bình thường để trả cho tài xế taxi vào ngày Tết Nguyên đán bởi cung vượt quá cầu, lượng taxi hoạt động ở Hà Nội giảm đến 90% trong khi nhu cầu đi lại tăng lên nhiều lần.
Cũng như người lao động ở các ngành nghề khác, gần Tết, hầu hết tài xế taxi đều trở về quê để sum họp, đón Tết cùng gia đình vì vậy, thay vì bước 1 chân ra cửa là có thể đặt được xe ngay lập tức thì nhiều khách hàng đã gặp khó khăn trong việc gọi taxi.
Nhà ở khu Hoàng Diệu, năm nào vợ chồng chị Hương cũng đi xe máy qua Văn Miếu để thắp hương lấy may, nhưng năm nay do mới sinh con, trời lại lạnh nên quyết định gọi taxi. Thế nhưng, đặt xe công nghệ qua ứng dụng thì hệ thống liên tục báo không kết nối được do tất cả các tài xế đều đang bận.
Đường phố Hà Nội ngày tết vắng bóng taxi.
Chờ hơn 1 giờ đồng hồ vẫn không đặt được xe, chị Hương quyết định gọi taxi truyền thống thông qua số hotline của tổng đài nhưng tổng đài các hãng cũng luôn trong tình trạng quá tải, không thể kết nối được. Vì vậy, chồng chị Hương đành đi bộ ra đầu ngõ để vẫy xe taxi.
“Anh ấy chờ khoảng 15 phút mới có 1 chiếc xe dừng lại. Điểm đến cách nhà chưa đến 2km nhưng tài xế báo chi phí hết 200.000 đồng, đi thì đi, không đi thì vẫy xe khác. Dù giá gấp gần 10 lần so với thường ngày nhưng vợ chồng tôi vẫn vui vẻ lên xe đi vì từ chối cuốc xe này thì không biết khi nào chúng tôi mới đi Văn Miếu được”, chị Hương cho hay.
Nhiều người muốn đặt xe phải chờ cả giờ đồng hồ mới có xe đón ngày Tết.
Không ngoại lệ, chị Hằng, trú tại Đức Giang, Hoài Đức (Hà Nội) cũng phải trả số tiền 600.000 đồng cho quãng đường khoảng 20km từ nhà đến Bạch Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội), gấp 3 lần ngày thường.
Theo chị Hằng, năm nào nhà chị cũng đi quãng đường này, may mắn thì đặt được xe công nghệ, chi phí tính theo trên hệ thống có sẵn nên họ không làm giá được. Tuy nhiên, sau khi chuyến xe hoàn thành, chị cũng cho thêm họ 100-200.000 đồng tiền mừng tuổi lấy may.
“Tết mình đi chơi, họ đi làm vì miếng cơm thì mình phải chấp nhận thôi. Nhà tôi có xe nhưng sợ đi chúc Tết, qua nhà chú thím không có chỗ để ô tô, rồi chén chú chén anh, lúc về lại bị công an phạt thì quá tội”, chị Hằng cho hay.
Theo anh Mạnh, bản thân người tài xế không bắt khách lên xe, có chăng là thỏa thuận của tài xế và khách để cùng có lợi.
Hơn 10 năm làm lái xe taxi, anh Mạnh (quê Vĩnh Phúc) cho rằng, để có xe phục vụ tốt nhất là đăng ký với các lái xe quen để họ chủ động đón vào giờ cần đi.
“Khách quen là những người đặt xe thường xuyên, nuôi sống chúng tôi cả năm rồi nên họ có nhu cầu đặt xe ngày Tết bao giờ tôi cũng ưu tiên. Giá thì vẫn như ngày thường nhưng bao giờ khách quen cũng không để mình thiệt”, anh Mạnh nói.
Nói về tình trạng lái xe taxi “chặt chém” khách ngày Tết, anh Mạnh cho rằng, có cầu ắt có cung, khi cầu vượt quá cung thì sẽ đẩy giá lên cao. Bản thân người tài xế cũng không ép khách lên xe, có chăng là thỏa thuận của tài xế và khách để cùng có lợi cho hai bên.
Trong khi hầu hết tất cả mọi người chọn về quê ăn Tết thì một số tài xế taxi lựa chọn ở lại Hà Nội để mưu sinh.
“Tết nhất các bạn đi chơi, uống rượu, uống bia, vui chơi. Tài xế làm việc ngày đêm, bỏ công việc nội ngoại, gia đình chỉ mong kiếm thêm chút tiền mang về cho gia đình, để cuộc sống khấm khá hơn nên giá cũng không thể như ngày thường được”, anh Mạnh bày tỏ.
Để tránh tình trạng bị “chặt chém” khi đi taxi ngày Tết, một số ý kiến cho rằng, giá cước của từng hãng đã niêm yết công khai ở thành xe đối với xe taxi truyền thống và niêm yết giá cước trên hệ thống đối với taxi công nghệ. Vì vậy, lúc thanh toán tiền cước, khách hàng nên ghi nhớ số xe, tên hãng, để khi gặp rắc rối như quên đồ đạc hoặc bị ép giá có thể báo lại với hãng để hãng có biện pháp xử lý tài xế đó.
Nguồn: [Link nguồn]
Cách này được các tài xế cho là giúp phòng Covod-19 lây lan giữa mùa dịch.