Suất cơm, tô phở “ào ào” tăng theo giá gạo, người tiêu dùng “nhấp nhổm” trong cơn bão giá
Giá gạo trong nước và xuất khẩu từ cuối tháng 7 đến nay “leo” lên mức cao nhất trong lịch sử kéo theo hàng loạt các sản phẩm chế biến từ gạo tăng cao khiến nhiều người “nhấp nhổm”, đứng ngồi không yên trong “cơn bão giá”.
Giá gạo tăng cao nhất lịch sử
“Từ trận lụt lịch sử của Hà Nội năm 2008 đến giờ, đây là thời điểm giá gạo tăng nhanh nhất và cao nhất. Tôi không dám nhập thêm hàng để bán”, ông Thăng, chủ đại lý gạo Thăng Dung ở Đống Đa, Hà Nội.
Theo ông Thăng, khoảng hơn 10 ngày nay, giá gạo liên tục “nhảy múa”, tăng cao chưa từng thấy. “Tôi bán gạo mấy chục năm, nếu tính cả đợt ngập ở Hà Nội năm 2008 khiến giá gạo tăng 200% so với trước đó thì đây là đợt tăng giá cao nhất từ trước đến nay sau 15 năm”, ông Thăng nhận định.
Tương tự, anh Hai, chủ cửa hàng gạo tại Thổ Quan (Đống Đa, Hà Nội) cũng cho biết, hiện tại, cửa hàng không còn loại gạo nào có giá dưới 16 nghìn đồng/kg. “Loại gạo nào tăng ít nhất cũng phải 15-17 nghìn đồng/10kg, còn lại tăng từ 3-5 nghìn đồng/kg. Giá gạo Bắc Hương, tám Hải Hậu và tám Điện Biên trước đây là 16 nghìn đồng/kg thì hiện tại 19 nghìn đồng/kg”, anh Hai nói.
Theo anh, càng gạo rẻ tiền giá càng tăng cao, nguồn hàng nhập về vẫn vậy nhưng giá cao nên anh không dám nhập nhiều về bán, sợ ôm lỗ. Giá nhập tăng nhưng lượng khách lại giảm, khó bán hơn trước đây nên ngày nào anh Hai cũng “nhấp nhổm”, chỉ sợ gạo lại tăng tiếp.
Giá gạo tăng chóng mặt thời gian gần đây khiến nhiều chủ cửa hàng gạo nhập cầm chừng.
Giá gạo trong nước bắt đầu tăng kể từ ngày 22/07/2023, Ấn Độ - Quốc gia chiếm 40% sản lượng xuất khẩu gạo toàn cầu đã thông báo cấm xuất khẩu gạo nhằm đảm bảo an ninh lương thực và chống lạm phát.
Đồng thời, ngày 28/07/2023, Bộ Kinh tế các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) thông báo dừng xuất khẩu gạo trong vòng bốn tháng.
Tiếp đó, ngày 29/07/2023, cơ quan chức năng Nga thông báo ngừng xuất khẩu gạo đến hết năm 2023 nhằm hỗ trợ thị trường nội địa khiến thị trường xuất khẩu, nhập khẩu gạo thế giới thêm biến động.
Khi hàng loạt các nước cấm xuất khẩu gạo thì đây được cho là thời cơ “vàng” để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu gạo. Tính chung 7 tháng năm 2023, cả nước xuất khẩu gần 4,9 triệu tấn gạo, tổng kim ngạch đạt 2,62 tỷ USD, tăng 20,1% về lượng và tăng 31,4% về kim ngạch so với cùng kỳ 2022.
Về giá, dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, ngày 11/8, giá gạo 5% tấm xuất khẩu đạt mốc mới 638 USD/tấn, gạo 25% cũng vọt lên 618 USD/tấn. So với thời điểm trước khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, gạo 5% tấm và gạo 25% tấm đã tăng thêm 105 USD/tấn, đưa giá mặt hàng này lên mức cao hiếm có trong lịch sử.
Giá gạo xuất khẩu tăng mạnh cũng khiến cho giá gạo tiêu dùng trong nước lên mức cao nhất từ trước đến nay. Theo khảo sát của PV vào ngày 18/08, hầu hết các loại gạo trên thị trường đều ghi nhận mức giá tăng từ 1-5 nghìn đồng/kg.
Suất cơm, tô phở cũng “ào ào” tăng theo giá gạo
“Trước kia, mỗi suất cơm ăn tại quán chỉ khoảng 30-32 nghìn đồng nhưng hôm nay quán đã bán với giá 35 nghìn đồng, tăng từ 3-5 nghìn đồng/suất so với trước”, anh Kiên, trú tại Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết.
Giá gạo tăng cao đã khiến một loạt sản phẩm chế biến từ gạo như bún, phở, bánh cuốn, bánh phở đều tăng giá. Một số quán ăn tại Hà Nội và TP.HCM đã tiến hành tăng giá suất ăn từ 2-5 nghìn đồng/suất.
Tại các chợ dân sinh, bánh cuốn hiện có giá 25 nghìn đồng/kg, tăng 5 nghìn đồng/kg; bún tươi có giá 13-15 nghìn đồng/kg, tăng từ 3-5 nghìn đồng/kg; bún khô có giá 35 nghìn đồng/kg, tăng 5 nghìn đồng/kg.
Hầu như trên thị trường, các loại gạo đều tăng từ 27-30%, tăng mạnh nhất phải kể đến loại gạo dùng để sản xuất bánh, bún, phở. Vì vậy, các xưởng sản xuất, kinh doanh bún, phở cũng “chật vật”, sản xuất cầm chừng để giữ khách.
Giá gạo tăng cao đã khiến một loạt sản phẩm chế biến từ gạo như bún, phở, bánh cuốn, bánh phở đều tăng giá.
“Giá gạo tăng chóng mặt em ơi, mỗi cân tăng 4-5 nghìn đồng, chị không dám nhập gạo để sản xuất nữa”, chị Tô Ái Thương – Cơ sở sản xuất bún, phở khô ở Cao Bằng.
Gia đình chị Thương đã có khoảng hơn 10 năm làm bún ngũ sắc là đặc sản nổi tiếng Cao Bằng nhưng năm nay chị mới chứng kiến giá gạo tăng nhanh như vậy. Hiện tại, gia đình chị chỉ sản xuất 2-3 tạ gạo thay vì 7-8 tạ/ngày như trước.
“Giá gạo tăng đồng nghĩa với việc khó nhập hơn, xưởng phải bỏ nhiều chi phí hơn để nhập. Sản lượng gạo nhập được ít hơn nên thành phẩm bún, phở cũng ít đi, không đủ cung cấp đầu ra”, chị Thương cho biết.
“Tôi làm bún hàng chục năm nay nhưng đợt này mới thấy giá gạo tăng kinh khủng. Trước đây, giá gạo làm bún cao nhất cũng chỉ hơn 14 nghìn đồng/kg nhưng giờ tăng lên 17 nghìn đồng/kg”, bà Trần Thị Xuân, trú tại tổ 3 ngõ 33 làng bún Phú Đô, Phường Mễ Trì (Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Theo bà Xuân, mỗi ngày gia đình bà sử dụng 5 tạ gạo để sản xuất ra hơn 1 tấn bún tươi, cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn và các điểm bán lẻ tại thị trường Hà Nội.
“Một ngày tôi mất hơn 1 triệu đồng do gạo tăng giá 2-3 nghìn đồng/kg nhưng tôi chỉ dám tăng mỗi cân bún lên 500 đồng. Khách mua của mình hàng chục năm nay, không thể mỗi ngày tăng một giá được. Nếu giá gạo tăng tiếp, chắc chắn giá bún phải tăng lên tiếp, không là lỗ nặng”, bà Xuân thở dài.
Xuất khẩu gạo thuận lợi, doanh nghiệp vẫn lo
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính đến ngày 27/7, giá lúa nội địa tăng khoảng từ 368 - 441 đồng/kg so với tháng trước; giá gạo các loại tăng từ 850 - 940 đồng/kg. So với cùng kỳ năm 2022, giá lúa tăng khoảng từ 1.300 - gần 1.900 đồng/kg; giá gạo các loại tăng từ 2.400 - gần 3.400 đồng/kg.
Ông Trần Duy Đông, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 duy trì ở mức tốt. Nhiều thời điểm, giá gạo 5% tấm xuất khẩu đứng đầu thế giới, cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan và Ấn Độ. Diễn biến tình hình thị trường thương mại gạo toàn cầu xu hướng có lợi cho nước xuất khẩu.
Trong bối cảnh được xem là thuận lợi như vậy, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo lại “than” đang gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Phạm Sáu, chủ một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại Long An, cho biết giá các loại gạo đang tăng mạnh, trong đó tăng mạnh nhất ở phân khúc gạo giá rẻ, do đây là các sản phẩm trọng yếu về xuất khẩu.
Tuy nhiên, doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang đối diện với nhiều khó khăn, nếu trở tay không kịp, doanh nghiệp sẽ thua lỗ nặng. Hiện, giá gạo không ngừng tăng từ 500 - 1.000 đồng/kg mỗi ngày. Để có đủ số lượng gạo xuất khẩu, doanh nghiệp phải tăng cường thu gom và điều này ngốn khoản chi phí lớn hơn trước.
Ngoài ra, trong thời gian tới, giá gạo sẽ còn biến động, trong khi hợp đồng với đối tác đã ký không thể điều chỉnh giá theo biến động của thị trường. Trong trường hợp đó, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ thua lỗ.
Theo bà Phạm Bích Thủy, Công ty TNHH Tâm An Nông (Cần Thơ), lý giải giá gạo tăng một phần do được bán “qua tay, sang tên” qua nhiều kênh. Vì thế, giải pháp hiện nay là cần có một mức giá sàn đối với các mặt hàng gạo. Ngoài ra, doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần được giãn thời gian xuất khẩu để chuẩn bị kịp các công tác thu gom, sản xuất.
Giải pháp nào để ổn định cung – cầu thị trường gạo?
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho rằng trong bối cảnh cung-cầu thị trường mất cân đối, doanh nghiệp đạt mục tiêu xuất khẩu gạo được giá nhưng vẫn phải bảo đảm an ninh lương thực trong nước, cung-cầu nội địa để giá gạo tiêu dùng không tăng cao.
Để đạt được mục tiêu này, các cơ quan chức năng cần rà soát, thống kê hợp đồng đã ký kết so với sản lượng gạo còn lại để cân đối cung-cầu, tránh tình trạng giá gạo nội địa tăng cao, ảnh hưởng cuộc sống người dân vì thực tế, giá một số loại gạo xuất khẩu vẫn thấp hơn giá tiêu thụ trong nước.
Bộ Công Thương đề nghị các địa phương chỉ đạo sở Công Thương đôn đốc các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường có phương án về nguồn hàng thóc gạo, đảm bảo cung ứng cho thị trường từ nay đến cuối năm 2023 và giai đoạn Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 với giá bình ổn.
Bộ Công Thương lưu ý các doanh nghiệp tránh mua gom ồ ạt gây bất ổn thị trường, mất cân đối cung cầu cục bộ đẩy giá thóc, gạo trong nước tăng bất hợp lý.
Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cũng đã có công văn yêu cầu lực lượng quản lý thị trường (QLTT) địa phương tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường, diễn biến cung - cầu, giá bán của mặt hàng gạo.
Công văn nêu rõ, các cục QLTT địa phương kiểm tra kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ... nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, để ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá mua, giá bán bất hợp lý đối với mặt hàng gạo.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm…