Sinh viên trắng đêm ngủ vỉa hè giữ chỗ đẹp bán hoa trước ngày lễ 8/3
Những ngày giáp lễ 8/3, dịch vụ bán hoa tự phát của sinh viên mọc lên như nấm trước các cổng trường đại học. Vì mức độ cạnh tranh cao, nhiều bạn trẻ phải đến địa điểm bán căng bạt ngồi trông suốt đêm mới hy vọng giữ được “vị trí đắc địa” để kinh doanh.
8/3 là thời điểm lý tưởng cho nhiều bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên có cơ hội tăng thêm thu nhập nhờ việc kinh doanh các mặt hàng quà tặng. Trong đó hoa tươi trở thành lựa chọn ưu tiên bởi tính ứng dụng cao, dễ nhập, dễ bán và dễ thu về lợi nhuận “khủng”.
Nhiều bạn sinh viên tranh thủ kiếm thêm từ việc bán hoa ngày 8/3
Càng sát ngày ngày lễ, lượng người kinh doanh tự phát trên các vỉa hè, cổng trường đại học càng đông nên không dễ có được vị trí thuận lợi. Nhiều bạn sinh viên phải trải qua những đêm dài dầm sương gió ở vỉa hè để giữ chỗ.
Theo đó, các nhóm sinh viên bán hoa từ 3 – 5 người sẽ thay phiên nhau đi trông chỗ. Từ ngày 4-6/3 chưa đông người bán nên ca trực thường bắt đầu từ lúc 3 giờ sáng. Cao điểm nhất là đêm ngày 7/3, nhiều nhóm bạn trẻ phải túc trực ở điểm bán cả đêm lẫn ngày, thậm chí phải căng bạt để nằm ngủ ngay trước cổng trường hay trên vỉa hè chỉ để… trông chỗ.
Để có được “vị trí đắc địa” bán hoa, các bạn sinh viên phải ngồi túc trực ở điểm bán từ đêm đến sáng để giữ chỗ
Bạn Phan Linh – Sinh viên năm 3 đại học Thương mại, là thành viên một nhóm bán hoa cho biết: “Mấy ngày bán hoa 8/3 bọn em phải thay nhau thức đêm canh chỗ tuy hơi vất vả nhưng cũng vui vì được trải nghiệm một công việc mới.”
Bên cạnh việc bán hoa với mục đích cá nhân để tăng thêm thu nhập, một số nhóm sinh viên còn bán hoa để kiếm tiền sung quỹ các tổ chức và chương trình từ thiện. Toàn bộ số tiền bán hoa thu được trong dịp 8/3 sẽ được sử dụng cho việc giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn.
Cổng trường Đại học Thương Mại là một trong những địa điểm tập chung nhiều sinh viên bán hoa dịp 8/3 nhất.
Những hình ảnh quen thuộc và dễ bắt gặp dọc tuyến đường Xuân Thủy – Hồ Tùng Mậu những ngày này.
Các điểm bán hoa của sinh viên thường tập chung nhiều tại các cổng trường đại học trong đó có một số trường đại học sinh viên bán hoa 8/3 đông đúc như: Cổng Đại học Thương Mại; Đại học Quốc gia Hà Nội; dọc tuyến đường Xuân Thủy sang đầu Hồ Tùng Mậu; khu vực cổng Học viện Y dược Cổ truyền Việt Nam và cổng sau Đại học Thủy Lợi;…
Theo khảo sát thị trường, giá hoa của các nhóm sinh viên thường rẻ hơn so với hoa tại các cửa hàng. Giá thành giao động từ 150.000đ – 350.000 đồng tùy hình thức và kích thước. Những loại hoa này thường được nhập nguyên bó hoặc lẵng để dễ bảo quản và có thể mang bán ngay.
Các nhóm sinh viên cùng nhau chung vốn để nhập hoa về bán. Số tiền bán hoa thu được có thể phục vụ mục đích cá nhân hoặc dùng làm từ thiện.
Hoa tươi chưa bán hết sẽ được đưa về tưới nước, để phòng đủ lạnh và ẩm để giữ cho hoa được tươi đến ngày bán tiếp theo. Thời điểm đắt hàng nhất bắt đầu từ chiều tối đêm 7/3 đến hết ngày 8/3.
Việc kinh doanh hoa tươi gặp nhiều rủi ro do thị trường hoa cạnh tranh cao, với các cửa hàng hoa chuyên nghiệp và với cả các nhóm sinh viên khác cùng bán hoa dịp này. Bên cạnh đó, thời tiết thất thường, nếu không được bảo quản kỹ hoa dễ bị hư hỏng và khó bán.
Hoa thường được nhập nguyên giỏ nhưng thế này, theo đó giá bán khoảng 250.000đ/giỏ tùy loại.
Tuy vậy, nhiều bạn sinh viên coi đây là một cơ hội được trải nghiệm công việc mới, cùng bạn bè kiếm thêm thu nhập cho bản thân hoặc góp sức cho cộng đồng từ những giỏ hoa nhỏ. Dù phải thức đêm để canh chỗ, nhưng nhiều người vẫn hào hứng chia sẻ sẽ còn tiếp tục bán ở những dịp lễ tiếp theo.
Nguồn: [Link nguồn]
Ngày Quốc tế phụ nữ Việt Nam (8/3) đang đến gần, nhưng đại diện nhiều cửa hàng hoa tươi tại Hà Nội thừa nhận tình...