Tôm hùm ngộp giảm giá mạnh, chỉ 120 nghìn đồng/con
Người nuôi tôm hùm tại Phú Yên đứng ngồi không yên vì giá tôm lên xuống thất thường “không biết đâu mà lần”.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến tôm hùm không xuất khẩu được, giá tôm lên xuống thất thường dựa vào sức mua của người tiêu dùng trong nước. Sau đợt xuống giá rẻ hơn cả “giá giải cứu” vào cuối tháng 2, vài ngày gần đây, giá tôm hùm đang có dấu hiệu tăng trở lại.
Tôm hùm xanh đang trên đà tăng giá trở lại.
Anh Huy, người nuôi tôm hùm tại Sông Cầu (Phú Yên), cho biết 2 ngày nay thương lái đến khảo sát và mua tôm nhiều hơn khiến giá tôm tăng từ 50-100.000 đồng/kg. “Mấy ngày nay giá tôm hùm có lên nhẹ vì bên Trung Quốc bắt đầu thu mua trở lại, tuy số lượng ít nhưng là tín hiệu vui đối với những người nuôi tôm tại Phú Yên. Thay vì phải bán giá 450.000-500.000 đồng/kg để lấy tiền mua thức ăn duy trì đàn tôm như trước, nay giá tôm hùm xanh đã tăng lên 550 - 600.000 đồng/kg khi thu mua cả lồng”.
Theo anh Huy, với thông tin tôm hùm tăng giá trở lại, người dân tại Phú Yên đang trong trạng thái thấp thỏm “nửa mừng nửa lo”. “Thương lái có đi tìm mua nhiều hơn tuần trước nhưng không nhiều bằng đợt chưa có dịch. Người dân không biết sẽ tăng giá lên bao nhiêu và khi nào giá lại hạ. Một số hộ nuôi tiếp tục gồng mình vừa nuôi tôm vừa nghe ngóng tình hình giá cả, một số hộ thì rậm rịch bán tháo dù giá lỗ tương đối nhiều”, anh Huy nói thêm.
Hàng loạt bài viết đăng tải thông tin tôm hùm tăng giá.
Chị Nguyễn Hằng, người nuôi tôm hùm tại Vạn Ninh, Khánh Hòa, cũng cho biết giá tôm hùm xanh khoảng vài ngày trở lại đây cũng bắt đầu có dấu hiệu tăng giá hơn so với một tuần trước đó với giá thu mua tại bè khoảng 550.000 đồng/kg.
“Nghe nói cửa khẩu đang dần được mở lại, phía Trung Quốc bắt đầu nhập tôm hùm từ Việt Nam nên giá tôm có dấu hiệu tăng. Tuần trước, giá tôm bán tại bè chỉ khoảng 480-500.000 đồng/kg nhưng hiện tại thương lái đã trả từ 530-550.000 đồng/kg khi mua cả lồng 200kg với size tôm từ 0,2kg trở lên. Dù tăng nhưng nhiều hộ nuôi còn chưa muốn bán vì vẫn còn lỗ”, chị Hằng nói.
Trái ngược với tôm hùm tươi sống, tôm hùm ngộp vẫn được bán với giá rất rẻ.
Trái ngược với giá tôm hùm sống đang tăng nhẹ, tôm hùm ngộp lại có dấu hiệu giảm mạnh. Chị Thảo Sương, người chuyên bán tôm hùm ngộp tại Sông Cầu, cho biết tôm hùm sống tăng từ 80-100.000 đồng/kg nhưng tôm ngộp lại đang bị xuống giá. “Mấy bữa nay nắng quá nên nóng nước, cạn nước cho nên tôm bị chết nhiều khiến giá xuống thấp. Khi tôm đã chết rồi thì chỉ để được vài tiếng bên ngoài sẽ có mùi, vì thế sẽ được ướp đá bán cho thương lái với giá rẻ.
Dù giá tôm ngộp rẻ nhưng lượng người mua cũng không nhiều, với tôm 0,5kg trở lên tôi đang bán với giá 450.000 đồng/kg, loại 0,3-0,4kg/con giá 370.000 đồng/kg, loại 0,2kg/kg giá 290.000 đồng/kg. Người mua thường thích ăn tôm sống hơn tôm ngộp, một phần vì tôm sống ngon hơn, phần nữa là do một số người bán hám lợi hay bơm tạp chất vào tôm để tăng trọng lượng nhằm thu lời cao nên khách ăn phải một lần là sợ”, chị Thảo Sương nói thêm.
Hình ảnh sau khi luộc tôm hùm ngộp được khách phản ánh do có nước luộc sền sệt như thạch.
Theo chị Sương, nếu khách hàng mua tôm ngộp thì nên chọn người bán uy tín, không nên chọn những con tôm có các đốt trên thân giãn ra bất thường, nhất là ở phần đầu.
“Tôm sống đang bơi thường có giá đắt hơn tôm ngộp nhiều lần, chênh lệch giá từ 200-300.000 đồng/kg nhưng chỉ có tôm ngộp mới có thể bơm tạp chất nhằm tăng trọng lượng để tôm bán kiếm lời. Thường họ dùng bột thạch hòa vào nước rồi bơm vào tôm. Bột thạch không độc nhưng con tôm khi đã bị bơm tạp chất sẽ trông béo hơn, bắt mắt hơn. Người mua khi mua về sẽ thấy một lớp thạch nằm giữa lớp thịt và vỏ tôm, có thể dễ dàng thấy lớp thạch hòa cùng với nước luộc tôm”, chị Sương phân tích.
Khảo sát nhanh tại Hà Nội, tôm hùm sống chưa có dấu hiệu tăng giá so với tuần trước nhưng số lượng bày bán không nhiều do khách mua ít. Trên các chợ online cũng đã vắng bóng các bài đăng bán tôm hùm sống, thay vào đó là hàng loạt các bài bán tôm hùm ngộp với giá chỉ từ 120.000 đồng/con.
Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều mặt hàng không tiêu thụ được, giảm giá mạnh vẫn không có người mua.
Nguồn: [Link nguồn]