Rau xanh tăng giá vùn vụt, tiểu thương lo “bão giá” giống thịt lợn
Mưa đá, rét đậm khiến rau xanh chết sạch, cộng tâm lý Tết đẩy giá tăng vùn vụt. Tiểu thương lo giá rau bước vào “bão giá” như thịt lợn vừa qua.
Mưa đá, rét đậm khiến rau xanh chết sạch, cộng tâm lý Tết đẩy giá tăng vùn vụt. Tiểu thương lo giá rau bước vào “bão giá” như thịt lợn vừa qua.
Rau chết cả loạt, giá tăng vùn vụt
Ngày mồng 5 Tết, các chợ lớn chưa mở bán trở lại nhưng các chợ cóc trên địa bàn Hà Nội đã khá nhộn nhịp. Thịt bò và rau xanh là hai mặt hàng có giá cao chóng mặt sau Tết.
Tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), thịt bò được bán với giá 400.000 đồng/kg, rau xanh các loại đều tăng giá gấp 4-5 lần…
Cụ thế, rau cải cúc có giá 15.000 đồng/mớ (trước Tết 3.000-4.000 đồng/mớ); Rau muống 20.000 đồng/mớ; Rau cải 50.000 đồng/kg; Xà lách 60.000 đồng/kg tăng 4 lần…
Chị Hoài, một tiểu thương chợ Nghĩa Tân, cho biết: Sau trận mưa đá vào những ngày Tết, hầu như các gia đình không còn cọng rau nào, trừ những luống rau được che chắn trong nhà kính, còn lại bị mưa đá ném dập hết.
“Muốn kiếm rau ăn cũng khó thì giá tăng là chuyện đương nhiên. Hơn nữa, lượng rau dịp Tết tiêu thụ mạnh khiến nguồn cung sau Tết bị sụt giảm nên giá càng thêm cao”, chị Hoài nói.
Chị Hằng, chủ một sạp rau gần đó lo lắng: "Nếu cứ tình trạng mưa rét kéo dài thì vài tháng tới rau vẫn đắt đỏ và diễn biến khó lường như giá cả thịt lợn và thịt bò".
Tại các chợ như Cổ Nhuế (Từ Liêm), chợ Cầu Giấy, chợ Mỹ Đình, chợ Long Biên…, giá rau xanh cũng tăng mạnh, lượng rau ít, các loại thịt, cá cũng bán ở mức cao…
“Thịt bò là mặt hàng đắt khách sau Tết nên giá tăng mạnh nhất, khoảng 400-450 nghìn đồng/kg, tăng 100-150 nghìn/kg so với trước đó. Thịt lợn ở mức 210 nghìn đồng/kg, tăng 40-50 nghìn/kg, các loại cá tăng 20-40 nghìn đồng/kg…”, chị Hằng, tiểu thương chợ Đồng Xa (Từ Liêm) cho biết.
Tại chợ Long Biên, chị Thắm, một chủ cửa hàng bán buôn rau xanh thông tin: Giá các loại rau xanh tăng mạnh, cách biệt quá lớn từ trước và sau Tết. Miền Bắc nguồn cung giảm sụt rõ rệt, chủ yếu rau được nhập từ miền Trung và miền Nam… Giá nhập tại vườn cũng tăng khoảng 3-4 lần.
"Những ruộng rau xanh lớn ở miền Bắc bị phá tan sau những trận mưa đá ngày 30 Tết, khiến chúng tôi cũng phải loay hoay tìm các đối tác miền Nam. Rau đắt, chúng tôi sẽ thất thu, tôi chỉ sợ một kịch bản thịt lợn lại diễn ra khiến người tiêu dùng khổ sở", chị Thắm chia sẻ.
Bún, phở giá tăng gấp đôi, gửi xe đắt gấp 5-6 lần
Sau nghỉ lễ, nhiều dịch vụ hay quán ăn mở hàng trở lại bán giá cao “ngất ngưởng”...
Tại quán phở trên đường Lê Văn Lương, Hà Nội, một bát phở được bán giá 60.000 đồng, tăng gấp đôi ngày thường nhưng lúc nào cũng đông nghịt khách vì người dân đã đổ về Hà Nội chuẩn bị cho những ngày làm việc đầu tiên của năm mới.
Tương tự, một quán bún ốc tại phố Nghĩa Tân cũng tăng giá lên 50.000 đồng/bát.
Còn tại TP Vinh, Nghệ An, một quán bún lươn ở đường Lê Lợi mở hàng bán 55.000 đồng/bát, tăng 20.000 đồng/bát. Theo chủ quán, đây là mức tăng nhẹ vì thực phẩm ngày Tết đắt đỏ và nhân công lại không có.
Dịch vụ gửi xe tại các chùa, đền cũng bị "chặt chém" mạnh. Đơn cử như tại Phủ Tây Hồ (Hà Nội), giá gửi xe máy lên đến 30.000 đồng/xe, tăng gấp 6 lần; Giá gửi xe ô tô 100.000 đồng/lượt tăng gấp 5 lần...
Chán ngán với bánh chưng và đặc sản ngày Tết, nhiều người nhất định tìm ăn bát bún ốc riêu cua. Nắm được tâm lý...
Nguồn: [Link nguồn]