Rau xanh khan hiếm, giá bán tại chợ tăng gấp 3, kệ hàng ở siêu thị trống trơn
Những ngày sau Tết, thị trường rau củ quả tại các chợ đầu mối, chợ cóc và các siêu thị lớn đều có xu hướng tăng giá gấp nhiều lần mà vẫn khan hàng.
Thời tiết khắc nghiệt, nóng lạnh thất thường, mưa lớn thậm chí mưa đá đã ảnh hưởng rất nhiều đến thị trường cung cấp rau xanh ở các thành phố lớn.
Giá rau xanh ở chợ tăng đột biến
Theo ghi nhận của phóng viên, bắt đầu từ ngày 29/1 (tức ngày mùng 5 Tết) một số chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội đã bắt đầu mở cửa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Thông thường, giá thực phẩm sẽ tăng nhẹ trong những ngày đầu năm do nhiều cửa hàng chưa mở cửa, tuy nhiên cho tới thời điểm hiện tại (ngày 11 tháng giêng) giá thực phẩm vẫn ở mức “trên trời” khiến cho người dân tỏ ra lo lắng.
Chị Nguyễn Thu Hà – một người dân mua rau tại chợ Quan Nhân (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, thực phẩm tăng giá nhiều lần so với trước Tết. Rau muống trái vụ trước Tết 10 nghìn thì giờ tăng lên 20 nghìn/mớ, 1 cây súp lơ nhỏ trước Tết giá chỉ khoảng 12.000 đồng giờ tăng lên 35.000 đồng.
“Tôi chỉ mua ít rau cải, rau thơm, hành và vài quả cà chua thôi mà cũng đã gần 50 nghìn. Các loại rau thơm, rau sống trước cả nhà tôi chỉ mua khoảng 15 nghìn là đủ ăn, giờ mua lên 30 nghìn ăn vẫn thấy thiếu” – chị Hà nói thêm.
Một tiểu thương bán rau tại chợ Quan Nhân cho biết, việc các loại rau xanh tăng giá không chỉ do một vài cửa hàng tự phát mà cả thị trường đều tăng, nếu có giảm thì cũng phải đến hết tháng Giêng giá mới có thể giảm được
Theo người bán hàng, do ảnh hưởng của thời tiết, trời nồm, lạnh và trận mưa đá tại một số tỉnh miền Bắc vào đúng dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đã khiến nhiều ruộng rau xanh mất trắng, nguồn cung rau rất khan hiếm, giá nhập tại vườn cũng tăng khoảng 3-4 lần.
"Chúng tôi lấy hàng cũng không dễ dàng, mỗi loại chỉ lấy được vài bó bán rải rác trong ngày. Vì rau đắt nên khách cũng mua hạn chế hơn, nhiều người hỏi giá xong rồi không mua nữa, hoặc chỉ mua một lượng vừa phải”, bà Tú chủ sạp hàng bên cạnh nói.
Cũng theo các tiểu thương, nếu cứ tình trạng mưa rét kéo dài thì những ngày tới rau vẫn tiếp tục đắt đỏ.
"Rau đắt không chỉ người tiêu dùng chóng mặt mà tiểu thương chúng tôi cũng thất thu", bà Tú nói thêm.
Siêu thị không có hàng bán
Trong khi rau ngoài chợ đội giá, tại các hệ thống siêu thị, một số loại rau vẫn giữ mức giá cũ. Đơn cử, cải thìa trong hệ thống siêu thị Vinmart ở mức 28.900 đồng/kg, hành lá 50.000 đồng/kg, mồng tơi 22.000 đồng/kg. Tuy nhiên, phần lớn các siêu thị không có đầy đủ các loại rau xanh hoặc có với số lượng ít.
Siêu thị khan hiếm rau xanh
Các kệ hàng trống trơn
Tại các cửa hàng rau sạch, quầy rau chủ yếu có các loại rau củ như khoai tây, cà rốt, su hào, hành tây, các rau gia vị... Còn lại, các loại rau xanh ăn theo ngày không có nhiều, vì thế không đủ cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng của người dân ở khu vực lân cận.
Tại một siêu thị ở khu vực Trung Hòa – Nhân Chính (Cầu Giấy, Hà Nội), nhân viên bán hàng cho biết kể từ sau Tết mặt hàng rau xanh luôn trong tình trạng không đủ hàng để phục vụ khách.
“Sáng 3/2, chúng tôi cũng đã nhập về 1 lượng rau củ tương đối, nhưng chỉ sau 1vài giờ đã hết sạch hàng. Phải đến sáng hôm sau mới có đợt hàng mới", - chị Trang, nhân viên bán hàng cho hay.
Theo chị Trang, sau Tết nhu cầu của người dân về rau xanh rất cao nhưng nguồn cung lại hạn chế. Một phần là do sau Tết các nhà cung cấp chưa làm việc trở lại, hơn nữa, đợt mưa đá dịp Tết vừa qua khiến rau củ hỏng hết. Cộng thêm đó, dịch bệnh Corona đang diễn biến phức tạp nên nhiều người mua dự trữ, lo lắng giá cả sẽ tăng bất thường.
Theo quan sát của phóng viên, sau Tết, hầu hết các mặt hàng như thịt bò, thịt lợn, đậu,… đều tăng giá nhưng giá rau là tăng mạnh nhất, có những loại tăng giá gấp đôi nhưng vẫn không đủ đáp ứng khách hàng.
Nhiều người bán hàng lâu năm cho biết, so với thời điểm sau tết Nguyên Đán năm ngoái, giá rau củ năm nay đắt hơn hẳn. Có lẽ khoảng 1 – 2 tuần nữa, khi cuộc sống ổn định trở lại, thời tiết tốt lên sẽ khiến mặt hàng rau xanh trở lại mức giá thường ngày.
Nguồn: [Link nguồn]
Nhiều bà nội trợ “phát sốt” vì giá thực phẩm tăng bất thường, trong khi căn nguyên tăng giá là chuyện không thể tránh...