Ồ ạt khuyến mại thịt lợn nhập khẩu giữa lúc "hàng nội" giá cao chót vót
Giá lợn hơi liên tiếp tăng vượt mốc 92.000 đồng/kg, đẩy giá thịt lợn lên cao chót vót. Nhiều siêu thị ồ ạt khuyến mại, giảm giá thịt nhập khẩu.
Giá bán thịt lợn đã tăng thêm 10-20 nghìn đồng/kg. Cụ thể, thịt mông, ba chỉ có giá 170-180 nghìn đồng/kg; Sườn, nạc vai có giá 180 nghìn đồng/kg.
Giá vẫn tăng cao, xuất chuồng nhỏ giọt
Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, mấy ngày nay giá lợn hơi liên tiếp tăng, đạt đỉnh mới 92-93 nghìn đồng/kg. Kéo theo giá thịt lợn bán tại chợ truyền thống cũng tăng cao, phổ biến mức 150-180 nghìn đồng/kg.
Tại Chợ Cổ Nhuế (Từ Liêm, Hà Nội), giá bán thịt lợn đã tăng thêm 10-20 nghìn đồng/kg. Cụ thể, thịt mông, ba chỉ có giá 170-180 nghìn đồng/kg; Sườn, nạc vai có giá 180 nghìn đồng/kg.
"Mỗi ngày móc hàm tăng lên vài giá, nên cả tuần nay mọi người cũng phải điều chỉnh giá bán vì trừ khấu hao thì không còn lãi như thời thịt rẻ", chị Lan Anh, một tiểu thương chia sẻ.
Tương tự, anh Toản, tiểu thương chợ Nghĩa Tân cho biết, lợn móc hàm tăng thêm 4 nghìn đồng/kg so với hôm qua lên 126 nghìn đồng/kg nên bắt buộc mọi người phải tăng giá bán. "Không có chuyện giá giảm mà chúng tôi vẫn phải mua giá cao hàng ngày, cũng không có nhiều lựa chọn vì lò mổ không có nhiều hàng để đắn đo hay trả giá", anh Toản bày tỏ.
Một chợ buôn tại Mê Linh (Hà Nội) thịt lợn móc hàm được định giá không được mặc cả, cũng không có nhiều hàng để chọn...
Theo anh Toản, giá bán thời điểm này hầu như ai cũng điều chỉnh giống nhau với mức phổ biến 160-180 nghìn đồng/kg vì chủ yếu bán giá duy trì khách hàng chứ lượng mua cũng giảm đi nhiều bởi mọi người tranh thủ ăn hải sản và các loại gia cầm giá rất rẻ, chỉ bằng 1/4 thịt lợn.
Ông Hồ Văn Liêm, chủ một cơ sở giết mổ cho biết, đã đóng lò mổ mấy ngày nay vì giá lợn cao, tiểu thương bỏ chợ. Bản thân lò mổ mua lợn cũng khó vì giá đã lên hơn 92-93 nghìn đồng/kg mà hàng xuất chuồng cũng nhỏ giọt.
Nhiều siêu thị giảm giá lợn nhập khẩu
Nhiều siêu thị giảm giá lợn nhập khẩu
Nhằm góp phần "kéo" giá thịt lợn trong nước dần bình ổn trở lại theo lời kêu gọi của Chính phủ, nhiều siêu thị chủ động nhập khẩu và giảm giá thịt lợn. Đặc biệt, siêu thị Big C lần đầu tiên tổ chức “Tuần lễ thịt lợn nhập khẩu” với mức giảm sâu.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail, cho biết: Chương trình “tuần lễ thịt lợn nhập khẩu” sẽ diễn ra từ ngày 18-26/04/2020, tại hệ thống các Big C tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
Trong chương trình, Big C miền Bắc khuyến mại sâu đến 34% thịt lợn nhập khẩu, giúp người tiêu dùng dễ dàng có cơ hội sử dụng thịt lợn nhập khẩu chất lượng đến từ các nước Ba Lan, Canada...
Cụ thể, thịt sườn giảm còn 119.000 đồng/kg (giá cũ 139.000 đồng/kg); Thịt ba chỉ giảm còn 149.000 đồng/kg (giá cũ 172.000 đồng/kg); Thịt thăn giảm còn 146.000 đồng/kg (giá cũ 165.000 đồng/kg); Thịt sườn ướp giảm còn 139.000 đồng/kg (giá cũ 210.000 đồng/kg)....
“Hiện nay người tiêu dùng chưa có thói quen dùng thịt lợn nhập khẩu nên đa số người dân vẫn thích sử dụng hàng tươi. Chúng tôi thực hiện chương trình này với mục đích là muốn giới thiệu và hướng người tiêu dùng sử dụng thêm thịt lợn nhập khẩu từ Châu Âu, có thêm một sự lựa chọn cho bữa ăn khi mà giá thịt tươi trong nước đang còn cao", bà Phương nói.
Bà Phương cũng bày tỏ hy vọng: "Khi hệ thống Big C thực hiện chương trình này, sẽ góp phần giảm giá thịt lợn xuống, giúp người tiêu dùng bớt khó khăn".
Tương tự, đối với các siêu thị nằm trong hệ thống của Tập đoàn bán lẻ BRG gồm Hapro Mart, Hapro Food, Seika Mart, Fuji Mart cũng đang áp dụng việc giảm giá đối với các mặt hàng thịt lợn. Cụ thể, thịt lợn tươi sống bán trực tiếp được giảm giá từ 8%-10%, thịt lợn đông lạnh nhập khẩu cũng được giảm từ 15%-20%...
Ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng giám đốc Công ty bán lẻ BRG cho biết, BRG đang nỗ lực vì mục tiêu Quốc gia nhằm góp phần bình ổn giá, đưa đến cho khách hàng những sản phẩm chất lượng, đặc biệt là vì nổ lực chung đưa giá thịt lợn về ngưỡng bình ổn trong thời gian tới.
Thịt lợn nhập khẩu Nga loại thịt đông lạnh nên nếu chỉ nhìn bằng mắt thường, người tiêu dùng khó nhận biết được...
Nguồn: [Link nguồn]