Nuôi giống gà đen sì giữa dịch Covid-19, nông dân như "ngồi trên đống lửa"
Hàng ngàn con gà ác đến ngày không xuất bán được mà vẫn phải tốn công chăm sóc và chi phí thức ăn, nông dân như “ngồi trên đống lửa”.
Gà ác hay còn gọi là gà ô cốt kê, gà đen, gà chân chì, gà ngũ trảo... là một giống gà quý thuộc họ trĩ. Gà ác có nét đặc trưng là thịt đen, xương đen và lông trắng. Đặc biệt, chân của gà ác có 5 ngón, thịt của chúng cũng là một món ăn chứa nhiều dinh dưỡng hơn thịt gà thông thường.
Chính vì thế nhu cầu của thị trường về gà ác rất lớn, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hàng loạt nhà hàng, quán ăn, bếp ăn tập thể phải đóng cửa khiến cho người nuôi “ra ngóng vào trông”, loay hoay tìm đầu ra cho gà ác.
Gà ác có đặc điểm là thịt và xương đều màu đen, là món ăn chứa nhiều dinh dưỡng hơn thịt gà thông thường.
Chị Thùy Dương (trú tại Đức Thượng, Hoài Đức, Hà Nội) cho biết gia đình chị nuôi hơn 2.000 con gà ác thuần chủng. “Đây là giống gà quý nhưng lại rất dễ nuôi, ít bệnh tật, thời gian nuôi rất ngắn chỉ khoảng 40 ngày là đạt trọng lượng 300-400g. Trước đây, trung bình mỗi tháng gia đình tôi xuất bán trên dưới 2.000 con gà ác, loại từ 0,3-0,5kg để làm gà ác tần, gà ác hầm thuốc bắc, loại để chế biến lẩu từ 1,3-1,5kg với giá là 80-100.000 đồng/kg.
Sau khi trừ hết các chi phí như thức ăn, tiền giống, thuốc..., mỗi tháng chị để ra được khoảng 5-10 triệu đồng. Từ khi có dịch bệnh, các quán ăn đóng cửa hết nên gà quá lứa vẫn không có ai thu mua, đàn gà nhà tôi được hơn 50 ngày tuổi mà chưa bán xong”, chị Dương kể.
Hàng nghìn con gà ác đến tuổi xuất bán nhưng không có thương lái thu mua khiến người nuôi đứng ngồi không yên.
Để tiêu thụ gà ác, vợ chồng chị Dương phải đăng bài bán online, chấp nhận cả những đơn hàng chỉ 1-2 con. “Đợt chưa có dịch Covid-19, gà nhà tôi nuôi đến đâu hết đến đó, nhà hàng mua ít nhất cũng 100 con/lần mà giờ không có thương lái thu mua, cả vợ cả chồng đăng bài bán hàng, có đơn lại lúi húi mổ rồi đi giao cho khách. Mọi năm giá bán buôn được 35-40.000 đồng/con, giờ bán lẻ chỉ được 25.000 đồng/con, khách mua 1 con cũng bán.
Không thuộc đường, có lần còn vừa đi vừa dò đường, mất công mất sức hơn trước kia rất nhiều nhưng vẫn còn được đồng ra đồng vào”, chị Dương nói.
Gia đình anh Hiến nuôi 3.000 con gà ác tại Phúc Thọ (Hà Nội) cũng đang mong chờ từng ngày sao cho dịch bệnh qua nhanh để tiêu thụ hết số gà quá lứa.
“Gà thì không bán được mà giá cám cứ lên từng ngày. Hơn 3.000 con gà nhà tôi mỗi ngày ăn hết khoảng 20 bao cám, giá cám lên 10-15.000 đồng/bao do nhà máy báo không nhập được nguyên liệu, tính ra một tháng hết 130 triệu tiền cám.
Thường thì 40-45 ngày, gà đạt trọng lượng từ 300-400g thương lái sẽ thu mua để làm gà hầm thuốc bắc cung cấp cho nhà hàng, quán ăn. Nhưng hiện tại đàn gà nhà tôi được khoảng 100 ngày rồi mà vẫn không có ai thu mua”, anh Hiến chia sẻ.
Để tiêu thụ gà ác, nhiều hộ nuôi phải mổ thịt bán lẻ từ 1-2 con.
Theo anh Hiến, trước đây thương lái đến tận nhà thu mua vài tạ một lúc với giá trên 60.000 đồng/kg, nhưng giờ gà lớn càng nuôi càng tốn mà không có người thu mua nên người nuôi như ngồi trên đống lửa. “Năm ngoái gia đình tôi nuôi lợn thì lợn bị dịch phải tiêu hủy hơn 2 tấn. Chuyển sang nuôi gà ác thì lại đúng đợt dịch người thế này, đúng là không biết đâu mà lần”, anh Hiến thở dài.
Trên các chợ mua bán online những ngày gần đây, gà ác được bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với trước đây. Mỗi con gà ác sau khi thịt xong được bán với giá chỉ từ 35.000 đồng/con từ 0,3-0,4kg, chỉ 70.000 đồng/set 2 con gà ác kèm lá ngải, thuốc bắc.
Nguồn: [Link nguồn]