Nông dân Việt Nam lãi lớn vẫn "ém hàng", giá hạt "vàng đen" tăng vọt lên kỷ lục cao nhất 50 năm
Giá loại hạt này hiện đang đạt mức cao kỷ lục chưa từng thấy trong gần 50 năm qua.
Giá hạt cà phê - loại hạt được mệnh danh là "vàng đen" - hiện đang đạt mức cao kỷ lục chưa từng thấy trong gần 50 năm qua, sau một mùa vụ đầy khó khăn tại các vùng sản xuất cà phê hàng đầu thế giới.
Sau một năm hạn hán khắc nghiệt, Brazil - quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới, chiếm gần 39% nguồn cung toàn cầu - lại phải đối mặt với những trận mưa lớn. Điều này khiến các doanh nghiệp rang xay cà phê cũng phải chuẩn bị tăng giá đối với mặt hàng này.
Đầu tuần này, tờ Wall Street Journal đưa tin giá cà phê Arabica thô đã tăng mạnh lên mức kỷ lục gần 3,44 USD mỗi pound, vượt qua mức kỷ lục cũ là 3,35 USD vào năm 1977.
Với mức giá tăng hơn 83% trong năm nay, lo ngại về ảnh hưởng của thời tiết xấu đối với vụ thu hoạch năm sau tại Nam Mỹ đang gia tăng. Volcafe, một công ty kinh doanh cà phê hàng đầu, đã cắt giảm triển vọng sản xuất cà phê Arabica năm 2025-2026 gần 25%, xuống còn 34,4 triệu bao. Đây là năm thứ 5 liên tiếp Volcafe gặp phải tình trạng thâm hụt, với việc đã cắt giảm gần 11 triệu bao so với dự báo của công ty vào tháng 9.
Giá hạt cà phê đang đạt mức kỉ lục 50 năm qua
Việt Nam hiện là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới. Giá cà phê trong nước cũng tăng đều đặn trong năm nay. Giá cà phê hôm 14/12 ở trong nước dự kiến giữ chắc trên 124.000 đồng/kg và có thể tăng nhẹ.
Theo báo cáo mới nhất của Cục Nông nghiệp Nước ngoài (FAS) thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA): "Giá cà phê tăng đều đặn trong năm 2024 đã khiến nhiều nông dân "ém" cà phê trong kho lâu hơn, với hy vọng giá sẽ tiếp tục tăng".
Trước đó, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) cũng đã đề cập tới tình trạng "ém hàng" của nông dân Việt Nam trên báo Vietnamnet. Theo ông Hải, hiện cân bằng về giá giữa bên cung và bên cầu bị chênh lệch mạnh. Người mua đợi giá hạ còn người bán đợi giá tăng. Hai bên chưa tìm được giá chung để tiến hành thương vụ nên nhiều giao dịch bị chững lại. Thậm chí, nhiều thương lái “ém hàng” đợi cà phê lên giá cao hơn mới tung ra thị trường.
Trong 15 ngày đầu tháng 11/2024, nước ta chỉ xuất khẩu 20.933 tấn cà phê, giá trị đạt trên 122 triệu USD. Theo đó, sản lượng giảm 44,8% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giá trị lại tăng 1,8%.
Giá hạt cà phê có khả năng vẫn sẽ tiếp tục tăng cao
Theo các nhà phân tích, đà tăng giá cà phê khó có dấu hiệu dừng lại trong vài năm tới, và điều này sẽ tác động đáng kể đến thị trường cà phê – mặt hàng được giao dịch nhiều thứ hai trên thế giới chỉ sau dầu thô.
David Oxley, chuyên gia kinh tế hàng hóa và khí hậu tại Capital Economics, nhận định: “Giá cà phê chỉ có thể hạ nhiệt khi nguồn cung được cải thiện và lượng dự trữ được bổ sung, nhưng quá trình này có thể kéo dài trong nhiều năm”.
Trong khi nguồn cung hạn chế, nhu cầu tiêu thụ cà phê lại tăng mạnh, đặc biệt tại Trung Quốc. Những thay đổi trong lối sống và áp lực công việc khiến giới trẻ Trung Quốc tìm đến cà phê nhiều hơn, đẩy nhu cầu lên cao trong khi sản lượng không theo kịp. Điều này càng làm nguồn cung toàn cầu trở nên căng thẳng hơn.
Nestle, thương hiệu cà phê lớn nhất thế giới, thông báo sẽ tiếp tục điều chỉnh giá sản phẩm và giảm lượng cà phê trong mỗi gói nhằm ứng phó với đà tăng giá hạt cà phê hiện tại.
Nguồn: [Link nguồn]
Dù đã lãi khủng nhưng nhiều nông dân ở thủ phủ cà phê Tây Nguyên của Việt Nam vẫn “ém hàng” chưa chịu bán, góp phần khiến cung khan hiếm, đẩy giá loại...