Nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng: Tiết kiệm hay tăng giá?

Sự kiện: Giá điện 2019

Phương án phải huy động chạy dầu trong năm 2020 có thể làm chi phí đội lên tới 14.000 tỉ đồng, tạo áp lực lớn đến giá điện những năm sau.

Mức độ nghiêm trọng của nguy cơ thiếu điện nằm ở chỗ huy động 8,6 tỉ KWh điện chạy dầu trong năm sau chỉ là phương án thấp nhất. Còn nhiều phương án khác được ngành điện tính toán và cảnh báo với mức huy động có thể lên 12-16 tỉ KWh mới đủ đáp ứng nhu cầu điện cho nền kinh tế và sinh hoạt.

Tiền đâu chạy điện giá cao?

Như đã đề cập ở bài trước, tất cả nguồn điện giá rẻ như thủy điện, nhiệt điện than đều đang trong tình trạng cạn kiệt tiềm năng hoặc không được định hướng phát triển mạnh thêm vì nhiều lý do. Hiện tại, những nguồn điện được kỳ vọng thay thế để bù đắp lượng thiếu hụt như điện mặt trời, điện chạy dầu, điện khí… đều có giá thành rất cao, thậm chí chênh nhiều lần so với giá điện bình quân 1.846 đồng/KWh hiện nay.

Cụ thể, theo tính toán của ngành điện, khi huy động lượng chạy dầu ở mức 8,6 tỉ KWh, với giá thành thấp nhất có thể là 3.500 đồng/KWh thì chi phí đội thêm so với dự kiến ít nhất 14.000 tỉ đồng. Chưa kể, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang bù giá cho lượng điện mặt trời phát trên hệ thống khoảng 1.500 tỉ đồng/năm. Giá than, khí theo thị trường thế giới và có khả năng tăng mạnh bất cứ lúc nào đang tạo áp lực lớn lên những phương án giá điện vào các năm tới khi phải hạch toán dần lỗ lũy kế vào giá bán lẻ.

Có nhiều phương án được ngành điện tính toán nhằm đáp ứng nhu cầu điện cho nền kinh tế và sinh hoạt. Ảnh: TẤN THẠNH.

Có nhiều phương án được ngành điện tính toán nhằm đáp ứng nhu cầu điện cho nền kinh tế và sinh hoạt. Ảnh: TẤN THẠNH.

Nhưng áp lực cho phát điện không chỉ nằm ở giá. Thông tin từ EVN cho biết tổng sản lượng điện chạy dầu phải huy động trong tháng 10-2019 vào khoảng 400 triệu KWh và khai thác từ nay đến cuối năm có thể lên đến 1,45 tỉ KWh. Theo đánh giá của các chuyên gia ngành điện, 400 KWh điện chạy dầu trong một tháng là mức vừa đủ để bảo đảm vận hành trơn tru hệ thống. Chỉ cần tăng mức huy động thêm một chút, lên 500-700 KWh/tháng, đã bắt đầu gặp những thách thức về nguồn dầu, máy móc. Bởi vì thực tế, trong tình huống nắng nóng đột biến, nhu cầu chạy dầu ở mức quá cao sẽ rất khó vận hành liên tục các tổ máy, dễ có nguy cơ rã lưới cục bộ.

Riêng về nguồn cung dầu, các nhà máy điện cũng đang bối rối khi chưa tìm ra phương án nào thực sự hợp lý để ứng phó với tình huống cần phát dầu khẩn cấp. Một mặt, nhà máy điện cần dầu để phát khi có nhu cầu nhưng mặt khác, không nhà máy nào muốn bỏ ra một khoản tiền lớn để dự trữ dầu. Bởi nếu mua dự trữ, doanh nghiệp ngành điện còn đối mặt với rủi ro về giá do không thể dự đoán được giá dầu trên thị trường thế giới sẽ diễn biến theo chiều hướng nào. "Các nhà máy điện còn nằm ở thế khó khi đa phần thiết kế chỉ có một chiều nhập dầu chứ không có chiều xuất ngược trở lại thị trường khi không dùng tới. Đặc biệt, đa phần các nhà máy được lên kế hoạch chạy dầu đều nằm ở khu vực miền Tây, nơi có hạ tầng giao thông chưa tốt khiến việc vận chuyển dầu bằng xe bồn sẽ là thách thức không nhỏ nếu như không có kế hoạch sớm" - một chuyên gia nêu thực tế.

Đẩy mạnh tiết kiệm điện

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho rằng ngoài giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn điện và truyền tải điện, cần triển khai tiết kiệm điện từ chủ trương chung tới các giải pháp cụ thể. Bởi vì thực tế, việc xây dựng bất cứ dự án điện nào cũng cần thời gian dài, khó bổ sung thiếu hụt trong ngắn hạn. "Tiết kiệm điện không chỉ thể hiện ở việc hô hào người dân sử dụng thiết bị điện giảm tiêu hao, tắt đèn, đặt máy lạnh ở chế độ hợp lý… mà còn cần nhấn mạnh vào yêu cầu bắt buộc là đổi mới công nghệ trong các nhà máy sản xuất thép, xi-măng, hóa chất" - ông Ngãi góp ý.

Tuy nhiên, để bảo đảm cung ứng điện ổn định và phát triển nguồn điện bền vững, theo ông Trần Viết Ngãi, cần thiết đưa giá điện về gần hơn với thị trường, tức giá bán lẻ điện bình quân phải tăng lên, nhất là khi các nguồn điện có thể huy động hiện nay đều có giá cao. Với giá điện cao, nhà đầu tư tư nhân sẽ có thêm động lực đầu tư vào ngành điện, giảm phụ thuộc vào doanh nghiệp duy nhất của nhà nước. "Tất nhiên, giá điện còn ảnh hưởng tới các yếu tố vĩ mô như tăng trưởng chung, lạm phát… nên bất cứ quyết định tăng giá nào cũng phải cân nhắc kỹ càng. Song song đó, nghiên cứu phân bổ giá điện phù hợp hơn theo hướng đánh mạnh vào ngành sản xuất tiêu hao năng lượng và hỗ trợ nhiều nhất có thể cho người dân. Làm được điều đó thì dù giá điện bình quân tăng cao, người dân vẫn không bị thiệt hại lớn" - ông Ngãi nói thêm.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cam kết sẽ có giải pháp mạnh mẽ hơn để giải tỏa công suất các dự án điện mặt trời lên đến 67%. Trong đó, nhấn mạnh việc cần có những nghị quyết mới của Thường vụ Quốc hội và Chính phủ về việc tạo điều kiện cho tư nhân tham gia phát triển hệ thống hạ tầng điện, nhất là đường dây truyền tải. Qua đó sẽ giải tỏa được hết công suất của các nhà máy điện, đáp ứng yêu cầu về điện, cân đối cung - cầu điện cho tương lai.

Trước thực trạng cung cấp điện gặp nhiều khó khăn và dự báo phụ tải thiếu hụt trầm trọng trong thời gian tới, đại diện Tổng Công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC), Tổng Công ty Điện lực Miền Nam cho biết đang chờ sản lượng phụ tải phân bổ cho năm 2020 từ EVN để xây dựng kế hoạch cung ứng cụ thể. Trước mắt, từ nay đến hết năm 2019, các đơn vị tập trung nhiều giải pháp tuyên truyền người dân, doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể… tăng cường sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Bộ Công Thương, EVN cũng đang đẩy mạnh kiểm soát nhu cầu phụ tải thông qua thực hiện các chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, quản lý chặt phía cầu, đặc biệt là chương trình điều chỉnh phụ tải điện, nhằm kêu gọi sự chung tay của các doanh nghiệp trong việc giảm công suất cực đại vào giờ cao điểm, giảm tình trạng lưới điện bị quá tải và nâng cao hiệu quả kinh tế của hệ thống điện... 

Tại TP HCM, EVNHCMC thời gian qua đã tăng cường công tác tuyên truyền tiết kiệm. Chín tháng năm 2019, toàn TP tiết kiệm được 338,25 triệu KWh điện, tăng 12,85% so cùng kỳ năm 2018 và chiếm 1,74% so với điện thương phẩm. Bên cạnh đó, TP đẩy mạnh phát triển điện mặt trời áp mái như là một giải pháp quan trọng. Thống kê của EVNHCMC cho thấy tính đến ngày 18-11, có 4.864 khách hàng trên địa bàn TP lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà đăng ký bán lại phần điện dư cho ngành điện. Công suất điện mặt trời đã lắp đặt đạt 56,18 MWp và ngành điện đã thanh toán cho khách hàng tổng cộng 12,73 tỉ đồng.

Nguồn: [Link nguồn]

Bộ Công Thương nên loại bỏ giá điện, xăng dầu khỏi danh mục bí mật Nhà nước

Theo VCCI không nên đóng dấu mật vì doanh nghiệp có nhu cầu cần biết sớm quyết định điều chỉnh giá điện, giá xăng từ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo PHƯƠNG NHUNG - THANH NHÂN ([Tên nguồn])
Giá điện 2019 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN