Người Việt chinh phục “nóc nhà thế giới” giá… 1 tỷ đồng/tour
Anh Phan Thanh Nhiên (TP.HCM) một trong hai nhà leo núi Việt Nam chinh phục thành công đỉnh Everest trong năm 2022, cho biết đã chi hơn 40.000 USD (khoảng 927 triệu đồng) cho hành trình chinh phục “nóc nhà thế giới”. Chi phí này thậm chí chưa bao gồm tiền vé máy bay, mua thiết bị…
Mới đây, thông tin về hai nhà leo núi người Việt Nam là anh Phan Thanh Nhiên (TP.HCM) và chị Nguyễn Thị Thanh Nhã chinh phục thành công đỉnh Everest (Nóc nhà thế giới với độ cao 8.849m) gây xôn xao cộng đồng. Không chỉ khâm phục về sức khỏe, nghị lực phi thường mà chi phí cho chặng hành trình này cũng khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Chinh phục Everest là một trong những cung leo núi nguy hiểm và đắt đỏ nhất thế giới. Người muốn tham gia tour này không chỉ có thể lực tốt, sức bền, bản lĩnh và tinh thần thép mà còn phải là người… có tiền, một số tiền “khủng”.
Chinh phục Everest là một trong những cung nguy hiểm và đắt đỏ nhất thế giới. Dẫu vậy, hằng năm vẫn có cả nghìn người sẵn sàng trả giá để ngắm khung cảnh đẹp hiếm nơi nào sánh được từ dãy Himalaya hùng vĩ. (Ảnh: Thanh Nhien Phan)
Thực tế, tour leo núi Everest không hiếm thường xuất phát từ Trung Quốc và Nepal. Phần lớn du khách chọn đến điểm cắm trại Everest ở độ cao hơn 5.000m (Everest Base Camp) để ngắm cảnh với mức giá ít nhất khoảng 60 triệu đồng/người.
Nhưng với những nhà leo núi chuyên nghiệp, cái giá phải trả cho chặng hành trình chinh phục nóc nhà thế giới có thể lên tới hơn 4 tỷ đồng, dao động theo độ cao, khả năng của người leo và các dịch vụ đi kèm.
Theo tìm hiểu của phóng viên, mức tối thiếu cho chuyến leo Everest dao động khoảng 45.000 USD/người (hơn 1 tỷ đồng). Mức giá này bao gồm các chi phí cho hướng dẫn viên bản địa (Sherpa); giấy phép leo núi từ chính phủ Nepal, dụng cụ leo núi cá nhân, phí vận chuyển bình dưỡng khí…
Cụ thể, du khách phải xin giấy phép leo núi. Tùy vào tuyến đường đi mà bạn phải trả từ 7.000 - 11.000 USD/người (khoảng 160 - 253 triệu đồng), cấp với số lượng có hạn.
Chi phí cho một tour leo đỉnh Everest dao động từ 1 – 4,5 tỷ đồng/tour/người. (Ảnh: Thanh Nhien Phan)
Sau khi vượt qua vòng kiểm tra sức khỏe, các nhà leo núi phải trả ít nhất 5.000 USD (khoảng 115 triệu đồng) cho việc luyện tập trước khi leo núi, bao gồm chi phí thuê huấn luyện viên rèn luyện thể chất, 2 tháng sống ở Nepal, tập làm quen với các đỉnh núi cao hơn 6.000m, rồi tăng dần độ cao để thích nghi với địa hình, tránh hội chứng AMS (Hội chứng độ cao).
Bên cạnh đó, dụng cụ leo núi Everest cũng đắt đỏ hơn so với đồ leo núi thông thường. Du khách phải sử dụng đồ chất lượng tốt để bảo vệ bản thân như quần áo phải đảm bảo khả năng giữ nhiệt, chắn gió tốt, giày phải vừa chống nước, vừa đi tuyết... do vậy khoản chi này không hề nhỏ, ít nhất trong khoảng 10.000 USD (khoảng hơn 230 triệu đồng).
Ngoài ra, chi phí phát sinh như bình oxy mỗi lần leo núi, mặt nạ oxy, bảo hiểm... cũng ngốn cả vài trăm triệu đồng. Và nặng nhất là tiền thuê sherpas (người dẫn đường) từ các công ty du lịch với giá khoảng 30.000 - 85.000 USD (khoảng 690 triệu - 1,9 tỷ đồng), phụ thuộc vào độ khó của cung leo cũng như thời tiết, mùa cao điểm.
Chi phí tour thay đổi theo các dịch vụ đi kèm, phụ thuộc vào độ khó của cung leo cũng như thời tiết, mùa cao điểm. (Ảnh: Thanh Nhien Phan)
Bên cạnh đó, một tour leo Everest giá tầm trung rơi vào khoảng 61.000 - 85.000 USD (từ 1,4 - 2 tỷ đồng). Nếu muốn hướng dẫn viên Âu Mỹ đi cùng 1-1 với dịch vụ trọn gói, nhà leo núi cần phải chi từ 118.000 - 135.000 USD (từ 2,7 - 3,1 tỷ đồng).
Tour chinh phục đỉnh Everest cao cấp nhất có giá tới 200.000 USD (khoảng 4,6 tỷ đồng). Du khách tham gia tour này sẽ có hướng dẫn viên riêng và người bản địa giàu kinh nghiệm đi cùng. Họ cũng được cung cấp bình dưỡng khí không giới hạn, chuẩn bị sẵn lều nghỉ cũng như lập kế hoạch chế độ dinh dưỡng và tập luyện riêng để thích nghi với độ cao trong sáu tuần trước ngày khởi hành.
Với tour này, các nhà leo núi được nghỉ ngơi trong chiếc lều rộng rãi hơn ở Base Camp (trại căn cứ) và được phục vụ nhiều tiện ích khác.
Đại diện một đơn vị chuyên tổ chức tour leo núi ở Nepal cho biết: Thực tế, sức khỏe người Việt Nam nói riêng và người Đông Nam Á nói chung hoàn toàn có khả năng chinh phục “nóc nhà thế giới”, tuy nhiên chi phí cho một tour là khá lớn, với số tiền này nhiều người lựa chọn những loại hình du lịch nghỉ dưỡng khác thay vì đi leo núi mạo hiểm.
Chỉ trong vòng 5 năm, chàng trai 9x này đã bổ sung hơn 20 chiếc xe máy vào bộ sưu tập xe biển số đẹp của mình, riêng dòng xe Honda Super Cub chiếm gần một nửa.
Nguồn: [Link nguồn]