Người tiêu dùng nở nụ cười khi giá lợn hạ nhiệt

Những ngày gần đây, giá lợn giảm mạnh khiến người tiêu dùng vui mừng, nhưng doanh nghiệp và người chăn nuôi lại đứng ngồi không yên. Nhiều chuyên gia nhận định, đây là thời cơ “vàng” cho việc cơ cấu lại ngành chăn nuôi ổn định hơn.

Hy vọng giá lợn bình ổn

Trong khoảng 1 tuần trở lại đây, giá lợn hơi tại nhiều tỉnh thành tiếp tục giảm mạnh, hiện dao động trong khoảng từ 76.000 - 82.000 đồng/kg.

Ghi nhận tại các chợ dân sinh ở Hà Nội, chị Nguyễn Thị Hạnh – tiểu thương thịt lợn tại chợ Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) - cho hay, gần một tuần nay, giá lợn hơi liên tục giảm, đặc biệt ngày 31/8 theo dõi trên tivi thì giá lợn có nơi giảm đến 5.000 đồng/kg. Tại chợ Dịch Vọng, thịt lợn bán lẻ ngày 1/9, đối với thịt ba chỉ có giá 150.000/kg (giảm 20.000/kg so với những ngày trước), thịt lợn mông có giá 135.000/kg (giảm 25.000/kg so với những ngày trước).

“Nếu giá thịt hơi giảm, giá bán lẻ cũng giảm đi thì chúng tôi cũng như người tiêu dùng sẽ dễ thở hơn, người mua nhiều hơn thì chúng tôi không sợ ế”, chị Hạnh chia sẻ.

Giá lợn hạ nhiệt khiến người tiêu dùng giãn cơ mặt trông thấy.

Giá lợn hạ nhiệt khiến người tiêu dùng giãn cơ mặt trông thấy.

Chị Trịnh Thị Trang (ở Cầu Giấy) cho biết, bản thân là nội trợ, xem tin tức biết được giá lợn giảm, chị tranh thủ buổi sáng ra chợ mua cho tươi. “Nếu giảm giá như thế này thì những người dân như chúng tôi đỡ đắn đo khi ra chợ, mong giá lợn đừng cao quá, nhưng nếu giá thấp quá cũng khiến chúng tôi sợ hãi. Hơn nữa, giá bình ổn thì người tiêu dùng an tâm hơn”, chị Trang chia sẻ.

Về nguyên nhân giá lợn giảm sâu như vậy, trao đổi với PV tạp chí ĐS&PL, ông Nguyễn Xuân Dương - Cục trưởng cục Chăn nuôi (bộ NN&PTNT) - nhận định, nguyên nhân góp phần rất lớn giúp "hạ nhiệt" giá lợn trong thời gian này xuất phát từ việc tái đàn, tăng đàn. Đồng thời, bộ NN&PTNT đã ban hành các chính sách, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương tạo điều kiện tối đa về đất đai, nguồn vốn, chính sách hỗ trợ cho việc tái đàn, tăng đàn, ban hành các quy trình hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học.

Cùng với việc tăng đàn, tái đàn, nguyên nhân khách quan khiến giá lợn giảm là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhu cầu tiêu thụ thực phẩm từ ngành ăn uống, du lịch sụt giảm. Hơn nữa, việc dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát tại một số địa phương cũng ít nhiều tác động tới nguồn cung do tâm lý lo ngại và bán tháo của một số doanh nghiệp, trang trại. Ngoài ra, bộ NN&PTNT kịp thời tham mưu Chính phủ nhanh chóng tăng cường nhập khẩu thịt lợn. Hơn nữa, giá thịt lợn tăng cao cũng là động lực khiến nhiều doanh nghiệp tái đàn.

Cơ hội cho việc cơ cấu lại ngành chăn nuôi

Ông Dương nói tiếp, trong những ngày qua, giá lợn hơi trên cả nước đã giảm mạnh do tâm lý lo ngại dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều trang trại bán tháo, cùng với đó là công tác tích cực tái đàn và gia tăng nhập khẩu thịt lợn đông lạnh và lợn sống.

Giá lợn sống nhập từ Thái Lan về với giá xuất bán từ 80.000 - 83.000 đồng/kg, đã phần nào giúp bình ổn giá trong nước. Trong khi đó, 7 tháng của năm, cả nước nhập hơn 93.000 tấn thịt lợn đông lạnh các loại, cao gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Trao đổi với PV tạp chí ĐS&PL, ông Trần Công Thắng - Viện trưởng viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (bộ NN&PTNT) - cho hay, trong bối cảnh Việt Nam phải thực hiện đầy đủ các cam kết thương mại đang tạo áp lực cạnh tranh mạnh mẽ lên cả người sản xuất lẫn thị trường bán lẻ thịt lợn, nhưng đây là thời điểm thích hợp tái cơ cấu ngành chăn nuôi để phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Ông Nguyễn Xuân Dương.

Ông Nguyễn Xuân Dương.

Ông Thắng giải thích, kể từ thời điểm này, các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh. Cần xây dựng chuỗi liên kết, hỗ trợ hình thành hợp tác xã và tăng liên kết với doanh nghiệp; kiểm soát chất lượng theo chuỗi; tăng đầu tư vào vùng chuyên canh nguyên liệu, kết nối với hộ sản xuất; xây dựng chiến lược thị trường rõ ràng, nghiên cứu, tìm kiếm thị trường ngách thích hợp với năng lực để sẵn sàng tiếp cận thị trường châu Âu... Người chăn nuôi cũng cần chuyên nghiệp hơn, liên kết thành tổ hợp tác, hợp tác xã, chủ động nắm bắt thông tin nhu cầu thị trường.

Ông Nguyễn Xuân Dương cho biết thêm, dự thảo Chiến lược định hướng phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn năm 2040 trình bộ NN&PTNT phê duyệt. Theo đó, sẽ cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng giảm nuôi lợn, tăng chăn nuôi gia cầm, gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê, hươu, cừu…) với hình thức sản xuất trang trại, công nghiệp. Theo đó, tổng đàn lợn ổn định ở quy mô 30 triệu con, trong đó lợn nuôi trang trại, công nghiệp sẽ chiếm 70%. Đàn gia cầm sẽ tăng bình quân hơn 3%/năm. Thủy cầm ổn định khoảng 100 triệu con và nuôi theo hình thức công nghiệp chiếm 50%.

Thị trường lợn hơi miền Bắc có giá dưới 80.000 đồng/kg. Mức giá thu mua toàn khu vực dao động từ 76.000 - 81.000 đồng/kg.

Tại miền Trung, Tây Nguyên các địa phương vẫn tiếp tục đi xuống, giảm 2.000 - 3.000 đồng/kg trong phiên giao dịch đầu tuần. Cao nhất khu vực Khánh Hòa, Lâm Đồng cùng thu mua với giá 82.000 đồng/kg, thấp nhất Nghệ An có giá 77.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi miền Nam đứng yên sau một tuần giảm mạnh. Hiện tại hầu hết các địa phương vẫn giao dịch ổn định trong khoảng 80.000 - 82.000 đồng/kg. Riêng Bạc Liêu, Vĩnh Long có giá 78.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi giảm mạnh nhưng thịt ở chợ giảm “nhỏ giọt”, dân rủ nhau làm điều bất ngờ

Mặc dù giá lợn hơi giảm mạnh, giao dịch cả nước bình quân khoảng 75-84.000 đồng/kg, thấp nhất trong 3 tháng qua nhưng giá...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo D.H ([Tên nguồn])
Biến động giá thịt lợn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN