"Trời ơi! Giá dầu cần giảm mạnh vì các kho chứa dầu quá tải. Nhưng tôi không thể ngờ được nó lại giảm nhanh đến thế!” Câu nói thể hiện sự sửng sốt của ông Samantha Gross, một nhà nghiên cứu năng lượng tại Viện Brookings cũng chính là điều cả thế giới đang băn khoăn.
Phiên giao dịch ngày 20/4 (rạng sáng 21-4 giờ Việt Nam), lần đầu tiên trong lịch sử, giá dầu ngọt nhẹ của Mỹ rơi xuống mức giá âm. Chốt phiên giao dịch, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5/2020 mất 55,90 USD (tương đương 306%), xuống còn -37,63 USD/thùng.
Đây là phiên giảm mạnh kỷ lục của giá dầu này kể từ khi bắt đầu ghi nhận số liệu vào năm 1983. Phiên này cũng ghi nhận mức đóng cửa thấp chưa từng thấy, có thời điểm giữa phiên giảm chỉ còn -40,32 USD/thùng. Tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 6/2020 cũng lùi 2,51 USD (9%), xuống còn 25,57 USD/thùng.
Ngay phiên giao dịch 21/4, giá dầu WTI của Mỹ giao tháng 5/2020 bất ngờ tăng trở lại, lên mức 1,1 USD/thùng. Tuy nhiên, nguồn cung dư thừa trên các thị trường và các kho dự trữ cũng hết chỗ, khiến người mua không mấy mặn mà.
Nhà phân tích thị trường dầu mỏ tại Rystad Energy, Louise Dickson cho rằng diễn biến của thị trường năng lượng hiện nay là điều “khó tin”. Chính vì vậy, việc đóng cửa hoặc thậm chí phá sản bây giờ có thể còn đỡ thiệt hại hơn đối với một số nhà khai thác.
Các hợp đồng giao tương lai cho tháng Năm được chốt lại vào ngày 21/4. Chính vì vậy, các nhà khai thác dầu mỏ buộc phải chốt được các đơn hàng, tìm được người mua. Giữa bối cảnh nguồn cung đang dư thừa, các kho chứa dầu có nguy cơ đầy trong thời gian ngắn, chẳng ai muốn “rước” thêm dầu.
"Dầu thô WTI không còn bất kỳ nơi đâu để đi. Các nhà giao dịch có cả tháng để xử lý số dầu này và quyết định nên làm gì. Hôm nay là ngày cuối cùng họ có thể bán" - Louise Dickson, nhà phân tích thị trường dầu tại công ty Rystad Energy đưa bình luận trong phiên ngày 20/4.
Theo MarketWatch, tình trạng giá xuống âm cho thấy nhà đầu tư phải trả tiền cho người mua dầu thô, phản ánh tình trạng dư cung trầm trọng.
Hiện tại, có ít nhất 160 triệu thùng được chứa trong các kho nổi trên biển, trong đó có 60 siêu tàu (VLCC), mỗi tàu có thể chưa được 2 triệu thùng dầu.
Mặc dù OPEC chốt được thỏa thuận lịch sử giảm 9,7 triệu thùng dầu/ngày, đánh dấu sự chấm dứt cuộc chiến giữa Nga và Saudi Arabia nhưng triển vọng của thị trường dầu thô vẫn khá u ám.Theo OPEC, nhu cầu dầu sẽ giảm khoảng 6,9 triệu thùng/ngày, tức là 6,9% trong năm 2020. Tính riêng trong tháng 4, OPEC dự báo nhu cầu sẽ giảm mạnh nhất, là 20 triệu thùng/ngày.
Trước đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đưa ra mức dự báo về nhu cầu dầu thô ở mức tiêu cực hơn. Cơ quan này dự báo trong tháng 4, nhu cầu dầu thô sẽ giảm 29 triệu thùng/ngày và trong cả năm giảm 9,3 triệu thùng/ngày.
Bên cạnh đó, một lý do nữa khiến giá dầu WTI giảm sốc là do loại dầu này vốn thường được vận chuyển thông qua đường ống dẫn, bởi vậy giá dầu này phần nào ít chịu tác động ngay lập tức bởi những lo ngại về lượng dự trữ dồi dào.
Gregory, Lewis, nhà phân tích vận tải thuộc tổ chức dịch vụ tài chính toàn cầu BTIG cho biết “đây là thời gian chưa từng có trong lịch sử tàu chở dầu và trong khi các siêu tàu VLCC đang được lấp đầy, tàu chở dầu và sản phẩm nhỏ hơn cũng được sử dụng để lưu trữ”.
Ngay khi giá dầu WTI chạm ngưỡng thấp nhất trong lịch sử, ngày 20/4, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ tận dụng cơ hội này mua vào 75 triệu thùng nhằm bổ sung vào kho dự trữ chiến lược quốc gia.
Ông Trump phát biểu: “Chúng tôi sẽ làm đầy các kho dự trữ dầu mỏ quốc gia… Như các bạn biết là những nguồn dự trữ chiến lược. Chúng tôi đang tìm cách bổ sung tối đa 75 triệu thùng vào các kho dự trữ”.
Tuy nhiên, ông Trump cũng nhấn mạnh: Mỹ sẽ chỉ mua số lượng dầu nói trên nếu được Quốc hội Mỹ cho phép hoặc chính phủ liên bang có thể cho thuê miễn phí các kho chứa dầu cho bên thứ ba. Hiện 4 kho dự trữ dưới lòng đất dọc vùng Vịnh Mexico ở bang Texas và Louisiana, ở phía Nam nước Mỹ, chỉ có thể dự trữ được tối đa 727 triệu thùng dầu. Các kho dự trữ này thường được sử dụng cho các trường hợp khẩn cấp như cuộc chiến tranh Iraq năm 1991 và vào năm 2005 sau khi xảy ra siêu bão Katrina.
Tại Trung Quốc, nước này cũng liên tục mua vào dầu thô bất chấp nhu cầu trong nước đang giảm mạnh và công suất lọc dầu cũng giảm bởi đại dịch Covid-19. Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 3/2020 tăng 4,5% so với tháng 3/2019. Trong hai tháng đầu năm Trung Quốc nhập khẩu trung bình 10,47 triệu thùng/ngày. Lượng nhập khẩu trong quý 1/2020 tăng 5% so với một năm trước lên 127,19 triệu tấn, tương đương 10,2 triệu thùng/ngày.
PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc giá dầu giảm xuống mức âm là điều ít ai nghĩ tới trước đó. Đó là một cú sốc lớn với thị trường dầu thế giới cho thấy những bất ổn về cung – cầu đang hiện hữu. Tuy nhiên, đây chỉ là tạm thời.
Nhiều người kỳ vọng, giá dầu xuống mức âm thì người tiêu dùng Việt Nam có thể đổ xăng đầy bình với giá 0 đồng. Song, điều đó khó xảy ra.
Ông Thịnh cho rằng, giá dầu chắc chắn sẽ hồi phục khi mà tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, các quốc gia bắt đầu rục rịch khôi phục các hoạt động kinh tế. “Tôi tin rằng trong tháng 5, tháng 6 tới, giá dầu sẽ tăng dần trở lại, lấy lại mốc 20 USD/thùng”, ông Thịnh nhận định.
Mặc dù tuyên bố sẽ tăng cường mua dầu dự trữ khi giá dầu giảm mạnh ngày 20/4, tổng thống Donal Trump vẫn đưa ra nhận định tình trạng sụt giảm giá dầu xuống mức kỷ lục trong ngày chỉ diễn ra trong ngắn hạn và xuất phát từ một “sự siết chặt tài chính”.
Trên thực tế, sự chênh lệch giữa giá dầu giao tháng Năm và tháng Sáu tại một thời điểm đã mở rộng đến 60,76 USD/thùng, mức chênh lệch lớn nhất trong lịch sử của hai hợp đồng dầu hàng tháng liền nhau. Điều này cho thấy, giá dầu giảm mạnh chỉ trong ngắn hạn.
Đánh giá tác động của giá dầu giảm trong bối cảnh hiện nay, ông Thịnh cho rằng không tác động quá lớn tới Việt Nam vì tình hình nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam trong quý I/2020 đã giảm, các kho dự trữ dầu của chúng ta hiện cũng đã lấp đầy.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu xăng dầu các loại trong quý 1/2020 giảm cả về lượng, kim ngạch và giá so với cùng kỳ năm 2019, đạt 1,84 triệu tấn, trị giá 980,13 triệu USD, giá trung bình 532,4 USD/tấn. Riêng tháng 3/2020 nhập khẩu 487.485 tấn xăng dầu, tương đương 200,38 triệu USD, giá trung bình 411,1 USD/tấn, giảm 18,7% về lượng, giảm 36,8% về kim ngạch và giảm 22,3% về giá so với tháng 2/2020; so với cùng tháng năm 2019 cũng giảm mạnh 46,3% về lượng, giảm 64,3% về kim ngạch và giảm 33,5% về giá.
Theo số liệu của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), hiện mức tồn kho xăng dầu trong nước đang ở mức trên 90%, có thể bảo đảm cho nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong vài tháng tới. Theo quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/11/2014, đến năm 2025, thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu và sản xuất xăng dầu phải bảo đảm ổn định mức dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu 30 ngày cung ứng, tính theo sản lượng tiêu thụ nội địa bình quân 1 ngày của năm trước liền kề.
Số liệu công bố của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng lượng nhập khẩu xăng dầu các loại trong 3 tháng đầu năm 2020 là khoảng 1,85 triệu tấn, chiếm tới 61,67% tổng nhu cầu tiêu thụ trong nước ở thời điểm hiện nay. Trong khi đó, hai nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn hiện sản lượng đáp ứng khoảng 70-80% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu nội địa (trong điều kiện tiêu thụ bình thường).
Trước đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đề nghị một số giải pháp, trong đó có việc tạm dừng nhập khẩu xăng dầu để giảm tình trạng tồn kho tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng đồng tình với việc tạm ngừng nhập khẩu dầu. Ông khẳng định một lần nữa, sự giảm giá mạnh của giá dầu thế giới chỉ trong ngắn hạn. Vì vậy, xét về lợi hại, chúng ta nên ưu tiên bảo vệ ngành sản xuất trong nước.