Món ăn này cứ đến ngày Tết Đoan Ngọ lại “cháy hàng”, ngày làm vài tạ cũng hết
Với giá từ 15-25 nghìn đồng/hộp nhỏ hoặc 60-100 nghìn đồng/kg, tuỳ loại, món ăn này xuất hiện khắp các khu chợ hay những hàng quán nhỏ trong ngày Tết Đoan Ngọ.
Để chuẩn bị cho mâm cúng Tết Đoan Ngọ, chị Phạm Thị Nga, trú tại Bắc Từ Liêm (Hà Nội) phải đi chợ sớm hơn mọi ngày để kịp giờ đi làm. Theo chị Nga, ngày này ngoài quả vải, mận, hoa thơm thì không thể thiếu cơm rượu nếp.
“Tết Đoan Ngọ vào ngày mùng 5/5 âm lịch, mọi người vẫn thường gọi là Tết diệt sâu bọ. Tôi nhớ, vào ngày này trước kia, trẻ con thì được nhuộm móng tay đỏ bằng lá móng, người lớn ăn cơm rượu, làm bánh nếp, tắm lá thảo mộc. Giờ thì đơn giản hơn nhưng mâm cúng vẫn không thể thiếu hoa quả và cơm rượu”, chị Nga nói.
Mâm cúng ngày Tết Đoan Ngọ tại Hà Nội không thể thiếu cơm rượu nếp.
Theo chị Nga, những ngày khác trong năm, ít khi chị nghĩ đến việc ăn cơm rượu nhưng cứ đến ngày này, năm nào chị cũng mua cả cân về cho cả nhà cùng ăn. Đi từ đầu chợ đến cuối chợ cũng thấy hàng chục người bán cơm rượu nếp vào ngày này, các ngày khác muốn mua cũng khó vì ít người bán.
Được coi là thủ phủ cơm rượu nếp ngày Tết Đoan Ngọ, những ngày này, hơn 400 hộ dân làng Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội) lại tất bật làm cơm rượu để bán ra khắp các khu chợ lớn nhỏ trên địa bàn Hà Nội ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch.
Cơm rượu nếp được ủ với men lá, bọc trong lá sen. (Ảnh: Minh Đức).
Có kinh nghiệm hàng chục năm nấu cơm rượu nếp, bà Khuê, trú tại làng Phú Thượng cho biết, để có cơm rượu bán ngày Tết Đoan Ngọ, gia đình bà phải nấu gần 2 tạ gạo nếp từ trước đó 3 ngày.
“Hạt gạo phải được chọn lựa kỹ, là gạo ngon, hạt to và đẹp. Trước khi mang đi đồ chín phải được ngâm với thời gian nhất định để hạt gạo vừa mềm, dẻo lại không bị chua. Đồ xong sẽ rải mỏng ra cho nguội rồi mới tiến hành ủ men”, bà Khuê nói.
Men để ủ rượu nếp cũng là loại men lá, tốt cho sức khoẻ, được xay nhuyễn và rây đều tay để cơm rượu được chín mà không bị vón cục. Lượng men rượu phải được ủ thật chính xác, không cẩn thận sẽ bị vón cục, chua hoặc đắng.
Vào ngày này, nhà bà Khuê cung cấp ra thị trường hơn 3 tạ cơm rượu nếp.
Cơm rượu được ủ bên trong lá sen, bên ngoài bọc nilon để giữ nhiệt. Mỗi mẻ cơm rượu nếp được ủ từ 2-3 ngày mới ra thành phẩm.
“Ngày thường thì nhà tôi và các hộ dân khác chỉ nấu xôi thôi nhưng đến dịp Tết Đoan Ngọ thì nhà nào cũng làm cơm rượu nếp. Làm món này vất vả hơn nấu xôi nhiều, phải làm ròng rã từ sáng sớm đến đêm muộn. Cả năm mới có một ngày nên phải cố. Nhà tôi năm nay làm khoảng 2 tạ gạo. Mỗi cân gạo nếp cho thành phẩm khoảng 1,5-1,7kg cơm rượu nếp”, bà Khuê nói.
Theo khảo sát của PV, sáng 10/6, ngay từ sáng sớm, mặc dù thời tiết Hà Nội có mưa nhưng tại các chợ dân sinh, cảnh mua bán vẫn hết sức tấp nập, nhộn nhịp trong ngày Tết Đoan Ngọ.
Cơm rượu nếp cẩm được bán theo từng hộp nhỏ với giá từ 20-25 nghìn đồng/hộp khoảng 200gr hoặc bán theo cân với giá từ 80-100 nghìn đồng/kg; Cơm rượu nếp cái hoa vàng được bán với giá 15-20 nghìn đồng/hộp hoặc 60-70 nghìn đồng/kg.
Ngoài ra, bánh gio có giá từ 10-12 nghìn đồng/chiếc, mận hậu được bán với giá từ 40-70 nghìn đồng/kg, vải thiều có giá từ 65-100 nghìn đồng/kg, măng cụt từ 50-60 nghìn đồng/kg, hoa cúc có giá 5-6 nghìn đồng/bông, hoa sen từ 90-120 nghìn đồng/bó 10 bông…
Các hãng xe tiếp tục tung ra những chính sách ưu đãi, khuyến mại từ vài chục tới cả trăm triệu đồng cho các mẫu xe trong bối cảnh nhu cầu mua xe mới của người dân sụt giảm.
Nguồn: [Link nguồn]