Lượng khách giảm 70%, tiểu thương chợ đầu mối tung hàng bán lẻ với giá buôn
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên thực phẩm ế ẩm, khó bán. Hàng chục tiểu thương chợ đầu mối mối phía tây Hà Nội chuyển sang bán lẻ để mong hết hàng.
Nằm trên trục đường QL 32 nay là đường Cầu Diễn, chợ đầu mối Minh Khai chủ yếu hoạt động về đêm, khoảng từ 23h đêm đến 6 giờ sáng ngày hôm sau. Hàng hóa chủ yếu của chợ là nông sản, thực phẩm, thủy hải sản và hoa tươi.
Mỗi ngày, hàng chục tấn thực phẩm được các nhà hàng, quán ăn, cửa hàng bán tiêu thụ khắp Hà Nội. Tất cả thực phẩm được tập kết lên các phương tiên vận tải như: ôtô, xe thồ, xe máy vận chuyển vào nội thành và các khu vực lân cận phân phối trước khi trời sáng. Mỗi đêm có hàng trăm, hàng ngàn chuyến xe giao thương.
Vắng khách mua buôn, chủ vựa nông sản phải bày bán la liệt các mặt hàng phục vụ khách lẻ với giá buôn.
Những năm trước, chỉ tầm 6 giờ sáng là các thương lái bán hết hàng, dọn quầy đi về. Thế nhưng, gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh, hàng loạt nhà hàng đóng cửa, hàng ngàn sinh viên, học sinh được nghỉ học dẫn đến tình trạng hàng hóa ứ đọng, khó tiêu thụ.
Hàng hóa thực phẩm bán tại đây tiêu thụ chậm khiến cho nhiều tiểu thương trong chợ phải kéo dài thời gian bán hàng và chuyển dần từ hình thức bán buôn sang bán lẻ. "Cảnh buôn bán tấp lập không còn nhiều, thay vì cân một lúc 10-15kg thịt như trước thì nay số lượng người lấy nhiều như vậy giảm hẳn, chỉ còn cân được 1-2 lạng cho khách lẻ", anh Tuyền ở chợ Phùng Khoang than thở.
Từ các loại rau đến các loại gia vị, hành tỏi được bán lẻ với giá cực rẻ.
Chị Hoa, chủ sạp hàng rau củ quả lớn ngay cổng chợ Minh Khai, cho biết lượng tiêu thụ giảm đi quá nửa, hàng không xuất đi được nên chị phải ngồi đây bán lẻ. “Quá nhiều mặt hàng, nhiều loại giá nên chúng tôi ghi sẵn giá lên tờ bìa, cắm vào từng loại cho mọi người dễ mua. Trước đây, tôi bán ít nhất mỗi loại 10kg, nhưng giờ vài lạng cũng phải bán, được đồng nào hay đồng ấy. Có hôm 11-12 giờ trưa không còn khách nào mà hàng vẫn chất mênh mông, xót ruột lắm nhưng biết làm sao”, chị Hoa chia sẻ.
Theo quan sát, mỗi bán rau của quả như chị Hoa có đến vài chục mặt hàng bán với giá rất rẻ, chỉ bằng ½ giá các hàng rau củ quả bán lẻ cho người dân tại các chợ truyền thống khác. Ví dụ như susu 5.000đ/kg; cải bắp 6.000đ/kg; cải thảo 8.000đ/kg; cà rốt 6.000đ/kg; hành tây 10.000đ/kg; bí đỏ 7.000đ/kg; bí xanh 8.000đ/kg, bầu 5.000đ/kg; khoai tây 10.000đ/kg… Các loại gia vị cũng rất rẻ, hành khô 25.000đ/kg; tỏi khô 35.000đ/kg; quất 10.000đ/kg; sả 8.000đ/kg; nghệ 15.000đ/kg; tỏi bóc sẵn 45.000đ/kg…
Rau cải thảo chất từng đống, tươi non giá chỉ có 8.000đ/kg.
Anh Khoa - một người chuyên bán rau su su - cho biết những tháng trước mỗi ngày anh bán được trên 2 tạ, chuyên đổ buôn cho nhà hàng và sạp bán rau củ quả, nhưng khoảng một tháng trở lại đây, khách vắng chưa từng thấy. “Có 1 tạ rau thôi mà bán 2-3 ngày không hết, giá chỉ 4.000đ/kg vẫn chỉ có lác đác người mua. 11h trưa rồi tôi để chục cân cải thảo ở đây nhờ bác bán trứng bên cạnh xem ai mua thì bán giúp, không thì bỏ đi vì hàng lấy từ 2-3 ngày rồi, để qua đêm nữa cũng hỏng hết”, anh Khoa nói.
Bác Hoa (Mỹ Đình, Hà Nội) cho biết ngày trước muốn mua được rẻ thì phải mua nhiều họ mới bán, lại phải đi thật sớm nếu không chợ tan mất, nhưng giờ cứ thong thả đi cũng không sao. “Trước mà hỏi mua dưới 5kg là họ khó chịu, không tiếp. Giờ mua lẻ một mớ rau xanh, vài quả cà chua, một lạng hành, một khúc cá ... hay nhiều thực phẩm khác họ vẫn vui vẻ”, bác Hoa cho biết.
Khoai tây ta chất từng đống với giá 10.000đ/kg.
Cũng theo bác Hoa, chịu khó đi xa một chút nhưng bác có thể lựa chọn thoải mái, đa dạng các mặt hàng rau củ quả mà giá chỉ bằng một nửa, thậm chí bằng một phần ba giá bán lẻ tại các sạp bán rau củ gần nhà.
“Gần nhà tôi họ bán 70.000đ/kg hành khô, nhưng mua ở chợ đầu mối cả cân có 25.000đ, mà là hành ta nhé. Các loại cá cũng tươi ngon mà rẻ. Nếu như cá chép tôi mua ở chợ gần nhà khoảng 70.000đ/kg thì ở đây chỉ khoảng 45-50.000đ/kg. Hay như trứng vịt, ở đây bán có 22.000đ/10 quả, gần nhà tôi phải 30.000 đồng”, bác Hoa hào hứng khoe.
Hàng trứng gà, trứng vịt các loại cũng vắng khách mua.
Theo các tiểu thương tại các chợ, dạo trước thực phẩm bán buôn là chủ yếu, trường hợp bán lẻ chỉ có hàng tồn đã được người mua loại ra chiếm chưa đến 1/10 lượng hàng lấy về. Giờ hàng không tồn, không loại cũng phải bán lẻ với số lượng lớn. Mặt khác, rau xanh và các thực phẩm như thịt lợn, thịt gà, thủy hải sản là những mặt hàng chỉ tiêu dùng trong ngày không thể để tồn sang ngày khác. Chính vì điều này nên các chợ đầu mối ở Hà Nội sau khi bán buôn không hết hàng đã phải đồng loạt chuyển sang hình thức bán lẻ cho người tiêu dùng.
Trước chỉ đạo thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại các nơi công cộng có tập trung đông người từ ngày 16/3 của...
Nguồn: [Link nguồn]