Lan đột biến tiền tỷ được rao bán rẻ như rau muống, người trong cuộc nói gì?
Những chậu hoa lan đột biến từng có giá lên đến hàng tỷ đồng nay được rao bán khắp nơi trên chợ mạng, thậm chí là bày ra vỉa hè với giá chỉ từ 20-30 nghìn đồng/chậu khiến nhiều người bất ngờ.
Từng tạo nên cơn sốt vào năm 2020, những cái tên như 5 cánh trắng Phú Thọ, Bạch Tuyết, Minh Châu, Yên Thủy, Bảo Duy… đã trở nên “hot” bao giờ hết khi những chậu lan đột biến này được giao dịch lên tới vài tỷ cho đến vài chục tỷ đồng.
Trong cơn “ngáo giá” của hoa lan, nhiều thương vụ mua bán, trao đổi, đấu giá tiền tỷ diễn ra sôi nổi khắp cả nước. Đặc biệt hơn, những chậu lan chưa ra hoa, mới chỉ là những mầm mới lên được định giá lên đến hàng tỷ đồng cho mỗi cm.
Mầm lan từng được đấu giá thành công với số tiền 15 tỷ đồng vào năm 2020.
Tuy nhiên, sau hơn 2 năm, những cái tên như Hiển Oanh, Phú Thọ, Bảo Duy, Bạch Tuyết… bỗng được rao bán với giá rẻ hơn rau muống. Thậm chí, trên các chợ online hay các sàn thương mại điện tử, hàng ngày có cả trăm người livestream quảng cáo bán lan với giá chỉ từ vài chục nghìn/chậu.
Thậm chí, vài ngày gần đây, hình ảnh rao bán những chậu hoa lan đột biến 5 cánh trắng Phú Thọ và 5 cánh trắng Hiển Oanh với giá chỉ 50-100 nghìn đồng tại lề đường ngã tư Công viên Cầu Trắng, quận Bình Tân (TP. Hồ Chí Minh) khiến nhiều người bất ngờ.
Lan đột biến được rao bán với giá rẻ như rau tại quận Bình Tân vừa qua.
Tương tự, hình ảnh những nhà vườn rao bán lan đột biến với đầy đủ các chủng loại, màu sắc, giá chỉ từ vài chục nghìn đồng/chậu không còn mấy xa lạ trên các diễn đàn và trên chợ mạng.
“Các anh chị mua lan về chơi đi, em bán combo 4 chậu lan gồm 01 chậu lan phi điệp 5 cánh trắng Bạch Tuyết, 01 chậu 5 cánh trắng Phú Thọ; 01 phi điệp hồng Minh Châu, 01 phi điệp hồng Yên Thủy, bao nở Tết, bao ship cho mọi người. Nếu cân lên, 04 chậu này phải 1,5kg mà em chỉ bán 198 nghìn đồng”, một người bán lan tên V. rao trên chợ mạng.
Trong cơn sốt giá, những giao dịch tiền tỷ được diễn ra công khai khiến nhiều người không khỏi bất ngờ với số tiền lớn để chi trả mua 1 chậu lan mới mọc mầm.
Chỉ vào chậu lan 5 cánh trắng Bạch Tuyết, anh V. chia sẻ, anh mua chậu lan này lúc đỉnh với giá 1,5 tỷ đồng. Khi đó, chậu lan này gồm 1 thân và 1 nhánh, chưa có hoa. Mỗi cm được anh mua với giá 100 triệu đồng.
Nghĩ rằng nếu mua về, chăm sóc tốt và tách kie, nhân giống ra nhiều chậu khác, thế nào cũng ăn lãi gấp đôi nên anh V. quyết định đầu tư hàng chục loại lan đột biến với trị giá vài chục tỷ đồng khác.
“Cả 2 nhành lan khi ấy là 17-18cm nhưng tôi được bớt, chỉ còn phải trả 1,5 tỷ đồng. Bây giờ, sau 2 năm, chậu lan ra được 7 cành, mỗi cành từ 20-30cm. Nếu giữ giá thì tôi có vài chục tỷ nhưng hiện tại bán cả chậu không được 20 triệu đồng”, anh V. nói.
Mặt hoa lan có giá hàng chục tỷ đồng gây "sốt" một thời.
Cũng “tất tay” vào mua chậu lan 4 tỷ đồng vào tháng 7/2020, ông H., người chơi lan tại Hoà Bình cho biết, ông đã chứng kiến trực tiếp hàng chục cuộc mua bán, trao đổi. Người chơi lan chi hàng chục tỷ đồng để sở hữu những kie lan vài cm, tiền chất thành đống trong mỗi cuộc giao dịch.
“Thấy nhiều người giàu lên nhanh chóng nhờ xuống tiền chơi lan, tôi cũng mua 2 cây lan Bạch Tuyết và Á Hậu với giá 4 tỷ đồng nhưng không ngờ giá cứ thế xuống. Sau vài tháng, có người trả tôi 2 tỷ đồng nhưng tiếc tiền không bán, giờ thì để ngắm chơi chứ không ai mua nữa”, ông H. nói.
Những chậu lan tiền tỷ giờ mất giá, được rao bán rẻ như rau.
Là người chơi lan hơn 20 năm tại Hà Nội, anh Hoàng Hiếu, trú tại Đống Đa cho biết, những người thua lỗ trong việc đầu tư lan đột biến rất nhiều nhưng toàn bộ đều là người đầu cơ, lướt sóng, mang lan ra để đầu tư kinh doanh chứ không có niềm đam mê chơi thật sự.
“Những người có niềm đam mê với lan họ vẫn chơi bình thường, dù giá xuống hay giá lên họ cũng không bận tâm vì với họ, lan không phải hàng hoá. Như tôi hiện tại vẫn đi tìm mua những cây và mặt hoa mà mình chưa có vì tội gì giá rẻ mà mình không mua để chơi”, anh Hiếu nói.
Anh Hiếu chỉ ra những kie lan có giá trị mà mình sưu tầm được.
Ngoài ra, theo anh Hiếu, những người chi tiền tỷ vào đầu tư, kinh doanh họ không am hiểu về cây lan đó và không am hiểu thị trường dẫn đến thua lỗ. Khi thua lỗ quá nhiều thì họ chấp nhận “giải tán” để chuyển đổi sang kinh doanh mặt hàng khác.
“Làm gì cũng vậy, lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng lớn. Đặc biệt là đối với “tay mơ” mang tiền tỷ đi đầu tư thì thua lỗ là chuyện bình thường. Còn đối với những người chơi lan chân chính, để tìm được một mặt hoa thật sự đẹp để được gọi là “đột biến” là rất vất vả, mất trăm ngàn khó khăn chứ không phải dễ dàng nên dù có xuống giá đến đâu họ vẫn giữ, không bán”, anh Hiếu khẳng định
Không chỉ cần sự nhanh nhẹn, khéo léo những người đi bắt cua đá núi còn cần phải có “tuyệt chiêu” riêng để dụ được nhiều cua ra khỏi hang nhất.
Nguồn: [Link nguồn]