Hàng Tết và ẩn số giá thịt heo
Tết Canh Tý 2020 năm nay sẽ đến sớm, vì vậy, nhiều doanh nghiệp tại TPHCM đã khẩn trương chuẩn bị hàng tết từ rất sớm. Tuy nhiên, dịch bệnh khiến nguồn cung thịt lợn bị tác động mạnh và giá thịt lợn vẫn là “ẩn số” có thể tác động đến mặt bằng giá cả hàng tết.
Sản phẩm tết đã bắt đầu bung hàng, dự báo giá sẽ cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng thấp thỏm (ảnh tại một đơn vị sản xuất chả lụa tại TPHCM).
Ngày 29/11, công ty CP Sài Gòn Food khởi động tết sớm với nhiều sản phẩm mới lạ như hộp quà tặng bánh chưng được làm từ nếp cái hoa vàng, chả mực, nhóm sản phẩm tiệc như lẩu tết, cháo dinh dưỡng 7 ngày… Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Sài Gòn Food cho hay, công ty khởi động mùa tết sớm với hơn 2.000 tấn thành phẩm, tăng hơn 33% so với tết 2019 với mục tiêu tăng trưởng 25% cho thị trường nội địa trong mùa tết này. Đơn vị này cam kết không tăng giá sản phẩm.
Công ty Vissan cũng chuẩn bị trên 7.500 tấn hàng hóa trị giá 800 tỷ đồng, gồm 2.500 tấn thịt tươi sống heo, bò (tăng 5% so với cùng kỳ), 5.000 tấn thực phẩm chế biến (tăng 17% so với năm trước). Đại diện đơn vị này cho hay đã chuẩn bị nguồn hàng ngay từ tháng 6, đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường trước, trong và sau tết với nguồn hàng chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và giá cả ổn định. Công ty CP Ba dự kiến, lượng hàng cung ứng cho thị trường tết tăng 10-20% so với Tết năm ngoái.
Tại một số chợ sỉ như Bình Tây, An Đông…, không khí mua bán những ngày cuối tháng 11 đã bắt đầu sôi động hơn. Bà Lê Thị Hương (kinh doanh bánh mứt, tạp hóa tại chợ Bình Tây) nói: “Đã thành truyền thống, mỗi năm đến đầu tháng 11 âm lịch, sạp hàng gia vị, hàng khô các loại được xếp gọn, nhường chỗ cho bánh kẹo. Giá bán nhiều loại bánh kẹo không biến động nhiều so với mọi ngày, song theo thường lệ, từ nửa sau tháng chạp giá có thể nhích nhẹ”. Tại các chợ đầu mối Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn, lượng hàng hóa nhập chợ bình quân trên 9.000 tấn/ngày, chủ yếu là các mặt hàng nông sản, rau củ quả, thịt gia súc, thủy hải sản. Vào thời điểm cận tết, dự kiến lượng hàng về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 15.000-16.000 tấn/ngày.
Ngành Công Thương TPHCM dự báo, thành phố có nhu cầu 45 triệu lít bia và 50 triệu lít nước giải khát/tháng tết, tăng khoảng 30% so với tháng thường. Nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng bánh, mứt, kẹo khoảng 19.000 tấn.
Ẩn số thịt heo
Mặc dù các DN đã có nguồn hàng dồi dào, sẵn sàng cho ngày hội bung hàng tết, thế nhưng không ít đơn vị vẫn lo lắng sức mua. Lý do là năm nào hàng tết năm sau cũng nhiều hơn năm trước, trong khi sức mua lại không tăng bao nhiêu. Nhất là trong thời điểm hiện nay, nhiều mặt hàng “té giá theo heo”, khiến người tiêu dùng càng thắt chặt hầu bao. Điều này dẫn đến mãi lực của thị trường hàng tết dự báo đạt thấp.
“Ẩn số thịt heo” vẫn khó đoán dịp tết năm nay. Dù các DN tại TPHCM cam kết không để thiếu hàng, thế nhưng giá heo liên tục lập đỉnh thời gian gần đây, từ 100.000-250.000 đồng đồng/kg khiến bà nội trợ không dám mua thịt về chế biến. Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng Giám đốc Vissan cho rằng khó có thể dự đoán giá thịt heo trong dịp tết này, bởi tùy thuộc vào cung cầu và một số yếu tố khách quan tác động. Từ nay đến tết, giá mặt hàng này chắc chắn sẽ tăng. Tuy nhiên, trước mắt, nguồn cung vẫn đủ cho tiêu thụ nội địa.
“Thói quen tiêu dùng đã thay đổi, tiêu thụ thịt heo chỉ tăng mạnh trong 2 ngày 28 và 29 tết, có thể gấp đôi ngày thường. Vissan đã ký hợp đồng với các nhà cung cấp lớn, cam kết đủ lượng hàng cho thị trường gồm 1.200-1.500 con heo cho ngày thường và gấp đôi số đó cho những ngày cao điểm tết. Bên cạnh đó, phương án nhập khẩu thịt heo trong trường hợp khẩn cấp cũng được chuẩn bị kỹ. Vissan đã chuẩn bị các sản phẩm thịt heo đông lạnh, đóng gói trọng lượng 1-2 kg để đáp ứng thị trường khi giá thịt heo biến động, nhằm giúp người có thu nhập thấp vẫn có thể mua được thịt heo ăn tết” - ông Phú nói.
Theo nhận định của các DN chủ lực, thị trường hàng hóa tết sắp đến sẽ có nhiều khác biệt so với tết năm ngoái là mặt hàng thịt heo, vì dịch tả heo châu Phi làm giảm nguồn cung và hiện tại giá đang ở mức cao. Bà Nguyễn Mậu Phương Quỳnh, Phó trưởng Phòng Quản lý giá Sở Tài chính TPHCM cho biết, song song với công tác chuẩn bị nguồn hàng tết, hiện các sở ngành chức năng đang vận động DN đăng ký giá bán hàng tết. Sau đó, Sở sẽ tiến hành kiểm tra và rà soát lại giá bán bình ổn thị trường theo nguyên tắc xác định đầy đủ, chính xác cơ cấu tính giá theo các yếu tố hình thành giá.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM dự báo giá cả hầu hết các nhóm hàng thiết yếu tiếp tục ổn định, khó xảy ra tình trạng biến động về giá, đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường và an sinh xã hội.
Theo Sở Công Thương TPHCM, để phục vụ cho 2 tháng tết Canh Tý 2020, các doanh nghiệp đã chuẩn bị hơn 19.027 tỷ đồng hàng hóa, tăng gần 603 tỷ đồng (3%) so với tết Kỷ Hợi 2019. Nhiều nhóm hàng có sự chuẩn bị lượng lớn, chi phối từ 20-53% nhu cầu thị trường như thịt gia cầm (53%), trứng gia cầm (49%), thực phẩm chế biến (28%), thịt gia súc (21%), dầu ăn (27%), gạo (31%)... |
Không chỉ thịt heo mà thịt bò, cá, tôm… cũng rủ nhau tăng giá dù chưa bước vào mùa cao điểm mua sắm cuối năm.
Nguồn: [Link nguồn]