Giật mình tôm hùm siêu rẻ tràn lan: Sự thật bất ngờ
Thời gian gần đây, tôm hùm được rao bán tràn lan trên chợ mạng với giá rẻ chưa từng có nhằm “giải cứu” người nuôi tôm hùm. Tuy nhiên, cơn sốt giải cứu đã khiến nhiều người bị lừa đẹp bởi các chiêu bẩn khi mua bán online.
Anh Duy Tuấn (trú tại TP. HCM) cho biết nhà hàng hải sản hay mua đóng cửa để phòng dịch Covid-19 nên lên mạng xã hội tìm hàng bán online để mua tôm hùm.
“Trước khi mua tôi cũng cẩn thận tìm hiểu và tin tưởng vì họ có page bán hàng, quay video đầy đủ và giá hợp lý. Sau khi thỏa thuận giá cả, tôi chọn mua 5 con tôm hùm ngộp, nặng 2,1kg với giá 430.000 đồng/kg. Khi nhận tôm, trả tiền rồi mang lên hấp thì ngửi thấy mùi thum thủm. Kiểm tra 5 con thì 4 con thối um, nồng nặc mùi hôi, thịt tôm bột bột rất kinh khủng, không thể nào ăn được. Liên hệ với người bán thì họ bảo do tôm ngộp nên chỉ có thế, nhận hàng nấu lên rồi họ không chịu trách nhiệm”, anh Tuấn bức xúc.
Nhiều người quảng cáo bán tôm hùm ngất nhưng khách hàng mua về ăn thì bị thối hoặc kém chất lượng không thể nuốt nổi.
Theo anh Tuấn, tốt nhất người tiêu dùng nên mua tôm tươi sống, tránh gặp phải trường hợp như mình. “Với giá hiện tại, tôm sống size 2-3 con/kg chỉ từ 600.000 đồng/kg, chênh lệch 170.000 đồng/kg so với giá tôm ngộp nhưng ăn ngon, thịt chắc và thơm. Tôm ngộp chỉ nên mua của cửa hàng uy tín, người bán quen biết chứ mua online rất nguy hiểm vì họ nói một đằng, giao hàng một nẻo, khi người mua bị lừa thì không biết bắt đền bằng cách nào, đành ngậm quả đắng”, anh Tuấn nói.
Không những bán tôm kém chất lượng, nhiều “gian thương” còn bơm tạp chất để tăng trọng lượng của tôm hùm nhằm kiếm lời lớn. Người tiêu dùng ham rẻ, mua về chế biến mới phát hiện ra trong con tôm có chứa rất nhiều chất nhầy giống như thạch rau câu màu trắng đục.
Đánh vào phân khúc khách hàng bình dân, nhiều người đăng bán tôm hùm chỉ 35.000 đồng và 50.000 đồng/con thu hút hàng trăm lượt quan tâm, tuy nhiên khi hỏi thì được biết họ đang bán với giá “cắt cổ”.
Đăng ảnh chụp tôm hùm loại 2-3 con/kg nhưng mua về là loại 12-14 con/kg đông lạnh.
Chị Phạm Thị Cúc (trú tại Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết thấy bài đăng trên nhóm chợ online gần nhà bán tôm hùm chỉ 35.000 đồng/kg, tò mò nên chị gọi điện hỏi thì được biết đó là tôm hùm baby đông lạnh.
“Họ chụp ảnh con tôm loại 2-3 con/kg rồi đăng giá bán 35.000 đồng/con nhưng không ghi loại bao nhiêu 1kg. Tôi nhìn thấy con tôm to tướng, giá lại quá rẻ nên tò mò đặt ăn thử. Khi hỏi mỗi cân được bao nhiêu con thì họ mới nói thật là 12-14 con/kg, loại 9-10 con/kg thì bán với giá 50.000 đồng/con”, chị Cúc nói.
Nghĩ là rẻ nhưng khi nhân giá lên thì người mua sẽ phải trả 490.000 đồng cho 1kg tôm hùm đông lạnh. “Gần nhà nên tôi cũng mua 140.000 đồng/4 con về ăn thử nhưng con tôm thì bé xíu, hấp lên bóc ăn toàn vỏ là vỏ, thịt rất nhạt, không ngon bằng tôm sú, tôm thẻ mọi khi tôi vẫn ăn”, chị Cúc chia sẻ.
Đặt mua 10 con tôm hùm size 0,5kg/con với giá 600.000 đồng/kg trên chợ mạng, chị Bùi Mai (trú tại Na Rì, Bắc Kạn) ôm cục tức vì “tiền mất tật mang”.
Theo chị Mai, do cần mua tôm nên chị đăng bài lên nhóm chuyên bán đồ hải sản và nhận được tin nhắn mời chào của rất nhiều người bán tôm hùm. “Trong số những người chủ động nhắn tin báo giá tôm hùm cho tôi thì một tài khoản tên là Hoài Phương báo giá rẻ nhất, chỉ 600.000 đồng/kg, nặng 5kg. Để tạo sự tin tưởng, Phương còn gửi cả chứng minh thư cho tôi xem, nói rằng bạn ấy có cửa hàng rất to, nếu đi hỏi trong nhóm buôn hải sản thì cả nhóm đều biết…”.
Sau khi thỏa thuận và trao đổi xong, chị Mai cho địa chỉ nhà, số điện thoại, ngay lập tức Phương chụp ảnh 5kg tôm lên và nói đã đóng hàng xong và cho chị Mai số điện thoại của nhà xe tên là Hùng Anh, có chạy qua Na Rì.
“Tôi gọi theo số điện thoại nhà xe của Phương cho thì họ nói xe họ có chạy qua địa chỉ nhà tôi nên thêm tin tưởng và chuyển đầy đủ 3 triệu cho số tài khoản mang tên Nguyễn Thanh Thư do Phương cung cấp. Không ngờ khi chuyển xong thì cả số điện thoại của người bán tôm hùm lẫn nhà xe Hùng Anh đều không liên lạc được, tài khoản trên mạng xã hội mang tên Hoài Phương cũng chặn tôi ngay sau đó”.
Không những lừa tiền của người mua, nhóm đối tượng này còn lừa đảo cả người bán hải sản lẫn shipper giao hàng.
Bực mình vì “tiền mất tật mang”, chị Mai đăng bài “bóc phốt” lên nhóm bán hải sản thì nhận được phản hồi của hàng loạt người tiêu dùng khác đã bị lừa giống hệt mình. Người bị lừa vài trăm, người bị lừa vài triệu đồng, thậm chí cả shipper lẫn chủ cửa hàng hải sản cũng bị lừa tiền qua việc mua bán tôm hùm.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, dịch vụ bán hàng online trên các trang mạng xã hội đang tăng trưởng nóng. Mặc dù hoạt động này thuận tiện cho người tiêu dùng, song cũng đã xảy ra nhiều vụ rao hàng một đằng, nhưng chất lượng một nẻo.
Cách tốt nhất để tránh lừa đảo là chọn mua tôm hùm đang sống, mua tại nơi đã quen biết và không trả tiền trước khi nhận hàng hóa.
Để hạn chế bị lừa đảo trong quá trình mua sắm online, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người dân nên cẩn trọng kiểm tra kỹ hàng hóa, dịch vụ và cơ sở bán hàng trước khi thực hiện giao dịch. Khi nhận hàng cũng phải kiểm tra kỹ trước khi thanh toán tiền, tuyệt đối không trả tiền hoặc không biết rõ người bán và uy tín của họ trước khi nhận hàng hóa. Khi nghi ngờ bị lừa đảo, người dân có thể trình báo sự việc với cơ quan công an để được xem xét giải quyết theo quy định pháp luật.
Covid-19 tác động mạnh mẽ tới hoạt động giao thương. Hàng hóa xuất khẩu bị chậm lại khiến hàng loạt mặt hàng bị...
Nguồn: [Link nguồn]