Giá xăng tăng sốc 7 lần, giảm nhỏ giọt: Giảm thuế 2.000 đồng có bớt sức nóng?
Kể từ 1/4 đến 31/12 tới đây, mỗi lít xăng dự kiến giảm tương ứng 2.200 đồng (gồm VAT) và giá dầu cũng được điều chỉnh 1.100 đồng. Với việc thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu được điều chỉnh giảm mạnh, người dân và doanh nghiệp kỳ vọng giá xăng dầu trong thời gian tới sẽ bớt căng thẳng.
Giá xăng trong nước đã tăng 7 lần từ đầu năm trước khi điều chỉnh giảm nhẹ hôm 21/3 vừa qua
Giá xăng tăng liên tiếp 7 lần - người dân oằn mình, cuộc sống đảo lộn
Từ đầu năm 2022 đến nay giá xăng dầu trong nước đã tăng liên tiếp 7 lần với tổng cộng khoảng 6.500 đồng/lít, đặc biệt mới đây đã tăng tới gần 3.000 đồng/lít trong kỳ điều hành ngày 11/3.
Tuy vậy, khi giá dầu thế giới có biến động sụt giảm, giá xăng trong nước lại chỉ giảm nhẹ hơn 600 đồng/lít trong kỳ điều hành ngày 21/3. Mức giảm này không được như kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp khi thời gian qua giá cả nhiều mặt hàng liên tục leo thang theo giá xăng.
“Khi giá xăng lên thì các loại thực phẩm cũng rục rịch lên giá. Trong khi giá cả lại leo thang thì mấy năm nay thu nhập vẫn dậm chân một chỗ”... Anh Phạm Văn Thủy (quê Thái Bình)
Anh Phạm Văn Thủy (quê Thái Bình) và anh Trần Văn Hùng (quê Sơn La) hai công nhân một công ty tư nhân tại quận Bắc Từ Liêm chia sẻ, từ thời điểm trước Tết Nguyên đán, khi giá xăng lên thì các loại thực phẩm cũng rục rịch lên giá. Trong khi mấy năm nay thu nhập vẫn dậm chân một chỗ thì giá cả lại leo thang nên mấy anh em phải cân nhắc lại chi phí sinh hoạt hàng ngày.
"Bình thường đi chợ, nhóm 3 anh em ở cùng nhau chỉ cần 80-100 nghìn đồng/ngày là đã đủ ăn, nay tôi phải bỏ ra chi phí khoảng 130-150 nghìn đồng/ngày mới đủ chi tiêu mua sắm thực phẩm hàng ngày".
Nhiều gia đình buộc phải thắt chặt chi tiêu bởi giá xăng liên tục tăng thời gian qua
Chị Nguyễn Thanh Tâm (quê Nam Định) thuê nhà ở khu vực Cầu Giấy thừa nhận cũng thực sự mệt mỏi khi cuộc sống hai năm qua chỉ xoay quanh dịch bệnh. Giờ lại thêm áp lực từ bão giá khiến cuộc sống của những lao động tự do như chị ngày càng khó khăn.
Chị Tâm chia sẻ, nhiều hôm đi chợ, ra đường cứ như là bị mất trộm. Đổ xong một bình xăng xe số cũng hết 100 nghìn, tiền mua thức ăn cả ngày cho 2 vợ chồng cũng từng đó tiền. Trong khi giá gas đã tăng lên 100 nghìn/bình so với trước Tết. Chưa kể các loại dầu ăn hay nước mắm cũng lên giá. “Cuộc sống thật không đơn giản chút nào”, chị Tâm thở dài.
Tương tự ở phía nam, đã một tháng nay, anh Nguyễn Vũ Khang Huy (30 tuổi, nhà ở quận 1) tạm cất xe máy chuyển sang đi buýt để đến nơi làm việc. "Xăng tăng là lý do khiến tôi quyết định chuyển sang đi xe buýt, tuy có mất thời gian hơn một chút nhưng tiết kiệm. Nếu đi xe buýt với giá cả lượt đi - lượt về là 12.000 đồng/ngày tức một tuần tôi mất 72.000 đồng. Còn nếu đi xe máy tôi phải mất hơn 100.000 đồng tiền xăng và tốn công lái xe" - anh Huy tính toán.
Tương tự chị Nguyễn Thị Huyền Trân, vừa mới tốt nghiệp Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết cuộc sống đã không còn thoải mái như trước đây.
Trân kể cuộc sống trở nên khó khăn hơn khi cứ 2 ngày/lần lại phải chi khoảng 80.000 đồng đổ xăng để đi làm dù trước kia chỉ cần đổ 50.000 đồng đã đầy bình. Trong khi chỗ ở của cô cách nơi làm việc khoảng 20 km.
“Không những xăng mà nhu yếu phẩm, hàng quán ăn uống cũng tăng giá khiến cuộc sống của sinh viên mới ra trường như tôi gặp nhiều vấn đề. Xăng tăng giá nhưng đoạn đường đi làm vẫn vậy, vẫn phải đi chợ, đi mua đồ ăn… cho nên, nếu giá xăng còn tiếp tục tăng, cuộc sống của mình chắc chắn sẽ bị đảo lộn hơn nhiều”, Trân nói thêm.
Doanh nghiệp vận tải cũng "méo mặt", lo ngại phá sản
Không chỉ những người lao động, dân văn phòng khó khăn, thời gian qua những doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải cũng đang méo mặt bởi giá xăng liên tục leo thang.
Nhà xe Hùng Kiên ở tỉnh Đắk Nông chuyên chạy chuyến cố định Đắk Nông - Hà Tĩnh đã rơi vào cảnh ảm đạm, liên tục bị thua lỗ bởi dịch bệnh diễn biến phức tạp kết hợp với xăng dầu liên tục tăng giá.
“Chuyến nào nhiều được 20 khách, có chuyển chỉ có 10 khách trong khi mức giá vé vẫn đang áp dụng như nhiều năm trước. Thua lỗ, nhưng vẫn phải chạy để giữ chỗ”... ông Trần Đức Mạnh.
Chia sẻ về hoạt động của nhà xe, ông Trần Đức Mạnh cho biết, trung bình mỗi chuyến xe từ Đắk Nông ra Hà Tĩnh và ngược lại nhà xe tốn khoảng 30 triệu đồng chi phí như: Xăng xe, tiền ăn uống, tiền công cho tài xế, phụ xe, tiền thu phí...
Tuy nhiên, thời gian qua, do dịch bệnh, lượng khách hàng không ổn định. Chuyến nào nhiều được 20 khách, có chuyển chỉ được 10 khách với mức giá vé vẫn đang áp dụng như nhiều năm trước.
"Giá xăng tăng cao, khách hàng thì ngày một ít đi nên doanh nghiệp vận tải chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí thua lỗ. Tuy nhiên, do đăng ký hoạt động chạy theo tuyến cố định và tạo dựng thương hiệu từ nhiều năm nay nên doanh nghiệp vẫn cố gắng cầm cự để hoạt động.
Nếu sắp tới tình hình ngành vận tải không có gì sáng sủa, đơn vị sẽ tính kế hoạch tạm dừng hoạt động hoặc xin tăng giá vé ở mức phù hợp" - ông Mạnh cho hay.
Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải gặp khó vì giá xăng liên tục tăng giá
Vì giá vé xe tăng nên lượng khách đã “hẻo”, nay lại “hẻo” hơn. Ông Hà Văn Khởi, Quản lý Nhà xe Tuấn Hiệp (Chi nhánh Cà Mau) cho hay, hiện tại nhà xe có khoảng 40 chiếc xe ôtô chạy tuyến cố định và xe buýt, nhưng chỉ đưa vào hoạt động có 6 tài/ngày. Nguyên nhân chính là có xe, nhưng không có khách đi thì biết phải làm sao, nhà xe vẫn cố chạy để duy trì hoạt động tuyến.
Ông Khởi chia sẻ: “Vừa qua, do giá xăng dầu tăng cao, nhà xe có tờ trình xin tăng giá vé tuyến cố định thêm 10% (đối với tuyến Cà Mau - Vũng Tàu có giá vé khoảng hơn 270.000 đồng/vé) và đã được ngành chức năng chấp thuận.
Việc tăng giá vé là để bù vào chi phí chung cho 1 chuyến xe đi chứ nhà xe cũng không có lời gì, khách ở bến đi còn đỡ hơn, còn khách về hầu như rất ít, thậm chí có tài chạy về xe trống”, ông Khởi chia sẻ.
Theo ông Khởi, lượng khách đi lại năm nay không nhiều, lúc dịch bệnh khó khăn người dân ở nhà không đi làm, hiện tại đã có chỗ làm ổn định lại không có nhu cầu đi về.
“Giá xăng dầu hiện nay đang ở mức cao nhất trong 8 năm qua, cộng với ảnh hưởng của Covid-19, nhiều doanh nghiệp vận tải đang đứng trên bờ vực phá sản” – Ông Đỗ Văn Bằng - Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (chủ sở hữu nhà xe Sao Việt)
Ông Đỗ Văn Bằng - Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (chủ sở hữu nhà xe Sao Việt) cho biết, chi phí nhiên liệu chiếm tới 40-50% là nỗi lo rất lớn của các doanh nghiệp vận tải nên việc giá xăng dầu liên tục tăng mạnh trong thời gian qua đã khiến cho nhiều doanh nghiệp thật sự khốn đốn.
“Vừa rồi, giá dầu tăng lên hơn 22.000 đồng/lít, doanh nghiệp tôi cũng định làm Tờ trình để xin tăng giá vé từ 10 – 15% để bù vào tiền xăng dầu, nhưng lượng khách đi lại ít, nếu tăng giá vé thì cũng rất khó khăn. Để giữ khách, chúng tôi chỉ đưa vào hoạt động 2 tài/ngày”, vị này cho hay.
Tuy nhiên, điều khiến ông Bằng và nhiều chủ doanh nghiệp vận tải lo lắng nhất lúc này là nếu giá xăng dầu tiếp tục leo cao thì chỉ trong một thời gian ngắn nữa sẽ không thể cầm cự được.
“Giá xăng dầu hiện nay đang ở mức cao nhất trong 8 năm qua, cộng với ảnh hưởng của Covid-19, nhiều doanh nghiệp vận tải đang đứng trên bờ vực phá sản” – ông Bằng than thở.
Giá xăng dầu sẽ giảm nhiệt khi được giảm thuế 2.000 đồng/lít?
Ngày 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn so với hiện hành; riêng mức thuế với dầu hỏa giảm đến 70%. Theo đó, kể từ 1/4 đến 31/12, mỗi lít xăng dự kiến giảm tương ứng 2.200 đồng (gồm VAT) và giá dầu cũng được điều chỉnh 1.100 đồng.
Trước những khó khăn mà người dân, doanh nghiệp đang phải đối mặt do giá xăng dầu liên tục được neo ở mức cao trong thời gian qua.
Ngày 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn so với hiện hành; riêng mức thuế với dầu hỏa giảm đến 70%.
Theo đó, kể từ 1/4 đến 31/12, mỗi lít xăng dự kiến giảm tương ứng 2.200 đồng (gồm VAT) và giá dầu cũng được điều chỉnh 1.100 đồng.
Người dân tranh thủ xếp hàng đổ xăng trước mỗi lần xăng tăng giá thời gian qua
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay, giá xăng dầu thế giới vẫn còn những biến động phức tạp từ cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine và các lệnh trừng phạt Nga từ phương Tây.
Vậy ở kịch bản giá vẫn còn tăng "nóng" thì việc điều hành giá mặt hàng này sẽ ra sao để giảm áp lực lên lạm phát, tránh ảnh hưởng quá lớn tới đời sống người dân, doanh nghiệp?
“Vẫn phải dự phòng những kịch bản dài khác, như đề xuất tiếp tục giảm các thuế đối với xăng dầu như thuế môi trường, tiêu thụ đặc biệt, VAT; tính đến các gói an sinh xã hội, hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng kinh doanh trực tiếp xăng dầu hay người sử dụng xăng dầu”... ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương)
Trước vấn đề này, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, vẫn phải tính những kịch bản dài khác.
Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, vẫn phải tính những kịch bản dài khác trước những biến động của giá xăng dầu thế giới
Cụ thể như ở kịch bản khi giá dầu biến động mạnh lên 130 USD/thùng, 150 USD/thùng, Bộ đề xuất đưa ra đề xuất tiếp tục giảm các thuế đối với xăng dầu như thuế môi trường, tiêu thụ đặc biệt, VAT…
Ngoài ra, theo ông Đông, có tính đến các gói an sinh xã hội, hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng kinh doanh trực tiếp xăng dầu hay người sử dụng xăng dầu.
Về dự trữ quốc gia, ông Đông cho hay, hiện chúng ta đã có tiềm lực về tài chính, cần tính tới cơ chế để tăng dự trữ quốc gia, tách bạch dự trữ quốc gia ra khỏi dự trữ lưu thông phân phối.
Ông Trịnh Quang Khanh - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam chia sẻ, trong bối cảnh hiện nay, giá xăng dầu vẫn sẽ tiếp tục tăng. Do đó, diễn biến của giá xăng dầu phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
Theo ông Khanh, khi giá thế giới biến động mạnh, chúng ta chỉ có thể dùng 2 công cụ: Quỹ bình ổn giá và thuế. Thời gian vừa qua, các cơ quan đã sử dụng phần lớn quỹ bình ổn để kiềm chế giá trong thời gian nhất định.
Đối với biện pháp chính sách về thuế, Hiệp hội Xăng dầu kiến nghị với Bộ Tài chính trên cơ sở sắc thuế hiện nay là 8% với xăng, 10% thuế tiêu thụ đặc biệt nên tính toán, xem xét thu theo thuế tuyệt đối như thuế bảo vệ môi trường.
Theo TS Phạm Công Hiệp người dân cũng cần có kế hoạch tiêu dùng hợp lý và chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho các kịch bản xấu hơn nếu như lạm phát gia tăng theo giá xăng dầu
“Chúng ta nên bình tĩnh ứng phó và có kế hoạch hợp lý hơn là gom hàng tích trữ” - TS Phạm Công Hiệp - giảng viên cấp cao, Giám đốc chương trình Cử nhân Kinh doanh, Đại học RMIT
Trong bối cảnh giá xăng dầu cao và nguy cơ lạm phát gia tăng vẫn là mối quan tâm của nhiều doanh nghiệp và người dân, TS Phạm Công Hiệp - giảng viên cấp cao, Giám đốc chương trình Cử nhân Kinh doanh, Đại học RMIT nhận định, chúng ta có thể hạn chế tối đa các cú sốc từ bên ngoài bằng cách chủ động nguồn cung trong nước, gia tăng tỉ lệ nội địa hóa cũng như tập trung phát triển thị trường nội địa trong bối cảnh căng thẳng thế giới leo thang.
Người dân cũng cần có kế hoạch tiêu dùng hợp lý và chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho các kịch bản xấu hơn nếu như lạm phát gia tăng. Nhưng cũng tương tự như trên, chúng ta cũng nên bình tĩnh ứng phó và có kế hoạch hợp lý hơn là gom hàng tích trữ có thể gây nên lực cầu đột biến và làm giá cả hàng hóa tăng vọt.
Giảm thuế, phí với xăng dầu cũng là một nỗ lực cần thiết từ Chính phủ nhằm kiểm soát lạm phát. Do đó, Chính phủ nên cân nhắc việc tính toán lại các loại thuế phí liên quan đến xăng dầu, đặc biệt là thuế bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, cần có giải pháp để bảo đảm nguồn cung xăng dầu từ sản xuất trong nước, tăng dự trữ xăng dầu nhập khẩu để điều tiết khi cần, TS Phạm Công Hiệp chia sẻ.
Nguồn: [Link nguồn]
X | ||||||
CN | T2 | T3 | T4 | T5 | T6 | T7 |