Giá xăng lập kỷ lục gần 30.000 đồng/lít: Dân văn phòng “thắt lưng buộc bụng”, chủ xế hộp ngậm ngùi cất xe
Giá xăng tăng lên gần 30.000 đồng/lít là đề tài được dư luận quan tâm trong những ngày qua. Trên nhiều hội nhóm và các trang mạng xã hội, chủ đề xăng tăng giá và cách ứng phó cũng được nhiều người đưa ra bàn luận.
Trước những biến động mạnh của giá xăng dầu thế giới kể từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng trong nước cũng liên tục được điều chỉnh theo xu hướng tăng.
Từ 15 giờ ngày 11/3, giá xăng E5 RON 92 có mức bán lẻ 28.985 đồng/lít, xăng RON 95 có mức giá 29.824 đồng/lít, dầu diesel 25.268 đồng/lít, dầu hỏa 23.918 đồng/lít… đây cũng là lần tăng giá xăng, dầu thứ 6 liên tiếp kể từ đầu năm 2022.
Như vậy, so với đầu năm, sau đợt điều chỉnh này, mỗi lít xăng RON95 đã đắt thêm 7.020 đồng; E5 RON92 là 6.900 đồng, dầu diesel cao hơn 7.930 đồng; dầu hoả tăng 7.590 đồng và dầu mazut thêm 5.240 đồng.
Dân văn phòng “thắt lưng buộc bụng” lo thực phẩm tăng giá theo giá xăng
Hàng ngày, chị Nguyễn Bảo Loan (quận Hà Đông, Hà Nội), nhân viên văn phòng, đi làm từ Văn Quán đến Nguyễn Chí Thanh hơn 12 km. Bình thường, chị đổ 70.000 đồng là đầy bình xăng. Tuy nhiên, với giá xăng được điều chỉnh tăng vào chiều ngày 11/3 vừa qua, mỗi lần đổ đầy bình xăng của chị bây giờ sẽ tốn tới 110.000 đồng. Hay đi xa nên một tháng chị đổ 5 lần và so với trước, chị phải tốn thêm tới 200.000 đồng tiền xăng.
“Sau Tết, giá thực phẩm thiết yếu tăng, dịch bệnh nên nhiều loại thuốc men cũng tăng cao và giá xăng thì tăng liên tục. Cuối cùng, chỉ người tiêu dùng là chịu thiệt” - Nguyễn Bảo Loan (quận Hà Đông, Hà Nội).
Theo chị Loan, sau Tết không chỉ xăng mà giá lương thực, thuốc men cũng tăng cao. Lấy ví dụ trước đây, chị mua 5.000-10.000 đồng tiền rau là đủ cả nhà 3 người ăn. Hiện tại, người mẹ trẻ này phải chi trung bình 15.000-20.000 đồng mới đủ. Hay một can dầu ăn loại 5 lít, trước đó chị mua chỉ 205.000 đến 210.000 đồng nhưng giờ đây cũng can dầu đó chị phải mua với giá 265.000 đồng.
Chị Loan cho biết xăng tăng, ga tăng, nhiều mặt hàng thiết yếu tăng trong khi đồng lương của chị không thay đổi nên giờ đây chị phải tính toán chi li hơn để đảm bảo sinh hoạt gia đình.
“Trừ điện nước, tiền chợ tốn khoảng 5-10 triệu đồng/tháng. Giá cả tăng nên giờ mỗi khi đi chợ tôi phải đắn đo hơn nhiều” – chị Loan thừa nhận.
Nếu giá xăng tiếp tục tăng, chị Loan sẽ tính đến phương án đi làm bằng xe bus và tàu điện trên cao dù không thuận tiện bằng xe máy. “Dịch bệnh đã khó khăn hơn vì tốn nhiều tiền thuốc men, phòng tránh rồi mà giờ cái gì cũng tăng theo. Cuối cùng, chỉ người tiêu dùng là chịu thiệt”, chị nói.
Chủ xế hộp than trời, ngậm ngùi cất xe vì xăng tăng chưa thấy đỉnh
“Thay vì lái "xế hộp" đi làm như trước, giờ đây tôi chuyển sang đi xe máy” - Tường Vy (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ.
Sở hữu chiếc xe ô tô để đi làm và mỗi lần về quê từng là niềm tự hào của chị Tường Vy cùng gia đình. Tuy nhiên, kể từ khi giá xăng tăng "không thấy đỉnh" chính là lý do khiến chị phải thay đổi phương tiện đi lại như vậy.
Theo chị Tường Vy, cách đây khoảng vài tháng khi xăng chưa tăng giá chóng mặt thì không ảnh hưởng nhiều. Nhưng kể từ đầu năm, giá xăng tăng mạnh, chi phí bến bãi và "nuôi xăng" một chiếc xe đã lên đến 5 triệu đồng/tháng.
"Thông thường, tôi đổ khoảng 1,4 triệu đồng đã được đầy bình xăng. Nhưng mới đây, cũng bình xăng đó mà tôi phải trả đến 1,7 – 1,8 triệu đồng”, cô thở dài.
Vy cũng cho hay hiện gia đình cô chưa nhận thấy sự thay đổi lớn trong giá cả của các mặt hàng khác ngoài xăng dầu. Tuy nhiên, cô cho rằng một khi giá xăng tăng, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cũng lần lượt tăng giá mà thôi.
Hàng hóa tiêu dùng “nhảy giá”, tiểu thương chật vật
Không chỉ tác động trực tiếp tới những người đi làm bằng xe máy hay ô tô. Biến động giá xăng dầu theo xu hướng tăng liên tục cũng kéo theo các mặt hàng thực phẩm tăng giá.
Khảo sát tại một số chợ dân sinh ở quận Thanh Xuân (Hà Nội), cho thấy nhiều loại rau củ thiết lập mặt bằng giá mới: bí đỏ 15.000 đồng/kg; bắp cải 15.000 đồng/kg (tăng 4.000 đồng/kg); cải canh giá 25.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng/kg);...
Không riêng gì giá rau xanh tăng, các mặt hàng thịt, hải sản, do phải vận chuyển đường xa cũng đồng loạt tăng so với giá cũ với mức tăng từ 10 – 25%.
Giá cả hàng hóa leo thang, buộc người tiêu dùng phải “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm chi tiêu. Những người buôn bán như chúng tôi cũng gặp khó theo” - chị Đặng Thị Hà.
Ngoài hầu bao của người tiêu dùng bị bóp chặt bởi giá xăng tăng, giá hàng hoá tăng cao, tiểu thương, thương lái tại các chợ cũng đang chật vật vì xăng ăn mòn lợi nhuận của họ.
Chị Đặng Thị Hà, một tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Nhân Chính cho hay, giá xăng dầu tăng mạnh kéo theo chi phí vận chuyển cũng đội lên dẫn đến các mặt hàng tiêu dùng đặc biệt là thực phẩm thiết yếu tăng theo. Trong khi sức mua của người dân không tăng nên lợi nhuận thu được từ mỗi ngày bán hàng của chị cũng đã giảm đi đáng kể cùng giá xăng.
Chủ quán cơm buộc lòng tăng giá
“Tăng giá là điều không ai mong muốn. Nhưng sau khi giá xăng, giá gas tăng mạnh, tôi buộc lòng phải tăng giá các món ăn khoảng 1.000 - 5.000 đồng/món”... chủ quán cà phê tại quận 3 TP HCM thừa nhận.
Trong 2 năm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, dù gặp nhiều khó khăn, anh Đỗ Bá Thiêng (40 tuổi, chủ của 3 quán cà phê, cơm văn phòng ở quận 3) vẫn không có ý định tăng giá đồ ăn.
Tuy nhiên, sau khi giá xăng, giá gas tăng mạnh trong những tuần gần đây, anh Thiêng đã phải dán chồng giá mới trên menu của quán. Các món ăn tăng khoảng 5.000 đồng/món, còn nước uống tăng từ 1.000-2.000 đồng.
"Tăng giá là điều không ai mong muốn. Nhưng vì mọi chi phí đều leo thang nên chúng tôi buộc lòng phải làm vậy. Trước đây một bình gas 12 kg chỉ 340.000 - 350.000 đồng, nhưng hiện là 480.000 - 500.000 đồng rồi".
Chủ quán cho hay xăng tăng giá khiến chi phí nhập nguyên liệu cho các dịch vụ của nhà hàng, quán cơm của mình đều ít nhiều tăng theo. Không chỉ vậy, tiệm ăn này còn có đội shipper miễn phí trong khu vực quận 3 nên giá xăng ảnh hưởng nhiều tới lợi nhuận.
Doanh nghiệp vận tải, ngư dân “ngộp thở” đối diện khó khăn kép
Dịch Covid-19 phức tạp, cùng với xăng dầu liên tục tăng phi mã khiến các bến xe trên địa bàn Hà Nội luôn trong cảnh "bến vắng, khách thưa".
Anh Trần Văn Phương - nhân viên nhà xe tuyến BX.Giáp Bát - BX. Sầm Sơn chia sẻ: "Một cảm giác ngóng đợi hành khách đến nao lòng. Chúng tôi chờ khách từ hơn 10 giờ sáng đến thời điểm 15h00 xe xuất bến, trên xe chỉ có 6 hành khách và một chút hàng hoá. Hai tuần nay, đa phần chạy toàn lỗ, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh và giá xăng dầu tăng cao. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải chạy để giữ tuyến, giữ khách".
Giá xăng liên tục tăng chóng mặt. Sau đợt tăng giá “sốc” lần này, hầu hết các nhà xe đều đang nghe ngóng để có giải pháp điều chỉnh giá vé trong thời gian tới. Tuy nhiên, một số nhà xe bày tỏ, chỉ lo khi tăng giá vé, lượng khách đi xe sẽ càng giảm hơn nữa.
Không chỉ xe chở khách, những doanh nghiệp có xe chở hàng cũng chung cảnh ngộ. Ông Cao Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Chế biến nông sản Minh Hoa (TP Thủ Đức) cho biết, trước tháng 8/2021, chi phí vận chuyển cho mỗi container trọng lượng từ 12-15 tấn từ TPHCM, Tiền Giang, Long An ra cửa khẩu biên giới các tỉnh phía Bắc để xuất khẩu sang Trung Quốc có giá 50-70 triệu đồng thì đến cuối năm 2021 đã đội lên khoảng 90-100 triệu đồng.
“Với việc giá xăng dầu tăng trong những ngày đầu năm 2022, dự báo giá cước vận chuyển nông sản, trái cây từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục tăng đội lên 120-150 triệu đồng/container thậm chí cao hơn nữa trong thời gian tới” - ông Thành tính toán.
Với những ngư dân bám biển, giá xăng, dầu tăng cao cộng với ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giá hải sản xuống thấp; thiếu nhân lực đi biển... đã khiến nhiều tàu, thuyền đánh cá của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh phải nằm bờ chờ chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, một số ngư dân vẫn “cắn răng” tiếp tục vươn khơi để có nguồn thu nhập, trả lãi vay ngân hàng...
Ông Nguyễn Văn Ninh, chủ tàu ở xã Thạch Kim, Thạch Hà (Hà Tĩnh) chia sẻ: “Mặc dù sản lượng đánh bắt không thay đổi so với trước, nhưng do giá dầu tăng “phi mã” kéo theo các nguyên vật liệu tăng theo, giá hải sản giảm... nên các chuyến tàu đều lỗ. Nhưng ngặt nỗi tiến thoái lưỡng nan: đi không được, ở nhà không xong!... Không ra khơi thì không có tiền trả lãi vay đóng tàu và người lao động (bạn thuyền) sẽ tìm đến chủ tàu khác để kiếm kế sinh nhai. Do đó, dù có phải bù lỗ cũng phải cho tàu xuất bến”.
Hệ lụy gì?
Việc tăng giá xăng gây tác động trực tiếp đến thị trường, kéo theo tất cả các dịch vụ, giá cả hàng hóa đều tăng, cuối cùng người bị ảnh hưởng nặng nhất là người tiêu dùng.
Theo các chuyên gia, chi phí xăng dầu tăng sẽ tác động đến nhiều ngành nghề từ sản xuất, kinh doanh đến dịch vụ. Đơn cử như ngành vận tải hàng hóa container, xăng dầu chiếm từ 35 - 40% chi phí. Vì vậy, giá xăng tăng rất dễ kéo giá vận chuyển hàng hóa tăng lên, từ đó tác động tăng chi phí liên hoàn tới nhiều ngành, lĩnh vực và hàng hóa lưu thông trên thị trường.
“Nếu chi phí tiếp tục tăng cao, chịu thiệt nhất vẫn là người tiêu dùng. Khi chi phí vận tải cao, chắc chắn hàng hóa đến tay người tiêu dùng sẽ tăng giá...” Ông Lê Duy Hiệp
Theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), nếu chi phí tiếp tục tăng cao, chịu thiệt nhất vẫn là người tiêu dùng. Khi chi phí vận tải cao, chắc chắn hàng hóa đến tay người tiêu dùng sẽ tăng giá. Điều này hoàn toàn không có lợi cho thị trường khi sức mua chưa hồi phục hoàn toàn.
Bộ Tài chính hôm 10/3 cho biết, sẽ trình Chính phủ phương án giảm 2.000 đồng thuế bảo vệ môi trường trên mỗi lít xăng và 1.000 đồng với dầu từ 1/4.
Ngoài ra, ông Ngô Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, cơ quan quản lý còn có thể tính thêm các phương án giảm chính sách thuế khác, như thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, bởi diễn biến địa chính trị khiến giá mặt hàng này khó đoán định.
"Xăng dầu tăng giá sẽ tác động rất lớn tới các ngành sản xuất, tiêu dùng, dịch vụ, nhất là vận tải khi loại nhiên liệu này chiếm 35-40% chi phí của doanh nghiệp vận tải. Cơ quan quản lý cần có kịch bản tính toán mức giá phù hợp sức chống chịu của nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp", ông Lâm nói.
Cách nào thích nghi?
Khi đứng trước áp lực của bão giá, xăng tăng, mỗi người đều phải tự tìm một phương thức để tránh né, nhưng không biết được bao lâu.
“Phí ship quá cao, chị em từ bỏ thói quen mua hàng online; đồ ăn tại các hàng quán đồng loạt tăng giá, một số khác chủ động đem cơm nhà” – chị Hoa Nguyễn, kế toán tại Hà Nội.
Tại các hội nhóm trên mạng xã hội, nhiều người làm văn phòng đồng loạt than thở và chia sẻ những kinh nghiệm giúp giảm chi phí.
Anh Tuấn Minh (Cầu Giấy - Hà Nội) chia sẻ trước đây, dùng xe tay ga đi làm nên 3 ngày một lần, anh phải đổ đầy bình xăng, mỗi lần tốn gần 110 nghìn đồng. Mấy tháng nay anh đã đi làm bằng xe buýt, từ nhà tới chỗ làm với cự ly là 25km. Giá vé xe buýt mỗi chiều là 7 nghìn đồng, mỗi ngày hai lượt đi về là 14 nghìn đồng.
Từ khi làm vé tháng số tiền anh phải bỏ ra chỉ 200.000 đồng, rẻ hơn nhiều so với đi xe máy cá nhân. Tuy nhiên, anh Tuấn thừa nhận đi làm bằng xe buýt có bất lợi là phải đi bộ một đoạn đường khá dài ra điểm đón xe. Và thời gian di chuyển trên đường cũng lâu hơn đi xe máy cá nhân.
Cùng với đó, anh Tuấn cũng cho biết việc đi xe buýt cũng chỉ là cách ứng phó nhất thời. Mỗi lần xăng tăng giá là các mặt hàng khác tăng theo. Một mặt bằng giá cả mới đã được thiết lập từ sau Tết đến giờ.
Tài khoản Hoa Nguyễn thì chia sẻ: "Các đồng nghiệp của tôi bây giờ đã thấm đòn khi giá cả tăng. Họ không còn săn đón mua hàng online, vào ra nhộn nhịp để nhận hàng nữa. Bây giờ cũng chẳng còn í ới rủ nhau đi ăn trưa ở ngoài mà chủ động đem cơm nhà theo ăn."
“Trưa tuần trước, tôi giật mình vì tô bún chay đã tăng lên 25 nghìn đồng một tô nhưng chỉ lèo lèo chút bún, vài miếng đậu phụ, cà chua. Hồi chưa có dịch Covid-19, tô bún quán này giá chỉ 15 nghìn đồng, trước Tết là 20 nghìn và bây giờ đã là 25 nghìn” – anh Thiện, một tài xế xe công nghệ thông tin.
Anh cho biết từ ngày xăng tăng giá, anh không còn chạy lòng vòng tìm khách như trước đây. Thay vào đó, chở khách đến đâu, anh dừng xe ngay tại đó và chờ app “nổ” đơn tiếp theo.
Tuy nhiên, anh Thiện cũng cho biết giá xăng tăng thì nhiều mặt hàng khác cũng tăng giá. Trong khi khách đi xe thì ít hơn trước do dịch bệnh. Giá xăng tăng lên nữa thì thu nhập của những người làm nghề tài xế như anh sẽ còn sụt giảm thêm.