Giá thịt lợn đã ở mức cao kỷ lục trong 10 năm qua
Giá thịt lợn vẫn tiếp tục leo thang trong những ngày qua dù các bộ, ngành liên quan liên tục có họp bàn giải pháp “hạ nhiệt”, khiến dư luận đang đặt ra câu hỏi: Phải chăng đã có sự mất kiểm soát về giá và vai trò của cơ quan quản lý trong việc bình ổn giá thịt lợn đã không hiệu quả?
Giá thịt lợn hơi ngày 16-12 trên thị trường cả nước vẫn tiếp tục “nóng”, không chỉ ở những trang trại nhỏ và người chăn nuôi. Ngay cả “ông lớn” trong ngành chăn nuôi là Công ty Chăn nuôi C.P đã tăng giá bán cả ở miền Nam lẫn miền Bắc. Theo mức giá mới nhất từ phía công ty này đưa ra, hiện giá lợn hơi tại kho của doanh nghiệp này dao động từ 81.000-82.000 đồng/kg.
Còn với thị trường tự do, giá thịt lợn hơi đã lên đến 92.000-93.000 đồng/kg, và gần như chắc chắn, khả năng thịt lợn hơi sẽ còn tăng đến 100.000 đồng/kg. Điều đáng nói, đây là lần thứ 2 Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P tăng giá bán.
Hiện nay, giá thịt lợn hơi tại một số tỉnh thành đang tăng phi mã so với cuối tháng 11, đơn cử như Kim Sơn (Ninh Bình), khu vực Thái Bình giá lợn hơi hôm nay đạt 92.000 đồng/kg; Tiên Lữ (Hưng Yên) 93.000 đồng/kg. Tại địa bàn tỉnh Bắc Giang, giá lợn hơi đang dao động từ 90.000-92.000 đồng/kg. So với cùng kỳ tháng 11-2019, giá heo hơi ngày 16-12 tăng cao hơn 15.000 - 20.000 đồng/kg và là mức giá cao nhất trong lịch sử.
Giá thịt lợn hơi sắp chạm ngưỡng 100.000 đồng/kg. Ảnh minh họa CTV.
Tại các chợ bán lẻ, thịt lợn đã ở mức giá cao kỷ lục trong 10 năm qua. Thịt ba chỉ có giá 170.000 đồng/kg, thịt nạc thăn, sườn sụn, sườn non bỏ cục đang được bán với mức giá 180.000 đồng/kg, thậm chí có nơi bán tới 220.000 đồng/kg. Với tình trạng tăng giá chưa có điểm dừng như hiện nay, nhiều gia đình đã phải hạn chế hoặc chuyển từ thịt lợn sang các loại thực phẩm khác.
Trong lúc giá thịt lợn đang tăng vọt, bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn đang tiếp tục tấn công đàn lợn ở nhiều địa phương thuộc miền Trung. Đơn cử như tại Quảng Nam, từ tháng 5 đến tháng 12, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã phát sinh và lây lan tại hơn 36.000 hộ của 16/18 huyện, thị xã, thành phố; làm mắc bệnh và tiêu hủy gần 145.000 con heo. Sơ bộ tính đến hiện tại, ngân sách tỉnh phải chi cho công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi là hơn 262 tỷ đồng.
Nguyên nhân giá thịt lợn tăng cao đã được cả hai Bộ Công Thương và NN&PTNT họp bàn nhưng ý kiến của hai cơ quan này lại không đồng nhất. Trong lúc Bộ Công Thương đánh giá việc tăng giá thịt lợn là do thiếu nguồn cung, cần phải nhập khẩu thịt lợn từ nước ngoài về thì Bộ NN&PTNT vẫn khẳng định không thiếu thịt lợn.
Còn theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, khẳng định giá thịt lợn đang vận động theo cung – cầu thị trường, phù hợp với xu hướng của thế giới và giá bán hiện nay đã được kiềm hãm khá tốt. Ông Công cho rằng, nếu nguồn cung đảm bảo mà giá vẫn tăng thì mới nói là có dấu hiệu đầu cơ, găm hàng.
“Hiện nay, không riêng gì Việt Nam mà ngay cả Trung Quốc cũng đang thiệt hại nghiêm trọng về nguồn cung do dịch tả lợn châu Phi”, ông Công cho biết. Điều đáng lo ngại, theo ông Công, nguồn cung sẽ tiếp tục khó khăn nếu không có giải pháp kịp thời, bởi với năng lực sinh học và chưa có vaccine như hiện nay, ít nhất 1-2 năm nữa mới kỳ vọng tái đàn được.
Giá thịt lợn hơi sắp chạm ngưỡng 100.000 đồng/kg.
Mới đây, tại buổi họp báo thường kỳ ngày 12-12 của Bộ Công Thương, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương đã thực hiện chương trình bình ổn hàng hóa, trong đó có mặt hàng thịt heo. Bộ đã chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố theo dõi và căn cứ vào các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp chế biến để phân tích nhu cầu tiêu dùng tại địa bàn, từ đó có những giải pháp cân đối, đưa ra những chỉ đạo kịp thời về nguồn cung.
Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các doanh nghiệp, đơn vị phân phối chuẩn bị sẵn các mặt hàng như thủy sản, gia cầm, trứng, trâu bò... để bù đắp cho việc thiếu mặt hàng thịt heo. Theo dự báo, từ giờ đến cuối năm 2019, nguồn cung thịt lợn trong nước sẽ thiếu khoảng 200.000 tấn.
“Đối với mặt hàng thịt lợn, Bộ Công Thương yêu cầu các địa phương theo dõi, phân tích và tìm hiểu nhu cầu thịt lợn tại các địa bàn, từ đó cân đối đảm bảo nguồn cung, sau đó sẽ tính đến phương án nhập khẩu thịt lợn để đảm bảo phục vụ nhu cầu mặt hàng này tăng mạnh dịp cuối năm, ông Tuấn khẳng định. Và đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết, chỉ có 24 quốc gia được nhập khẩu thịt lợn chính ngạch vào Việt Nam gồm: Argentina, Australia, Bỉ, Áo, Brazil, Canada, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hungari, Ấn Độ, Ireland, Litva, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Ba Lan, Tây Ban Nha, Mỹ, Nga, Mexico nhằm đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.
Mặc dù hai bộ Công Thương và NN&PTNT liên tiếp có những động thái đưa ra nhiều giải pháp để bình ổn thị trường thịt lợn, nhưng cho đến thời điểm này, giá của loại thực phẩm chiếm tới 70% bữa ăn trong các gia đình vẫn cứ tăng đều từng ngày. Và điều này khiến người tiêu dùng đặt câu hỏi: Phải chăng giá thịt lợn đã không thể kiểm soát và đến Tết Nguyên đán, có đủ thịt lợn cho người dân hay không?
Nguồn: [Link nguồn]
Một số nhóm tội phạm khác thì phát tán dịch tả lợn châu Phi bằng cách buôn bán thức ăn nhiễm bệnh.