Giá rẻ chỉ bằng 1/5 giá trong nước, thịt lợn nhập khẩu chất lượng thế nào?
Nhiều người tiêu dùng đang hoang mang trước thông tin thịt lợn nhập khẩu về Việt Nam có giá nhập khẩu bình quân chỉ 1.117 USD/tấn, tương đương khoảng 25.950 - 26.000 đồng/kg.
Thịt lợn nhập khẩu khi đưa ra thị trường phải chịu nhiều mức thuế (thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng 5%, chi phí, thủ tục nhập khẩu, bảo quản kho lạnh...), tuy nhiên sau khi cộng các loại thuế phí, giá cũng chỉ tương đương khoảng 33.000 - 35.000 đồng/kg.
Với mức giá này hiện đang rẻ gấp 4-5 lần thịt lợn trong nước, liệu thịt nhập khẩu có đảm bảo chất lượng hay không?
Thịt lợn nhập khẩu sau khi cộng thuế phí, đưa ra thị trường chỉ có giá trung bình 33.000 - 35.000 đồng/kg.
Bộ Công Thương cho biết, căn cứ quy định tại Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ, mặt hàng thịt lợn không thuộc danh mục nhập khẩu theo giấy phép của Bộ Công Thương.
Việc nhập khẩu thực hiện theo quy định tại Thông tư số 25/2010/TT-BNNPTNT ngày 08/4/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa có nguồn gốc động vật nhập khẩu và Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 về quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn.
Theo đó, chỉ cho phép nhập khẩu từ các nước đã thỏa thuận và thống nhất với Việt Nam về yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch động vật đối với sản phẩm thịt xuất khẩu vào Việt Nam.
Cụ thể: trước khi nhập khẩu, doanh nghiệp phải có Đơn xin đăng ký kiểm dịch động vật nhập khẩu gửi Cục Thú y.
Trên cơ sở Đơn đăng ký của doanh nghiệp, Cục Thú y có văn bản cho phép doanh nghiệp được kiểm dịch lượng hàng nhập khẩu cụ thể, nêu rõ: loại hàng, số lượng cho phép kiểm dịch nhập khẩu, cửa khẩu nhập, tên doanh nghiệp xuất khẩu, nhà máy sản xuất, thời gian thực hiện, mục đích sử dụng và chỉ định rõ tên Chi cục Thú y vùng làm thủ tục kiểm dịch động vật nhập khẩu....
Doanh nghiệp xuất trình văn bản cho phép của Cục Thú y cho Chi cục Thú y vùng (ghi trong công văn của Cục Thú y) để thực hiện thủ tục kiểm dịch động vật nhập khẩu.
Sau khi được Chi cục Thú y vùng cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật nhập khẩu, doanh nghiệp mới tiến hành các thủ tục hải quan để thông quan nhập khẩu.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký Thỏa thuận song phương về kỹ thuật và kiểm dịch động vật với 19 nước với tổng số 1.641 doanh nghiệp nước ngoài được phép xuất khẩu thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn vào Việt Nam.
Hiện có khoảng 140 doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện nhập khẩu thịt lợn từ các nước, các doanh nghiệp đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép nhập khẩu vào Việt Nam.
Theo cam kết với WTO và trong các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, Việt Nam phải giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình, xóa bỏ việc hạn chế định lượng và giấy phép nhập khẩu hàng hóa nông sản (trong đó có thịt lợn), chỉ thực hiện quản lý nhập khẩu bằng các biện pháp kỹ thuật (kiểm dịch động vật, an toàn thực phẩm). Đây là biện pháp được hầu hết các nước thành viên WTO sử dụng nhằm quản lý nhập khẩu và bảo hộ sản xuất trong nước phù hợp cam kết quốc tế.
Bộ Công Thương cho biết, Bộ đã đề nghị Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ chủ động tổ chức làm việc, trao đổi với Hiệp hội và các doanh nghiệp xuất khẩu thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn có uy tín ở nước sở tại để cung cấp thông tin và kết nối với các doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Cục Thú y trong hoạt động nhập khẩu để đa dạng hóa nguồn cung thịt lợn, đảm bảo phù hợp với cam kết quốc tế và diễn biến cung cầu trong nước tùy từng thời điểm.
Nguồn: [Link nguồn]
Nhiều cơ sở gói bánh chưng tết cho hay, ngoài giá thịt heo tăng cao, các chi phí khác cũng tăng đẩy giá bánh chưng tăng theo.