Giá lợn hơi trượt ngưỡng 70.000 đồng/kg, người chăn nuôi còn lãi?

Bộ NN&PTNT cho rằng, nguồn cung tăng đã kéo giá lợn hơi giảm mạnh, đang hướng dưới ngưỡng 70.000 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân vẫn có lãi.

Giá thịt lợn tại các chợ dân sinh đang có xu hướng giảm.

Giá thịt lợn tại các chợ dân sinh đang có xu hướng giảm.

Sáng nay (3/9), tại Hội nghị phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2020, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: Tốc độ tái đàn lợn trong thời gian qua khá nhanh và hiệu quả đã giúp kéo giá lợn hơi xuống mức hợp lý, giúp bình ổn Chỉ số giá tiêu dùng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, từ cuối tháng 7 đến nay, sau khi sản phẩm tái đàn lợn bắt đầu được tung ra thị trường, giá lợn hơi bắt đầu "hạ nhiệt" và hướng về mốc 70.000 đồng/kg.

Ông Trọng nhận định, với tốc độ tái đàn như hiện nay, đến cuối quý III, đầu quý IV sẽ cân đối cung - cầu, đến lúc giá sẽ dần ổn định.

"Nếu hạch toán chi tiết người chăn nuôi đi mua con giống thì giá thành xuất chuồng ở khoảng 71.000 đồng/kg lợn hơi. Còn trường hợp hộ chăn nuôi khép kín từ khâu giống đến nuôi thịt thì giá thành khoảng 50.000 đồng/kg lợn hơi.

Như vậy, với mức giá lợn hơi như hiện nay mốc khoảng 70.000-75.000 đồng/kg, nông dân vẫn đảm bảo có lãi. Hơn nữa, thời gian tới, giá con giống giảm thì chi phí giá thành có thể ở mức 60.000-61.000 đông/kg lợn hơi", ông Trọng nêu rõ.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cũng nhấn mạnh: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành đã, đang và sẽ trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc thị trường và quy định của pháp luật, tiếp tục chỉ đạo, kiểm soát thực hiện các giải pháp đồng bộ cho việc phòng chống dịch.

Đồng thời vẫn tái đàn, tăng đàn an toàn sinh học, duy trì sản xuất để đảm bảo cơ bản đủ nguồn cung thịt lợn cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, do chu kỳ sinh học nên việc tái đàn, tăng đàn sản phẩm phải vào cuối quý 3 và đầu quý 4 mới có thể cân đối cung - cầu, đến lúc đó giá cơ bản sẽ ổn định.

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cũng cho thấy, đến nay, nhiều địa phương tốc độ tái đàn và tăng đàn lợn trên 100%, trung bình là 118,3% so với thời điểm trước khi có dịch tả lợn châu Phi (tháng 12/2018).

Trong đó, đứng đầu là Bình Phước đạt 164,7%; Tiếp đến là Bình Định, Kon Tum, Đắc Nông, Quảng Ngãi, Ninh Thuận; Yên Bái; Hòa Bình; Tây Ninh; Sơn La; Lâm Đồng; Khánh Hòa.

Nhóm 2 tỷ lệ tái đàn từ 90-dưới 100%, trung bình tái đàn 94,3% so với thời điểm ngày 31/12/2018, gồm 9 tỉnh: Bình Thuận; Gia Lai; Quảng Bình; Thanh Hóa; Phú Yên; Bình Dương; Đắk Lắk; Hà Giang; Cần Thơ.

Nhóm 3 với tỷ lệ tái đàn tử 70- dưới 90%, trung bình tái đàn 81,0% so với 31/12/2018, gồm 20 tỉnh, thành phố: Tuyên Quang; Nghệ An; Hưng Yên; Nam Định; Đồng Nai; Bắc Giang; Thái Nguyên; Lào Cai; Hà Tĩnh; Cà Mau; Trà Vinh; Bà Rịa Vũng Tàu; Điện Biên; Hà Nam; Thừa Thiên - Huế; Bắc Kạn; Phú Thọ; Cao Bằng; Bạc Liêu; Lai Châu.

Nhóm 4 gồm 22 tỉnh, thành phố còn lại với tỷ lệ tái đàn dưới 70%, trung bình tái đàn đạt khoảng 55,5% so với thời điểm ngày 31/12/2018.

Hiện nay, cả nước có 199 xã thuộc 72 huyện của 19 tỉnh, thành phố có dịch tả lợn Châu Phi chưa qua 21 ngày; Đã có 98% số xã đã công bố hết dịch, bảo đảm các điều kiện cho chăn nuôi lợn tái đàn, tăng đàn lợn.

Ngân sách địa phương và kinh phí được các ngân hàng, tổ chức tín dụng hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch bệnh đến tháng 7/2020 là trên 13.000 tỉ đồng.

Nguồn: [Link nguồn]

Người tiêu dùng nở nụ cười khi giá lợn hạ nhiệt

Những ngày gần đây, giá lợn giảm mạnh khiến người tiêu dùng vui mừng, nhưng doanh nghiệp và người chăn nuôi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Hạnh ([Tên nguồn])
Biến động giá thịt lợn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN