Giá lợn hơi 'lên đỉnh': Không thể giữ mãi 1 giá khi bên ngoài tăng vọt!
Bản chất của giá thịt lợn hiện nay là vấn đề cung cầu, họ không thể giữ mãi một giá khi giá bên ngoài cao vọt lên. Nhiều địa phương như Bắc Giang phản ánh tình trạng cả lợn giống và lợn thịt thiếu đến 50% thậm chí trên 50%.
Theo khảo sát của PV, giá lợn hơi tại nhiều địa phương đã gần chạm mốc 100.000 đồng/kg.
Bộ Công Thương: Giá thịt lợn không giảm là do cung, cầu
Giá lợn hơi cao nhất là tại các tỉnh miền Bắc, phổ biến ở mức 93.000-95.000 đồng/kg. Cụ thể, tại Bắc Giang giá lợn hơi 93.000 đồng/kg, Hưng Yên, Phú Thọ 94.000 đồng/kg. Riêng tại Hà Nam giá lợn hơi ở mức 95.000-96.000 đồng/kg.
Tại miền Trung-Tây Nguyên giá lợn hơi cao nhất đạt 93.000 đồng/kg, tăng 3 giá so với ngày hôm qua. Còn tại miền Nam, giá lợn hơi cũng đều trên mức 90.000 đồng/kg.
Trước tình hình giá lợn hơi tăng chóng mặt, ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng, chiều 14/5, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai kêu gọi các doanh nghiệp kéo giảm giá heo bằng cách giảm khâu trung gian, tích cực tăng đàn, giảm giá thành để thể hiện trách nhiệm với xã hội.
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương diễn ra vào chiều ngày 15/5, trả lời câu hỏi của PV về việc vì sao giá thịt lợn không hề giảm dù Thủ tướng đã yêu cầu phải đưa giá lợn hơi về 60-70 nghìn đồng/kg. Lý do giá thịt lợn vẫn neo cao là do doanh nghiệp không chịu hạ giá hay do khâu trung gian ăn lãi quá nhiều?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết bản chất của giá thịt lợn hiện nay là vấn đề cung cầu. Nguồn cung thiếu là nguyên nhân khiến giá thịt lợn không thể giảm.
“Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2019 so với 2018 thiếu 20-21% tổng đàn lợn cũng như sản lượng thịt cung cấp cho thị trường. 3 tháng đầu năm 2020 lại tiếp tục giảm 20% nữa so với cùng kỳ năm 2019. Đó là con số được cung cấp nhưng nhiều địa phương như Bắc Giang còn phản ánh tình trạng cả lợn giống và lợn thịt thiếu đến 50% thậm chí trên 50%”, Thứ trưởng Hải nói.
Cũng theo Thứ trưởng, hiện vẫn còn khoảng 17-18 tỉnh địa phương chưa công bố hết dịch khiến người nông dân chưa thể yên tâm để tái đàn.
Mặt khác, một số hộ muốn tái đàn thì họ không còn vốn tái đàn bởi con giống rất đắt. Giá một con lợn giống lên tới 2.5 -3 triệu/con và ngày hôm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã chính thức cho phép việc nhập khẩu lợn giống đời bố mẹ.
Việc tái đàn là biện pháp tối ưu, bền vững, cơ bản nhất nhưng không phải một lúc có thể bù đắp được lượng thiếu hụt.
“Theo tính toán của các địa phương, nhất là các doanh nghiệp, nếu không có gì đột biến thì sớm nhất phải hết năm nay lượng lợn cung cấp ra thị trường mới tương đương trước khi có dịch”, Thứ trưởng Hải cho biết.
Ngoài biện pháp tái đàn là nhập khẩu thịt lợn nhưng Thủ tướng yêu cầu là phải tính toán từng tháng nguồn cung trong nước được bao nhiêu, còn lại nhập khẩu bao nhiêu, nếu nguồn cung trong nước tăng lên thì phải giảm nhập khẩu để bảo vệ người chăn nuôi trong nước.
“Chúng ta phải theo cơ chế thị trường, giữa cung và cầu. Bộ Công Thương đang phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT. Bộ đã chỉ đạo các thương vụ của Việt Nam ở các nước giới thiệu đầu mối nhập khẩu đảm bảo về giá cả, chất lượng cho doanh nghiệp trong nước. Cá nhân tôi mong muốn cuối năm nay tình hình về lợn quay lại bình thường như khi chưa có dịch năm 2018. Chúng tôi cũng chỉ đạo QLTT phối hợp các lực lượng như 389, các địa phương để tăng cường kiểm tra kiểm soát việc đầu cơ trục lợi, vận chuyển lợn trái phép, kể cả việc xuất khẩu lợn ra các nước và ngược lại mang lợn sống ở các nước vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đang phối hợp với các nhà phân phối, hệ thống siêu thị để tổ chức các chương trình khuyến mại, bình ổn giá mặt hàng thịt lợn. Vừa qua như Big C làm rất tốt nhưng chỉ có mức độ vì vẫn là vấn đề cung cầu, họ không thể giữ mãi một giá mà giá bên ngoài cao vọt lên. Họ có thể chấp nhận trong một thời điểm nào đó giá thịt lợn không tăng thậm chí hơi lỗ, ví dụ như trong tháng 4 Big C phải bù hơn 17 tỷ đồng cho chương trình bình ổn giá thịt lợn, họ phải lấy lợi nhuận của mặt hàng khác bù vào nhưng không thể bù mãi. Cuối cùng quay lại vẫn là vấn đề nguồn cung”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Trước đó, tại hội nghị trực tuyến bàn giải pháp thúc đẩy chăn nuôi lợn sáng 6/5, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cũng đã chỉ rõ, giá thịt lợn vẫn tăng vì cung - cầu thịt lợn mất cân đối. Nguyên nhân khiến nguồn cung giảm mạnh là do dịch tả lợn châu Phi. Chưa kể, lợn giống giờ giá rất cao, chi phí chăn nuôi tăng cũng khiến giá thành tăng theo.
Bên cạnh đó, 15 doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn chỉ chiếm 35% thị phần lợn thịt. 65% còn lại do doanh nghiệp nhỏ, trang trại, hộ nông dân chưa xuống giá. Vì thế, chưa đủ sức để kéo giá bình quân lợn hơi xuống 70.000 đồng/kg.
Muốn giải quyết vấn đề cung cầu, đưa giá thịt lợn về mức hợp lý, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, cần tái đàn, tăng đàn lợn theo hướng bền vững, an toàn. Với tốc độ tái đàn, tăng đàn như hiện nay, khoảng cuối quý III, đầu quý IV sẽ đủ cung thịt lợn, giúp mặt hàng này giảm giá.
Hàng trăm cây cảnh có giá trị, nằm trong khu đất rộng hàng nghìn mét vuông của anh Hùng được giới chơi cây đánh giá là...
Nguồn: [Link nguồn]