Giá gạo tăng như "lên đồng", chủ xưởng bún "gồng lỗ" mỗi ngày cả triệu đồng
Khi giá gạo tăng, không chỉ người tiêu dùng gặp khó mà các xưởng sản xuất, kinh doanh bún, phở cũng “chật vật”, sản xuất cầm chừng để giữ khách.
Khoảng gần một tháng qua, từ khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và kiềm chế lạm phát đã khiến giá gạo thế giới tăng vọt, trong đó có Việt Nam.
Hầu như trên thị trường, các loại gạo đều tăng từ 27-30%, tăng mạnh nhất phải kể đến loại gạo dùng để sản xuất bánh, bún, phở. Vì vậy, giá các loại thực phẩm chế biến từ gạo cũng đều tăng theo giá gạo.
Cầm túi bún tươi vừa mua ngoài chợ gần nhà về, bà Liên, trú tại Đống Đa (Hà Nội) cho biết, một cân bún đã tăng 3 nghìn đồng, từ 10 nghìn lên 13 nghìn đồng; bánh cuốn cũng tăng từ 20 nghìn đồng lên 25 nghìn đồng/kg; bún khô tăng từ 30 nghìn đồng lên 35 nghìn đồng/kg…
Giá gạo tăng cao kéo theo một loạt các sản phẩm chế biến từ gạo tăng.
“Tuần trước tôi mua yến gạo Bắc Hương mà thấy tăng từ 160 nghìn lên 190 nghìn đồng. Hai vợ chồng tặc lưỡi bảo nhau rằng, thức ăn hết nhiều chứ gạo hết bao nhiêu đâu, không lo. Ai ngờ, gạo tăng rồi cái gì nó cũng tăng theo”, bà Liên thở dài ngán ngẩm.
Theo khảo sát của PV tại một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, giá bún tươi, phở tươi, bánh cuốn, lá phở đều đã tăng từ 3-5 nghìn đồng/kg.
Cụ thể, bánh cuốn hiện có giá 25 nghìn đồng/kg, tăng 5 nghìn đồng/kg; bún tươi có giá 13-15 nghìn đồng/kg, tăng từ 2-3 nghìn đồng/kg; bún khô có giá 35 nghìn đồng/kg, tăng 5 nghìn đồng/kg.
Bún, phở đều tăng từ 2-5 nghìn đồng/kg.
Trong “cơn bão giá”, không chỉ người tiêu dùng gặp khó mà các xưởng sản xuất, kinh doanh bún, phở cũng “chật vật”, sản xuất cầm chừng để giữ khách.
Gia đình chị Tô Ái Thương, trú tại xóm Hồng Quang 2, xã Hưng Đạo, TP Cao Bằng cho biết, gia đình chị đã có khoảng hơn 10 năm làm bún ngũ sắc là đặc sản nổi tiếng Cao Bằng. Tuy nhiên, năm nay chị mới chứng kiến giá gạo tăng nhanh như vậy.
“Giá gạo tăng chóng mặt em ơi, mỗi cân tăng 4-5 nghìn đồng, chị không dám nhập gạo để sản xuất nữa”, chị Thương lắc đầu nói.
Hộ gia đình chị Thương sản xuất bún ngũ sắc cũng phải giảm công suất xuống 1/3 vì giá gạo tăng.
Theo chị Thương, trước đây, mỗi ngày gia đình chị sản xuất khoảng 7-8 tạ gạo nhưng thời gian gần đây, giá gạo tăng nên xưởng sản xuất đã giảm chỉ còn 1/3, xuống còn 2-3 tạ gạo/ngày.
“Giá gạo tăng đồng nghĩa với việc khó nhập hơn, xưởng phải bỏ nhiều chi phí hơn để nhập. Sản lượng gạo nhập được ít hơn nên thành phẩm bún, phở cũng ít đi, không đủ cung cấp đầu ra”, chị Thương cho biết.
Mặc dù giá gạo tăng từ tháng 7 nhưng mãi tận giữa tháng 8, xưởng sản xuất bún ngũ sắc nhà chị Thương mới bắt đầu tăng giá bán và thông báo đến các đại lý bán lẻ đồng hành với những khó khăn của xưởng khi giá gạo tăng cao.
Giá gạo tăng nên bắt buộc các xưởng sản xuất bún, phở phải tăng giá để bù lỗ.
Bà Trần Thị Xuân, trú tại tổ 3 ngõ 33 làng bún Phú Đô, Phường Mễ Trì (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, gia đình bà làm bún truyền thống cha truyền con nối từ cách đây gần 170 năm, đến đời bà là đời thứ 6.
“Tôi trực tiếp làm bún hàng chục năm nay nhưng đợt này mới thấy giá gạo tăng kinh khủng đến như vậy. Trước đây, giá gạo làm bún cao nhất cũng chỉ hơn 14 nghìn đồng/kg nhưng giờ tăng lên 17 nghìn đồng/kg”, bà Xuân nói.
Chi phí sản xuất tăng cao khiến các xưởng bún gặp khó khăn.
Theo bà Xuân, mỗi ngày gia đình bà sử dụng 5 tạ gạo để sản xuất ra hơn 1 tấn bún tươi, cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn và các điểm bán lẻ tại thị trường Hà Nội. Giá gạo tăng từ 2-3 nghìn đồng/kg nhưng bà chỉ dám tăng mỗi cân bún 500 đồng vì sợ mất khách.
“Một ngày tôi mất hơn 1 triệu đồng do gạo tăng giá nhưng tôi chỉ dám tăng mỗi cân bún lên 500 đồng. Khách họ mua của mình hàng chục năm nay, không thể mỗi ngày tăng một giá được nhưng thế này thì làm không công. Nếu giá gạo tăng tiếp thì chắc chắn giá bún phải tăng lên tiếp, không là lỗ nặng”, bà Liên thở dài.
Từ loại cây mọc hoang trên rừng, bà con mang về trồng trong vườn nhà làm thức ăn những ngày khó khăn, giờ bỗng có giá đắt đỏ, được ví như "vàng đen".
Nguồn: [Link nguồn]