Cuối năm, nhiều mặt hàng thực phẩm đồng loạt tăng giá
Giá nhiều loại thực phẩm đồng loạt tăng khiến nhiều người nội trợ tìm mọi cách để tránh lạm chi. Hàng loạt biện pháp tiết kiệm chi phí được áp dụng nhưng người tiêu dùng vẫn quay cuồng với giá.
Thực phẩm tăng giá, khách hàng vẫn phải bấm bụng mua. Ảnh: B.Loan
Giá thực phẩm tươi sống cùng "phi mã"
Chia sẻ với PV, bà Nguyễn Thị Hường (48 tuổi, tiểu thương ở chợ tạm Quan Nhân, quận Thanh Xuân) cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, giá thịt lợn móc hàm mà các tiểu thương nhập vào là 120.000 đồng/kg. "Tâm lý của người tiêu dùng là không muốn mua hàng đông lạnh, nên dù bán chậm hơn so với trước thì chúng tôi phải nhập ít đi để khách hàng có thịt tươi. Bây giờ, giá móc hàm tăng cao, ở ngưỡng 120.000 đồng/kg thì giá của thịt sau khi đã được phân loại cũng không thể giữ nguyên như thời điểm trước đó được. Như thịt ba chỉ hiện nay chúng tôi để giá bán lẻ là 86.000 đồng/kg", bà Hường cho hay.
Trong khi giá thịt lợn tăng từng ngày thì giá thịt gà cũng rục rịch tăng. Ghi nhận của PV tại một số chợ truyền thống và chợ tạm ở Hà Nội như: Chợ Bưởi (quận Tây Hồ), chợ Ngã Tư Sở (Đống Đa), chợ Phùng Khoang (Thanh Xuân)… giá thịt gà đều tăng ít nhất là 10.000 đồng/kg. Cụ thể, gà mái ta có mức giá bán ra là 120.000 đồng/kg trong khi trước đó khoảng hơn một tuần, loại gà này chỉ có giá 110.000 đồng/kg; còn gà trống ta có giá khoảng 110.000 đồng/kg thì nay đã chạm ngưỡng 130.000 - 140.000 đồng/kg. Thịt gà công nghiệp cũng tương tự, từ mức giá 70.000 – 75.000 đồng thì nay đã là 85.000 đồng/kg...
Chia sẻ với PV, chị Lan (58 tuổi, là một trong 2 tiểu thương bán thực phẩm tươi sống vào buổi chiều tại chợ Bưởi) cho biết: "Thịt gà mới tăng giá hơn một tuần nay, mức tăng không nhiều, khoảng 10.000 đồng/kg. Tôi chỉ bán ở đây vào buổi chiều nên hàng tôi mua qua sơ chế cũng có giá nhỉnh hơn so với mua cả đàn ở trang trại. Hơn nữa, để giữ được độ tươi ngon của thịt gà, tôi phải cấp đông nhẹ từ khi lấy hàng. Nhiều chi phí phải lo nhưng không vì thế mà áp hết vào hàng hóa".
Lý giải về nguyên nhân khiến thịt gà tăng giá, chị Lan cho biết: "Khoảng tháng 9 vừa rồi, giá đầu vào của gà giảm mạnh, các hộ chăn nuôi bán cắt lỗ nên nguồn cung thịt gà giảm. Ngoài ra, còn có sự ảnh hưởng từ giá thịt lợn tăng. Ở thời điểm này, thịt lợn móc hàm (đã qua sơ chế tại lò mổ) vừa đạt mức 120.000 đồng/kg. Giá thịt lợn tăng cũng bởi do sự ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi khiến nguồn cung thịt lợn giảm. Từ việc thịt lợn tăng giá, nhiều người nội trợ có xu hướng tăng cường thịt gà cho bữa ăn gia đình. Có lẽ đây là nguyên nhân khiến thịt gà tăng giá".
Ghi nhận tại một số siêu thị và cửa hàng tiện lợi cho thấy, giá gà ta 1/2 con đang ở mức 92.500 đồng/kg; cánh gà công nghiệp có giá 48.900 đồng/kg, đùi gà tháo khớp có giá là 48.500 đồng/kg, chân gà công nghiệp 110.000 đồng/kg, má đùi gà công nghiệp PC có giá 73.000 đồng/kg, phi lê gà công nghiệp có giá 82.000 đồng/kg…
Người tiêu dùng ngóng chờ giá "hạ nhiệt"
Một quầy thực phẩm cấp đông nhẹ ở chợ Bưởi.
Mặc dù giá thực phẩm tăng, nhất là vào dịp cận kề Tết Nguyên đán nhưng người tiêu dùng như chị Lan Anh (38 tuổi, ở Yên Hòa, Cầu Giấy) cũng không thể bỏ thịt gà, thịt lợn để chuyển hướng sang thịt bò, hoặc các mặt hàng thực phẩm khác.
Chị Lan Anh cho biết: "Tổng thu nhập của cả hai vợ chồng chỉ dừng lại ở mức xấp xỉ 20 triệu đồng/tháng nên mức chi tiêu cho các bữa ăn của gia đình 4 người nhà tôi chỉ dừng lại ở ngưỡng 4 – 5 triệu đồng/tháng. Nếu ở thời điểm đầu năm chúng tôi thường xuyên thay đổi món ăn bằng hải sản như cua, ghẹ, cá hồi… thì bây giờ, số lượng thay thế bằng các mặt hàng thực phẩm trên đã giảm hơn, bởi giá thịt lợn tăng cao. Sở dĩ chúng tôi không thể bỏ hẳn thịt lợn hoặc tạm ngưng để chuyển hướng sang các thực phẩm khác là bởi thịt lợn là nguyên liệu dễ dàng biến tấu thành nhiềumón ăn, kích thích vị giác của con trẻ. Tuy nhiên, giá cả thịt lợn như thế này thì chúng tôi cũng phải mua thịt lợn ít hơn, để đảm bảo khoản chi phí đi chợ hàng ngày".
Cùng cảnh với chị Lan Anh nhưng mức chi tiêu cho cả gia đình bà Vũ Thị Kim Hồng (62 tuổi, ở Nhân Chính, Thanh Xuân) lại "dễ thở" hơn, bởi dù nhà giữa phố nhưng khu vực ban công và sân thượng của ngôi nhà 6 tầng, bà Hồng tận dụng làm mô hình VAC (vườn, ao, chuồng) thu nhỏ. Bà Hồng cho biết: "Vườn nhà tôi có gần 20 con gà và một bể cá ở trên sân thượng, chưa kể rau xanh. Vì vậy, mối quan tâm duy nhất của tôi là giá thịt lợn. Mặc dù gia đình sử dụng các loại thực phẩm khác thay thế thịt lợn nhưng chỉ được phần nào, nên chúng tôi trông chờ giá thịt lợn "hạ nhiệt" để yên tâm về bữa ăn gia đình".
Giá tăng cũng khiến không ít người tiêu dùng "kén" chọn thực phẩm hơn. Chị Hằng (tiểu thương ở chợ Phùng Khoang, Thanh Xuân) cho biết, để khách hàng yên tâm về nguồn thực phẩm thì mẹ con chị chấp nhận vất vả hơn để thực hiện thêm khâu sơ chế.
Chị Hằng cho biết: "Mỗi ngày, mẹ con tôi nhập khoảng 1 tạ gà để bán. Tôi đặt cả lồng gà ở chợ, khi khách lựa chọn, mẹ tôi phải cân gà rồi giết mổ tại chỗ. Dù người bán sẽ vất vả hơn nhưng bằng cách này, người tiêu dùng sẽ được đáp ứng đúng tiêu chí hàng tươi ngon, giết mổ tại chỗ. Khách hàng chứng kiến cả khâu sơ chế và thấy được, đây là thực phẩm rất tươi mà giá thành không nhỉnh hơn so với giá chung, nên so với thực phẩm cấp đông, chúng tôi bán chạy hàng hơn nhiều".
Việt Nam phải nhập khẩu thịt lợn dịp Tết Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, đến thời điểm này, số lượng lợn trên cả nước còn khoảng 25 triệu con, trong đó lợn nái là 2,7 triệu con, lợn giống thuần chủng là 109.000 con. Tại các địa phương, giá thịt lợn đã dịu xuống, hiện dao động từ 66.000-70.000/kg. Tuy nhiên, do thiếu nguồn cung thịt lợn nên trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu khoảng 200.000 tấn thịt lợn từ nguồn là các nước có hiệp định thương mại song phương. |
Nguồn: [Link nguồn]
Nguồn cung giảm do dịch tả heo châu Phi hoành hành đã khiến giá thịt heo hơi tiếp tục tăng mạnh, có nơi giá lên tới gần...