CPI tăng, lại lo "bom" lạm phát nổ

Ngày 24-9, Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng 9 tăng 2,2% so với tháng 8. Như vậy, sau vài tháng chỉ số giá âm, rồi tới một tháng tăng nhẹ, chỉ số giá tháng 9 đã tăng rất mạnh. Đây cũng là điều đã được cảnh báo từ trước về nỗi lo nếu kiểm soát không tốt, nguy cơ lạm phát cao quay trở lại là điều khó tránh. PV trao đổi nhanh với chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm (nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam):

* Thưa ông, chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng 9 tăng 2,2% so với tháng 8 có quá đột ngột?

-  Điều này đã nằm trong dự đoán. Tháng 9 và các tháng cuối năm CPI sẽ tăng cao. Tuy nhiên, tôi tin CPI cả năm 2012 cũng chỉ tăng khoảng 8% nhưng với điều kiện công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ phải chặt chẽ. Tiền bơm ra phải kiểm soát được. Còn nếu không, chắc chắn lạm phát sẽ bùng phát mạnh trong những tháng cuối năm.

* Ông dự kiến CPI các tháng cuối năm sẽ tăng ở mức nào?

* Như tôi đã nói, CPI các tháng cuối năm sẽ tăng như thông lệ nhưng cả năm chắc cũng chỉ khoảng 8%. Sở dĩ CPI các tháng cuối năm sẽ tăng cao là thời điểm các bộ ngành, địa phương phải hoàn thành kế hoạch năm để thực hiện quyết toán, vì vậy tiền bơm ra thị trường sẽ nhiều lên. Mặt khác, các mặt hàng thiết yếu được định hướng bám sát giá cơ chế thị trường cũng sẽ có tác động lan tỏa. Khi ngân sách đưa tiền ra nhiều hơn, các ngân hàng tín dụng cũng gia tăng tín dụng về cuối năm sẽ kích thích lạm phát tăng cao. Vì vậy, Chính phủ phải quản lý thật chặt dòng tiền bơm ra.

* Giá xăng dầu, giá điện tác động rất lớn đến CPI. Theo ông, từ nay đến cuối năm, phải điều hành giá các mặt hàng này như thế nào để không gây tác động tiêu cực lên chỉ số giá?

- Giá xăng dầu phải theo giá thị trường thế giới nên vẫn phải chấp nhận lên xuống, tuy nhiên, cơ quan điều hành giá có thể vận dụng linh hoạt công cụ thuế nhập khẩu, quỹ bình ổn giá để việc điều chỉnh giá xăng dầu ở mức hợp lý nhất, ít tác động nhất. Còn với giá điện, dù các đơn vị đề xuất tăng giá thì Chính phủ cũng cần kiên quyết kiềm lại. Đối với giá các mặt hàng thiết yếu, Chính phủ phải kiểm soát hết sức chặt chẽ, kiên quyết trong việc kiểm tra, thanh tra để ngăn chặn các hành vi trục lợi, té nước theo mưa, lợi dụng để tăng giá hàng hóa vô tội vạ.

* Nhưng quan trọng nhất là vẫn phải kiểm soát dòng tiền bơm ra, đúng không thưa ông?

- Đúng vậy. Tiền ngân sách bơm ra phải đúng địa chỉ, phải bảo đảm tạo việc làm, kích thích tăng trưởng, ưu tiên các dự án hoàn thành sớm thì mới có được CPI dưới 1 con số như kế hoạch đề ra. Còn nếu như vẫn bơm tiền tràn lan, đầu tư vào các lĩnh vực, dự án không hiệu quả thì CPI bùng phát trở lại là điều tất yếu.

"Chính phủ đặt mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, luôn cảnh giác với lạm phát cao có thể quay trở lại. Chính phủ kiên trì giữ các biện pháp điều hành để giữ lạm phát năm 2012 ở mức dưới 1 con số. Dự báo lạm phát có thể giữ ở mức 7% cả năm và tiếp tục sẽ giảm trong những năm tới"

Vũ Đức Đam
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phan Thảo (Sài Gòn giải phóng)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN