Cách tính giá xăng sẽ có nhiều thay đổi?

Sự kiện: Giá xăng

Việc cơ quan điều hành đề xuất rút ngắn chu kỳ điều hành giá xăng dầu trong nước để tiệm cận với giá thế giới là hợp lý.

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến cho dự thảo sửa đổi Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu. Trong đó có hai điểm đáng chú ý là: Thay đổi công thức tính giá cơ sở xăng dầu và thời gian điều chỉnh giá xăng dầu giảm xuống chỉ còn 10 ngày thay vì 15 ngày như hiện nay.

Giá xăng dầu trong nước bám sát giá thế giới

Trong dự thảo sửa đổi, Bộ Công Thương đưa ra công thức mới tính giá cơ sở xăng dầu được xác định từ cơ cấu tỉ trọng gồm cả hai nguồn nhập khẩu và sản xuất trong nước, thay vì chỉ trên giá nhập khẩu như trước đây. Cụ thể, giá xăng dầu từ nguồn nhập khẩu được xác định bằng giá xăng dầu thế giới + chi phí định mức tối đa đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam + chi phí kinh doanh định mức tối đa + mức trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu + lợi nhuận định mức + các khoản thuế, phí và trích nộp khác theo quy định.

Còn với giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, Bộ Công Thương đề xuất hai phương án nhưng nghiêng về phương án 1: Giá cơ sở được xác định trên cơ sở giá xăng dầu thế giới cùng với khoản chênh lệch so với giá xăng dầu thế giới để xác định giá mua bán xăng dầu thực tế (premium), chi phí định mức tối đa đưa về cảng, thuế tiêu thụ đặc biệt cùng các loại thuế, phí. “Phương án này sát thực tế và thông lệ mua bán xăng dầu trên thế giới, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp tạo nguồn” - Bộ Công Thương giải thích.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, giảng viên Học viện Tài chính, cho rằng về cơ bản, công thức tính giá cơ sở xăng dầu mới theo dự thảo là hợp lý. Lý do hiện nay sản xuất xăng dầu trong nước đã chiếm hơn 70% nhu cầu tiêu thụ trong nước nên tính theo công thức cũ không ổn mà phải tính cả hai nguồn. Nguồn nhập khẩu tính theo công thức cũ của Nghị định 83/2014, còn nguồn sản xuất trong nước tính theo các loại thuế, phí sản xuất, kinh doanh trong nước.

Người dân đang đổ xăng tại một trạm xăng ở TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Người dân đang đổ xăng tại một trạm xăng ở TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Ông Thịnh cho rằng về nguyên tắc, sản xuất trong nước sẽ có giá thành cơ sở rẻ hơn so với giá nhập khẩu. Sau đó, khi tính giá bình quân của hai nguồn này thì giá xăng dầu sẽ giảm đi so với giá nhập khẩu trước đây và sự phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới cũng giảm đi rất nhiều.

Đại diện Công ty Saigon Petro phân tích hiện nay có nhiều nguồn cung xăng dầu khác nhau, vì vậy việc đưa ra công thức mới tính giá cơ sở xăng gồm cả sản phẩm sản xuất trong nước là hợp lý, tạo sự công bằng cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần phải công khai giá bán xăng dầu của các nhà máy trong nước. Bởi hiện nay tùy khách hàng mà các nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Bình Sơn bán với giá khác nhau.

Hơn nữa, dù các đầu mối mua xăng dầu từ các nhà máy trong nước nhưng giá cơ sở vẫn được tính dựa trên giá CIF (giá tính tại cầu cảng của nước nhập khẩu) cộng thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt nhân tỉ giá ngoại tệ cộng thuế giá trị gia tăng và nhiều loại thuế, phí khác. Đồng thời, các đơn vị mua hàng từ các nhà máy trong nước được lợi thế không phải chịu thuế nhập khẩu nhưng vẫn phải tính phụ phí thêm 10% đối với xăng vào giá mua. “Do đó, dù các đơn vị đầu mối mua trong nước hay nhập nước ngoài thì giá cũng không chênh lệch nhiều. Đây là điều bất hợp lý” - Saigon Petro phân tích.

Mở cửa cho nhà đầu tư ngoại

Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 83/2014 nêu rõ: Ngoài các thương nhân kinh doanh xăng dầu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, thương nhân kinh doanh xăng dầu có tổ chức hoạt động sản xuất xăng dầu được chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng không quá 35%.

Về nội dung này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú đề xuất trước mắt nên cho phép một số nhà đầu tư nước ngoài vào kinh doanh xăng dầu với khoảng 12%-15% thị phần, sau đó nâng lên không quá 40% thị phần. “Chúng ta phải nắm 55%-60% thị phần để giữ vững vai trò chủ đạo với mặt hàng này” - ông Phú đề xuất. 

Nên rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xuống bảy ngày

Dự thảo sửa đổi Nghị định 83/2014 đề xuất: Thời gian điều chỉnh giá xăng dầu từ 15 ngày xuống còn 10 ngày, tức rút ngắn năm ngày so với hiện hành. Đại diện Công ty Saigon Petro đánh giá việc rút ngắn thời gian điều hành là hướng tích cực.

“Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị liên bộ Tài chính - Công Thương sửa đổi Nghị định 83 theo hướng rút ngắn thời gian chu kỳ điều hành giá xăng dầu từ 15 ngày xuống còn bảy ngày. Có như vậy mới tiệm cận với diễn biến giá xăng dầu thế giới đầy khó lường, đồng thời hạn chế việc các đầu mối nhỏ trục lợi cơ chế điều hành giá vì họ chỉ nhập hàng nhanh khi có lãi, đến khi lỗ thì không nhập gây áp lực cho các đầu mối lớn, thậm chí khiến thị trường khan hiếm xăng” - Saigon Petro cho biết.

Ông lớn xăng dầu này dẫn chứng giá xăng dầu thế giới bắt đầu tăng trở lại từ đầu tháng 5-2020 và tăng sốc trong những ngày cuối tháng. Tuy nhiên, theo Nghị định 83, chu kỳ điều hành giá xăng dầu trong nước hiện nay tối thiểu 15 ngày nên ngay tại thời điểm điều hành giá xăng dầu ngày 13-5, công ty lỗ hơn 1.000 đồng/lít xăng và dầu DO lỗ hơn 400 đồng/lít.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại TP Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng thời gian tăng giảm giá xăng nên rút xuống còn bảy ngày để theo sát hơn tình hình thị trường. Vì với chu kỳ nửa tháng mới điều chỉnh một lần như hiện nay là chậm, không theo kịp diễn biến giá xăng dầu quốc tế.

Đặc biệt, ông Phú kiến nghị nên bỏ lợi nhuận định mức, quỹ bình ổn xăng dầu trong giá cơ sở như hiện nay. “Kinh doanh mà có lợi nhuận định mức thì hầu như chỉ có lời mà không lỗ bao giờ. Còn quỹ bình ổn hiện nay sử dụng lại không lấy từ nguồn ngân sách, không lấy từ nguồn tích lũy doanh nghiệp mà thu từ người tiêu dùng là không hợp lý. Do vậy, cần có cơ chế để các đơn vị kinh doanh xăng dầu tự trích lập phục vụ cho việc kinh doanh của mình” - ông Phú phân tích.

Phải giảm thuế, phí với xăng

Theo công thức tính giá cơ sở tại Nghị định 83/2014, tỉ trọng thuế, phí các loại trong mỗi lít xăng có thời điểm lên đến gần 70%. Do vậy, nhiều chuyên gia cho rằng dù áp dụng cách tính giá cơ sở xăng dầu mới thì tỉ trọng các loại thuế, phí trong mỗi lít xăng dầu không thay đổi so với trước.

Điều này có nghĩa là giá bán lẻ cuối cùng tới tay người tiêu dùng vẫn chênh nhiều so với giá thực thế giới. Do đó, Nhà nước cần phải giảm thuế, phí mà hiện mỗi lít xăng dầu đang phải gánh thì người dân mới được nhờ. 

Giá xăng giảm kể từ 15h chiều nay 11/9

Liên Bộ Công Thương - Tài chính vừa công bố quyết định điều chỉnh giảm giá xăng dầu trên thị trường trong nước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo AN HIỀN - TÚ UYÊN ([Tên nguồn])
Giá xăng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN