Bưởi da xanh chỉ còn 8.000 đồng/kg, nhà vườn định chặt bỏ hàng trăm gốc
Bưởi da xanh giá thấp khiến nhiều nhà vườn thất thu, có ý định chặt bỏ để thay đổi cây trồng khác.
Với 250 gốc bưởi da xanh, anh Hồ Trung Cẩm (Đồng Nai) cho biết năm nay có thể sẽ chặt bỏ toàn bộ để chuyển đổi cây trồng khác. “Bưởi mấy năm nay đều giá rẻ, năm nay có nhà vườn chỉ bán được 8.000 – 9.000 đồng/kg, bưởi đẹp được giá tầm 15.000 – 16.000 đồng/kg. Với giá này, người trồng bưởi không có lãi, chỉ thấy lỗ thêm”, anh chia sẻ.
Khoảng 6-7 năm về trước, bưởi da xanh là mặt hàng “hot”, số lượng có đến đâu cũng bán hết đến đó. Anh cho biết thời điểm đó anh bán giá bưởi lên đến 40.000 – 50.000 đồng/kg. Mức giá đó giúp người trồng thu được lợi nhuận cao từ cây trồng này.
Bưởi da xanh giá thấp khiến nhà vườn không buồn thu hoạch.
Hơn 2 năm nay, giá bưởi da xanh xuống thấp, có thời điểm dịch bùng phát ở nước ta khiến bưởi không tiêu thụ được. Còn năm nay, giá bưởi da xanh xuống thấp như vậy, người trồng không có công, thậm chí là lỗ lớn. “Vì giống bưởi này mất rất nhiều công và thời gian, tiền bạc chăm sóc. Cứ trung bình 1 tuần, người trồng phải xịt thuốc bảo vệ thực vật một lần vì bưởi da xanh rất nhiều sâu bệnh.
Đến mùa chuẩn bị ra hoa, nhiều nhà vườn còn thuê nhân công tỉa lá để chúng ra nụ, hoa nhiều hơn. Công tỉa lá khoảng 500.000 đồng/người/ngày. Theo anh Cẩm, do giá bán rẻ, anh đã bỏ chăm sóc cả năm nay. Năm nay, bưởi nhà anh vẫn có quả nhưng số lượng ít.
“Giá bán thấp quá tôi cũng không buồn thu hoạch, kệ cho chúng rụng đầy vườn. Vài hôm nữa, tôi định chặt bỏ hết, không để lại cây nào thay bằng trồng mít để đem lại lợi nhuận cao mà ít công chăm sóc”, anh nói.
Cũng trồng bưởi hơn chục năm nay, anh Tâm (Bến Tre) cho biết giá bưởi da xanh đợt này xuống thấp khiến các nhà vườn thất thu. “Nếu như trước, một vườn bưởi da xanh có thể thu lãi lớn vì bán giá lên đến 40.000 – 50.000 đồng/kg thì 2 năm nay, bưởi da xanh xuống thấp quá, nhà vườn nào tự làm còn có chút ít công, nếu thuê người làm sẽ lỗ”, anh nói.
Nhiều nhà vườn còn để bưởi rụng đầy gốc.
Để có thêm thu nhập, anh thường trồng xen những gốc dừa xiêm xanh vào cùng bưởi trong vườn. Theo anh, dừa xiêm chăm sóc ít hơn lại chịu được hạn mặn, sau 3 năm sẽ thu hoạch.
Bưởi rớt giá tiếp tục thời gian nữa, anh cho biết có thể sẽ chặt bớt đi và trồng sang loại cây khác đem lại kinh tế cao.
Ở vùng ĐBSCL, Bến Tre là địa phương có diện tích trồng bưởi da xanh nhiều nhất với khoảng 9.000ha, tập trung ở các huyện Mỏ Cày Nam, Châu Thành, Chợ Lách, Giồng Trôm, thành phố Bến Tre…, đây cũng là cây trồng chủ lực của tỉnh. Ngoài ra, một số tỉnh ở ĐBSCL cũng trồng bưởi da xanh.
Ông Đàm Văn Hưng - chủ cơ sở kinh doanh trái cây tỉnh Bến Tre, cho biết bưởi da xanh cũng giống như một số loại nông sản khác, phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc vì xuất bán sang đó nhiều nhất. “Nếu xuất thuận lợi thì giá tăng. Còn không thì giá giảm mạnh và khó bán hơn”, ông nói.
Trao đổi về vấn đề này, ông Võ Văn Nam, Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, thông tin dù cuối tháng 11 năm ngoái, Bến Tre là địa phương đầu tiên xuất lô bưởi da xanh đi Mỹ hơn 100 tấn. Tuy nhiên, ông cho biết phần lớn diện tích bưởi xuất khẩu hiện nay chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ.
Theo ông, kể từ sau đợt dịch, do thị trường tiêu thụ lớn là Trung Quốc vẫn chưa mở cửa, bưởi cũng như nhiều nông sản khác vì vậy rớt giá kéo dài.
Nguồn: [Link nguồn]
Đây đều là việc thời vụ, có những việc đòi hỏi phải có kiến thức và kinh nghiệm mà không phải ai cũng có thể làm được.