"Bó tay" trước giá sữa!

Cuối tháng 2 và đầu tháng 3, giá bán các loại sữa bột cả nội và ngoại trên thị trường đồng loạt thông báo tăng 10% khiến người tiêu dùng không khỏi lo ngại. Theo các ngành chức năng, có dấu hiệu doanh nghiệp (DN) sữa lợi dụng việc thay đổi bao bì để lách luật.

Giá sữa như "ngựa bất kham"

Khảo sát của phóng viên tại thị trường Hà Nội ngày 26/2 cho thấy, nhiều cửa hàng thông báo không nhập được sữa Friso trong những ngày gần đây. Nhân viên cửa hàng Baby Sky trên phố Nguyễn Khang cho biết, sau Tết không nhập được sữa Frisolac Gold. “Có thể do đón trước thông tin tăng giá từ ngày 1/3 nên các đại lý lớn không đưa hàng”- nhân viên cửa hàng Baby Sky cho biết.

Tại đại lý sữa Nghi Nga khá lớn trên phố Tây Sơn, nhân viên cũng cho biết sữa Frisolac Gold 1 (dành cho trẻ dưới 6 tháng tuổi) không còn hàng và thông báo giá sắp tăng 10%. Tại cửa hàng Mai Hương Đồng cỏ xanh cũng trên phố Tây Sơn, sữa Frisolac Gold 1 còn hàng nhưng giá đã tăng lên 445.000 đồng/hộp 900 gam.

“Tuần trước giá bán ra là 438.000 đồng/hộp nhưng đợt này công ty không chiết khấu cho cửa hàng 2% nên giá bán tăng lên 445.000 đồng. Từ 1/3, giá sữa sẽ tăng 8%. Giá cửa hàng nhập vào đã 456.000 đồng/hộp nên giá bán đến người tiêu dùng sẽ phải cao hơn nữa”- Nhân viên bán hàng cho biết.

Lý giải cho việc tăng giá, đại diện Cty FrieslandCampina Việt Nam cho rằng, việc điều chỉnh giá một số sản phẩm sữa Friso và Dutch Lady với mức tăng từ 8- 9% là bất khả kháng bởi công ty đã đầu tư lớn cho việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới. Đây là lần điều chỉnh giá đầu tiên cho các sản phẩm này kể từ tháng 9/2011.

"Bó tay" trước giá sữa! - 1
Vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để quản giá sữa..?

Không chỉ sữa Friso tăng giá, từ 1/3 sữa Abbott cũng tăng khá mạnh. Ông Đỗ Thái Vương, Giám đốc đối ngoại Abbot Nutrition International Việt Nam, cho biết, công ty tăng giá từ 2% đến 9% tùy sản phẩm, áp dụng từ ngày 1/3. Theo đó, sữa Gain Plus IQ 900 g tăng lên 474.000 đồng/hộp, Pediasure 1,7kg tăng lên 981.000 đồng/hộp.

Điều đáng nói là trước đó từ giữa tháng 9/2012, với lý do thay đổi mẫu mã một số sản phẩm của Abbott đã tăng giá 10%. Ví như Similac IQ đổi thành Abbott Grow 1, giá tăng từ 275.000 đồng/hộp 900 gam lên 303.000 đồng/hộp.

Không chỉ sữa ngoại, mà sữa nội cũng tăng giá mạnh. Ông Trần Hữu Đức, Giám đốc đối ngoại Nutifood cho biết, công ty đã gửi công văn đến hệ thống siêu thị sẽ tăng giá trung bình 10%, áp dụng là ngày 18/3. Riêng hàng bình ổn sẽ tăng giá từ ngày 1/4.

Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) cũng thông báo điều chỉnh giá bán một số nhóm sản phẩm tăng khoảng 7% để bù đắp một phần chi phí nguyên liệu đầu vào nhập khẩu đã tăng hơn 20% từ giữa năm 2012. Những mặt hàng đang tham gia bình ổn giá từ ngày 1/4/2012, Vinamilk vẫn thực hiện cam kết không điều chỉnh giá cho đến hết ngày 1/4/2013.

Dùng chiêu cũ - Thay tem nhãn để tăng giá

Theo các ngành chức năng, thực tế giá sữa nguyên liệu nhập khẩu trong nhiều tháng qua không tăng, các chi phí đầu vào vẫn ổn định. Hiện giá sữa nguyên liệu loại nguyên kem nhập khẩu khoảng 90.000 đồng/kg, sữa gầy hơn 80.000 đồng/kg. Ngoài ra, các chi phí khác như vỏ hộp, nhân công, khấu hao thiết bị máy móc, các chất bổ sung không nhiều. Một hộp sữa loại 900g có giá thành 120.000- 130.000 đồng/hộp, trong khi giá bán trên thị trường dao động 250.000- 510.000 đồng/hộp. Do đó, DN không có lý do gì để điều chỉnh tăng giá trong thời điểm này. Sở dĩ các hãng sữa ngoại đua nhau tăng giá bán nhằm tăng doanh thu để bù cho sức tiêu thụ trong năm qua giảm mạnh, trong khi chi phí cho quảng cáo, tiếp thị… không cắt giảm. Nếu doanh số bán hàng sắp tới vẫn không đạt thì đến giữa năm sẽ có thêm đợt tăng giá mới.

Trong những lần tăng giá trước, các DN thường viện cớ giá sữa nguyên liệu tăng, lần này nguyên nhân tăng giá là thay đổi thiết kế mẫu mã bao bì khiến giá thành tăng cao. Nhiều DN còn chọn cách đổi tên sản phẩm từ sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thành sản phẩm dinh dưỡng như "sản phẩm dinh dưỡng đặc biệt" của Pedia Sure dành cho trẻ 1- 10 tuổi; "thức ăn công thức dinh dưỡng" của Lactogen Gold 2 dành cho trẻ 6- 12 tháng tuổi… dù thành phần nguyên liệu không có gì khác với sản phẩm "sữa bột".

Theo Thông tư 122/2010 của Bộ Tài chính, mặt hàng sữa thực hiện đăng ký giá là sữa pha chế theo công thức dạng bột cho trẻ em dưới 6 tuổi. Việc đăng ký giá được thực hiện trước khi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh bán sản phẩm lần đầu ra thị trường. Ngoài ra, cách ghi tên gọi sản phẩm như trên cũng lách được quy định tại Luật Giá có hiệu lực từ ngày 1/1/2013. Theo đó, DN phải kê khai giá mỗi lần điều chỉnh đối với mặt hàng sữa bột cho trẻ dưới 6 tuổi. Ghi nhận trên thị trường cho thấy nhiều sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được ghi trên bao bì với tên gọi "sản phẩm dinh dưỡng" để tránh phải đăng ký lại giá mỗi khi điều chỉnh tăng theo quy định mới.

Nguyên liệu không tăng, chi phí đầu vào ổn định… Rõ ràng, việc các DN sản xuất sữa viện lý do thay đổi mẫu mã bao bì… để tăng giá bán sản phẩm là hành vi lách luật, làm thiệt hại cho người tiêu dùng? Hành vi này cần được các ngành chức năng nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền phương án xử lý hợp tình hợp lý.

Theo quy định hiện hành, trước khi tăng giá sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi các doanh nghiệp phải kê khai và đăng ký mức giá điều chỉnh. Nhưng hiện nay đa số các doanh nghiệp chỉ thông báo việc tăng giá đến cơ quan quản lý.

Ngoài ra, với việc thay đổi tên sản phẩm từ sữa bột sang “sản phẩm dinh dưỡng” thì các doanh nghiệp sữa đã lách được việc kê khai và đăng ký giá khi điều chỉnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo P.V (VietQ)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN