Bất ngờ thương lái lùng mua cau tươi với giá cao gấp 10 lần, lý do là gì?
Giữa thời điểm các loại trái cây đều rớt giá thê thảm thì khắp nơi thương lái lại lùng mua cau tươi với giá cao chưa từng thấy, thậm chí lên đến 90.000 đồng/kg khiến nhiều người không khỏi “giật mình”.
Thời gian gây đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, một số địa phương và các thành phố lớn đều áp dụng lệnh giãn cách xã hội. Nhà hàng, quán ăn, bếp ăn tập thể hầu hết phải tạm dừng hoạt động đã khiến các loại trái cây tại nhà vườn rớt giá.
Tuy nhiên, một loại trái cây mà cây của nó thường chỉ dùng để làm cảnh và rất ít người ăn được thì lại được đội giá lên gấp 4-5 lần, thậm chí có nơi tăng gấp 10 lần thời điểm trước dịch, đó là quả cau tươi.
Cau tươi tăng giá gấp nhiều lần, thương lái khắp nơi lùng mua.
Trồng hơn 20 cây cau trong vườn nhà suốt hơn 20 năm qua để cho đẹp nhưng anh Nguyễn Văn Hòa, trú tại xã Kim Châu, huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) lại hết sức bất ngờ khi mấy ngày nay thương lái đến đặt mua với giá 90.000 đồng/kg từ lúc cau còn non.
“Tháng trước tôi có mấy cây được thu hoạch, lái đến mua với giá 45.000 đồng/kg là thấy cao lắm rồi vậy mà mấy hôm nay họ đến trả 75.000 đồng. Cau còn non, chưa thu hoạch được nhưng có người trả 86.000 đồng, có người lại điện thoại bảo để đó khi nào được thu họ đến thu mua hết với giá 90.000 đồng”, anh Hòa nói.
Theo anh Hòa, trước đây cây cau chỉ được trồng cho đẹp, đôi khi không bán được quả, để rụng. Đợt nào giá cao lắm cũng được 7-8.000 đồng/kg. Mỗi buồng cau nặng 30-40kg cũng được vài trăm nghìn đồng. Tuy nhiên vào mùa cau năm ngoái giá cau bắt đầu lên cao, 40-45.000 đồng/kg, năm nay thì cao không tưởng.
Với 20 cây cau, dự tính khoảng 1 tháng nữa cho thu hoạch, nếu được giá như hiện tại thì anh Hòa có thể thu về vài chục triệu đồng.
Đối với cau đẹp, thương lái có thể mua với giá 70.000 đồng/kg.
Là thương lái thu mua cau tươi trên địa bàn huyện Cư Kuin, anh Chương cho biết hiện tại mình đang đi thu mua cau của bà con khắp các huyện lân cận với giá từ 6-70.000 đồng/kg tùy loại xấu hay đẹp rồi cân cho các vựa thu mua với giá 70-75.000 đồng/kg.
“Các vựa mua bao nhiêu thì tôi lại đi cắt của bà con bấy nhiêu, lấy công làm lời thôi chứ giá lên thì tôi mua lên, giá xuống tôi mua xuống thôi. Ngày nào mua được nhiều thì trèo được 200-300 cây. Mọi người trèo bằng dây buộc ở chân chứ tôi trèo chân không thôi, tầm 2 phút 1 cây”, anh Chương nói.
Theo anh Chương, năm 2018-2019, giá cau chỉ khoảng 7-8.000 đồng/kg nhưng 2 năm nay giá cau tăng cao, bao nhiêu cau vựa cũng thu mua hết. Vì vậy, dân các huyện ở đây đua nhau trồng cau với số lượng lớn.
Tuy nhiên, anh Chương cho rằng, người dân ồ ạt trồng cau rất nguy hiểm bởi họ chỉ mua giá cao trong một thời gian nhất định. Khi người dân đổ xô đi trồng, cung vượt cầu sẽ dẫn đến mất giá hoặc giá rẻ như cho.
Trong khi đó, từ khi trồng đến khi cây cau ra trái phải mất ít nhất 4 năm. Ngoài ra, các vựa chỉ mua cau quả dài, không mua cau quả tròn nên bà con cũng hết sức cẩn thận khi mua cây giống.
Cau tươi được các vựa thu mua rồi sấy khô và bán cho thương lái Trung Quốc.
Là người chuyên thu mua cau khô cho các thương lái Trung Quốc, chị Dương Mỹ Hương (Đắk Lắk) cho biết, cau ở Đắk Lắk luôn có giá cao nhất bởi thổ nhưỡng và khí hậu ở đây phù hợp với cây cau. Vì vậy, trái cau thon dài, các xơ cau suôn, đều và nhiều thịt.
Ngoài ra, theo chị Hương, cau được các vựa cau thu mua rồi mang đi sấy và xuất đi Trung Quốc để họ làm thuốc và sản xuất kẹo cau.
“Người Trung Quốc rất thích ăn kẹo cau. Vào mùa đông khi ngủ dậy họ thường ăn kẹo cau cho khỏe người nên khi họ làm kẹo thì loại cau thon dài sẽ ngon hơn. Vì vậy, các vựa cau cũng sẽ chỉ lựa chọn cau trái dài để mua với giá cao”, chị Hương nói.
Theo tìm hiểu của PV, không chỉ tại Đắk Lắk mà hầu hết các tỉnh thành trong cả nước giá cau tươi đều được thu mua với giá cao “ngất ngưởng”. Đơn cử như tại các tỉnh miền Bắc, giá cau giao động ở mức 30-40.000 đồng/kg, các tỉnh miền Nam cũng có giá từ 45-60.000 đồng/kg, cao gấp nhiều lần so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát.
Loại quả này mọc hoang trên các cánh rừng khắp các tỉnh miền núi nước ta, chỉ bé bằng ngón tay út, hình tròn, có màu...
Nguồn: [Link nguồn]