Thư EURO 2020: Những câu hỏi cho UEFA trước đại chiến chung kết Anh vs Italia
Cho dù EURO 2020 còn một chặng cuối cùng - trận chung kết Italia - Anh tại SVĐ Wembley tối 11/7 (2h sáng theo giờ Việt Nam) - nhưng Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) đã phải đứng trước một số vấn đề cần có câu trả lời, liên quan tới sức cuốn hút to lớn của sự kiện này, về khía cạnh dịch bệnh và công tác tổ chức.
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu (ECDC) trong một báo cáo mới nhất về đại dịch COVID-19 cho tới ngày 8/7/2021, cho rằng cho tới khi đó, đã có 2.525 ca nhiễm bệnh liên quan tới EURO 2020. Scotland là quốc gia có nhiều mối liên quan nhất với 1.991 ca nhiễm, sau đó đến Phần Lan (481 ca), Đan Mạch (35 ca) và Đức (18 ca). Pháp, Thụy Điển, Croatia và Hà Lan cũng có mặt trong báo cáo này.
Cổ động viên Anh ăn mừng chiến thắng sau trận bán kết gặp Đan Mạch
Điều thú vị nhất là Hungary, một trong 11 địa điểm đăng cai giải lần này, và là điểm duy nhất mà SVĐ Puskás Aréna được sử dụng với 100% sức chứa để đón khách, thì lại được xem là không có ca nhiễm nào liên quan tới EURO 2020. Nước này trong nhiều tuần nay được coi là về căn bản đã chế ngự được dịch bệnh, trong khi ở nhiều quốc gia, biến thể Delta được nhận định sẽ làm bùng nổ làn sóng thứ tư sắp tới.
Chủ tịch UEFA, ông Aleksander Ceferin cho rằng các đội tham dự giải đã ứng xử hết sức chuyên nghiệp, và tại các sân bãi, các biện pháp phòng dịch cũng rất nghiêm túc. Tuy nhiên, theo ECDC, ở nhiều địa điểm tổ chức, việc phòng dịch tỏ ra lơi là và khả năng là các ca nhiễm có nguy cơ sẽ tăng ở đó. Hơn thế nữa, xét nghiệm âm tính PCR không phải là điều đảm bảo để loại trừ hoàn toàn khả năng lây nhiễm bệnh.
Tất nhiên, những hệ lụy đi kèm EURO 2020 về mặt dịch bệnh, có thể cần thêm một thời gian nữa để xác quyết. Dầu vậy, nước Đức đã tính đến khả năng tiêm mũi nhắc thứ ba để đề phòng, và nhiều nước châu Âu đang chuẩn bị cho sự trở lại của dịch bệnh vào cuối tháng này, với một làn sóng mới có thể không mãnh liệt bằng làn sóng thứ 3 vừa rồi, nhưng vẫn có thể hàm chứa nhiều điểm bất ngờ do biến thể Delta.
Một câu hỏi khác được đặt ra là về mặt tổ chức, việc có tới 11 thành phố châu Âu cùng tham gia “phi vụ” EURO 2020, mặc dù được sự hưởng ứng của nhiều “fan” hâm mộ - đặc biệt là ở những quốc gia mà nếu “một mình” thì rất ít có khả năng được đăng cai một sự kiện lớn như thế này -, nhưng có thực sự là một mô hình đáng được lặp lại trong những kỳ sau hay không? Câu trả lời sơ bộ rất có thể là “không”, theo UEFA.
Ông Aleksander Ceferin trong một phát biểu với BBC, nói rằng trong tương lai ông không ủng hộ hình thức này, vì nó không công bằng: một số đội hầu như toàn được chơi trên sân nhà, trong khi đó các đội khác phải di chuyển hơn 10 ngàn cây số trong thời gian diễn ra giải. Điều này cũng không công bằng với cả các CĐV. “Cách tổ chức này thú vị, nhưng khó thực hiện, tôi không nghĩ là chúng tôi sẽ lặp lại”, ông cho hay.
Chủ tịch UEFA, ông Aleksander Ceferin
Cần biết là cách tổ chức của giải lần này được quyết định bởi các lãnh đạo tiền nhiệm của UEFA, còn ông Aleksander Ceferin - nhà ngoại giao thể thao người Slovenia - thì mới nhậm chức Chủ tịch UEFA năm 2016. Di chuyển nhiều và bất công đã là một vấn đề nổi cộm với không ít đội tuyển, và xét về mặt môi trường, cũng là điều không tốt cho nỗ lực một kỳ EURO “xanh”, thân thiện với môi trường mà UEFA kêu gọi.
Trước đây, thủ quân của tuyển Wales - Chris Gunter - đã gọi kỳ giải năm nay là nực cười về cung cách tổ chức, vì đội của anh phải đi lòng vòng tới 9.156km: 2 trận chơi ở Azerbaijan (ranh giới Á - Âu), sau đó qua Roma rồi tiếp đó là trận ở vòng đấu loại trực tiếp ở Copenhagen. Trong khi đó, Italia và Anh, 2 đội lọt vào chung kết được chơi cả 3 trận vòng bảng trên sân nhà, và ở các trận còn lại cũng chỉ di chuyển ở khoảng cách khá gần.
Một điều chắc chắn: chủ nhà duy nhất của kỳ EURO 2024 sẽ là nước Đức với 10 SVĐ tại các thành phố của nước này. Và cho dù số phận của Cup vàng châu Âu chỉ được biết đến trong đêm Chủ nhật 11/7/2021, nhưng cho đến giờ đã có gần 8 triệu - tức là một phần tư số người lao động ở Anh - xin nghỉ phép vào ngày thứ Hai, và đa số các trường học tại nước này cũng cho phép học sinh tới học muộn sau ngày lịch sử đó.
Bởi lẽ, mặc dù được coi là nơi sản sinh môn bóng đá hiện đại nhưng nước Anh chưa bao giờ được chạm vào Cup vô địch châu Âu, và tuyển Anh cũng chỉ chiến thắng trong một kỳ giải quốc tế từ năm 1966 - trong World Cup tổ chức tại sân nhà. Hơn thế nữa, Anh chưa bao giờ vượt nổi Ý trong khuôn khổ một trận đấu giành giải! Nước Anh - giờ không còn là thành viên Liên minh châu Âu - liệu có thể “lên đỉnh” trong đêm 11/7, hãy đợi xem!
Nguồn: [Link nguồn]
Tiền đạo thủ quân ĐT Anh Harry Kane đánh giá rất cao sức mạnh của cặp "lá chắn thép" Bonucci và Chiellini bên phía...