Giật mình ĐT Anh hóa “chuyên gia” thua ngược, đầy bất an trước EURO
ĐT Anh là một trong những đội hay thua ngược nhất tại các giải đấu lớn.
ĐT Anh sắp bước vào vòng chung kết EURO và năm nay họ được đánh giá là một trong những đội có cơ hội vô địch khá cao bởi không chỉ lực lượng mạnh mà còn bởi chiều sâu đội hình tăng đáng kể so với World Cup 2018 và năm nay họ lại được đá sân nhà ở vòng bảng (và có thể cả bán kết & chung kết). Tuy nhiên sự hoài nghi về “Tam Sư” luôn là điều hiện hữu trong dư luận.
ĐT Anh có lực lượng mạnh nhưng vẫn bị hoài nghi do hay "xịt" ở các giải lớn
Thành tích thi đấu của ĐT Anh tại các giải đấu quốc tế khá phập phù và họ hay gây thất vọng ở những thời điểm được kỳ vọng cao. World Cup 1966 cho đến nay vẫn là danh hiệu lớn duy nhất của ĐT Anh và giành được trên sân nhà một cách có phần gây tranh cãi. Trong thế kỷ XXI thành tích tại các giải lớn của đội tuyển đảo quốc sương mù là không tốt và World Cup 2018 là lần đầu tiên trong thế kỷ này họ lọt tới bán kết.
Đã có nhiều điều được viện dẫn để lý giải cho thất bại của người Anh ở các giải đấu lớn nhưng mới đây có thêm một khía cạnh nữa được phân tích và có thể khiến fan Anh lo lắng trước EURO 2021. Trong số các đội tuyển dự các kỳ World Cup & EURO, ĐT Anh thuộc vào nhóm những đội tuyển bị ngược dòng nhiều nhất trong lịch sử. Thậm chí chỉ riêng từ năm 2000 đến nay ĐT Anh đã hơn hẳn các đội tuyển còn lại về khả năng thua ngược ở các giải lớn, bao gồm cả Nations League hay Confederations Cup.
Thống kê của nhà báo James Dart trên tờ The Guardian cho thấy từ năm 2000, ĐT Anh đã chỉ giành chiến thắng có 50% số trận đấu (26) mà họ là đội mở tỷ số, thắng 13 trong khi hòa 7 và thua 6. Thất bại gần nhất của ĐT Anh là trước Croatia ở bán kết World Cup 2018, họ đã dẫn 1-0 nhưng thua 1-2 sau hiệp phụ.
Trong khi đó Pháp, Bỉ, Đức, Bồ Đào Nha đều chỉ thua ngược đúng 1 trận, Hà Lan thua chỉ 2 còn Italia thua 3 trận. Italia có tỷ lệ thắng thấp nhất trong các đội nói trên ở mức 72%, các đội còn lại đều trên 80% mà trong số này Hà Lan là ấn tượng nhất với 89,5%. Đức là đội có số trận thắng nhiều nhất trong khi Pháp và TBN lần lượt xếp sau.
Thống kê của tờ The Guardian về những đội lớn và tỷ lệ thắng của họ sau khi có bàn dẫn trước ở các giải đấu lớn (World Cup, EURO, Nations League, Confederations Cup)
Đánh giá về lý do vì sao ĐT Anh lại kém như vậy, sử gia bóng đá Jonathan Wilson cho biết lối chơi của ĐT Anh ở các giải lớn đôi lúc tự đặt họ vào thế phải chống đỡ sau khi có bàn dẫn trước. “Nếu là một đối thủ mạnh nào khác thì họ đã đá chậm, giữ bóng lâu và làm đủ mọi thủ thuật để kéo dài thời gian. Người Anh dường như không bao giờ làm vậy, họ ngày càng lùi xuống và mời gọi đối thủ tạo ra sức ép lên khung thành của mình và bảo vệ nó bằng sự can đảm của các cá nhân”.
Wilson gọi đây là “hội chứng Dunkirk”, nói đến trận đánh năm 1940 khi quân đội Anh phải ra sức cầm cự trước bước tiến của Đức Quốc xã để binh lính Anh và Pháp có thể di tản khỏi nước Pháp sau khi Đức đã chiếm được thủ đô Paris và tiến về phía bờ biển. “Trận đấu càng trôi về cuối gánh nặng bảo vệ tỷ số càng đè lên tâm lý của các cầu thủ Anh, trong khi đối thủ chậm rãi nhưng chắc chắn luồn thòng lọng qua cổ. Sự hoảng loạn ngày một tăng và khi bàn thua đến điều đó được xem như tất yếu”, Wilson viết.
Thế hệ cầu thủ Anh hiện tại được kỳ vọng sẽ không tái diễn điều đó bởi họ có nhiều cầu thủ chất lượng và chịu ảnh hưởng từ các HLV nước ngoài làm việc ở cấp độ CLB. Tuy nhiên tâm lý chống đỡ ấy không dễ xóa bỏ, nó phải bị biến mất trong tư duy chơi bóng của tất cả các vị trí trên sân.
HLV Mourinho cho rằng đây là thời cơ rất lớn để ĐT Anh đoạt chức vô địch EURO.
Nguồn: [Link nguồn]